Dân Việt

Một gia đình người dân tộc Sán Chỉ 4 đời nối kế nhau ủ men lá cho ra những mẻ rượu đắm say lòng người

Bùi My 07/02/2024 19:00 GMT+7
Bất kể ngày thường hay lễ tết, trong nhà ông Trần Văn Liềng (thôn Khe Ngàn, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) luôn bập bùng ánh lửa và nồng nàn hương thơm…

Đến nay, gia đình người dân tộc Sán Chỉ này đã 4 đời nối nhau kê bếp nấu rượu men lá truyền thống, cho ra những mẻ rượu đậm chất núi rừng làm say đắm lòng người.

Cất công tìm lá để làm ra rượu men lá

Từ đầu thôn Khe Ngàn, chúng tôi đã nghe hương thơm lúc thoang thoảng, lúc sực lên nồng nàn. Chị Hoàng Thị Đạo - cán bộ văn hóa xã Đại Dực bảo, đó là hương thơm từ rượu men lá của nhà ông Trần Văn Liềng đấy.

Lần theo mùi hương ấy, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Liềng ở giữa thôn Khe Ngàn. Dọc đường, anh bạn đồng nghiệp quê Tiên Yên bảo ở Tiên Yên này có món gà nấu rượu gừng, ngửi mùi thơm thôi là đã thấy nôn nao rồi. Món ăn này nấu dễ lắm, nhưng nếu được nấu bởi gà Tiên Yên và rượu men lá của nhà ông Liềng thì không chê vào đâu được…

Nhà ông Liềng rất dễ nhận ra, trước sân phơi đầy củi từ gỗ keo già, bên cạnh là căn bếp lợp mái tôn chỉ dành cho việc nấu và ủ rượu men lá. Ông Liêng vừa kiểm tra nồi chưng cất rượu, còn con trai ông là anh Trần Văn Hải cũng vừa đi giao hơn trăm lít rượu men lá cho khách tận trung tâm huyện về đến nhà.

Một gia đình người dân tộc Sán Chỉ 4 đời nối kế nhau ủ men lá cho ra những mẻ rượu đắm say lòng người- Ảnh 1.

Ông Trần Văn Liềng giới thiệu với cán bộ văn hóa xã Đại Dực về cách làm men lá. Ảnh: Bùi My

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Dực Hoàng Việt Tùng chia sẻ, rượu men lá của gia đình Trần Văn Liềng thơm ngon có tiếng ở Đại Dực này. Chính sự tinh khiết của nguồn nước cùng cách nấu thủ công, sử dụng men lá truyền thống đã tạo ra hương vị đặc trưng của rượu men lá này.

Ông Liềng đon đả mời chúng tôi tham quan xưởng nấu rượu men lá của gia đình. Bước qua ngưỡng cửa, mùi thơm của rượu càng nồng nàn, hòa lẫn mùi thơm của cơm nóng hổi vừa được trải ra nong đợi nguội.

Ở tuổi 80, ông Liềng không nhớ mình biết làm men, nấu rượu men lá từ khi nào, nhưng khi nói đến nghề thì kể tường tận không thiếu một chi tiết nào. Cách làm men lá, cách nấu rượu được truyền qua các thế hệ của gia đình, đến ông là thế hệ thứ 3 và nay con trai ông lại tiếp tục nấu rượu men lá.

"Tôi cũng không biết nghề nấu rượu của gia đình đã có từ bao giờ, chỉ biết đời ông của tôi đã nấu rượu men lá. Khi còn nhỏ, tôi đã theo ông học làm men lá, nấu rượu…" - ông Liềng nhấp chén rượu do chính tay mình nấu ra rồi "khà" một tiếng.

Anh Trần Văn Hải góp chuyện: "Tôi theo bố học làm men, nấu rượu từ khi rất nhỏ, chẳng rõ từ lúc bao nhiêu tuổi nữa. Trên rừng có cả ngàn loại cây, tôi cứ theo bố, thấy bố hái lá nào thì tôi hái lá đó, lâu dần thì biết thôi".

Theo lời ông Liềng, để có được ly rượu men lá ấm nồng là cả một quá trình hết sức công phu, bài bản ngay từ khâu làm men, ủ rượu đến chưng cất, bảo quản. Quan trọng nhất là việc chọn các loại lá cây rừng để làm men. Nói rồi, ông lật tìm trên giàn bếp, mang ra vài quả men màu trắng ngà đã phơi khô từ lâu. Ông bảo, rượu men lá có ở nhiều nơi, nhưng cách làm men, cách nấu rượu ở mỗi vùng mỗi dân tộc lại khác nhau, cho ra hương vị đặc trưng khác nhau.

"Men lá của tôi được làm từ nhiều loại lá cây rừng lắm, đều là những cây thuốc cả. Không gọi được tiếng phổ thông đâu, chỉ biết gọi theo tiếng Sán Chỉ là mầu nhịu, sán cọm dịp, thó tầy meng, phát doọc… Để hái được chúng, phải đi rừng từ sáng sớm khi sương còn chưa tan. Nhiều loại lá rừng phải đi tận Mũi Chùa (xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên), cách gần 40km để lấy. Cũng có khi phải đi rừng tận ở Quảng An (huyện Đầm Hà) để lấy lá rừng. Các loại lá cây rừng ngày càng hiếm, phải vào rừng sâu mới kiếm được" - ông Liềng bảo.

4 đời "kê nồi" nấu rượu men lá

Anh Trần Văn Hải kể: "Để nấu được mẻ rượu ngon, công đoạn làm men rất quan trọng, đòi hỏi phải rất công phu và khéo léo. Ngày trước không có máy móc hiện đại, gia đình phải dùng cối để giã lá thuốc thành bột, cành thân cây phải băm thủ công. Quá trình làm men lá tốn công lắm, nhiều lúc làm không kịp, nhất là dịp tết".

Anh Hải cũng bật mí rằng, ngoài men lá, điều làm cho rượu của gia đình anh trở nên đặc biệt là bởi sử dụng nước nguồn và nấu rượu bằng củi lửa truyền thống. Thậm chí, những mẻ rượu đặc biệt dùng để mời khách quý còn được nấu bằng củi quế. Nhờ đó, rượu có hương vị tinh khiết của núi rừng, uống mềm môi mà không đau đầu như nhiều loại rượu khác.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại men giá rẻ, sử dụng nhiều loại hoá chất làm cho quá trình lên men nhanh, việc ủ nấu cũng nhanh hơn. Trong khi đó, để làm được men lá gặp nhiều khó khăn do cây dược liệu ngày một khan hiếm, quá trình làm men phải công phu, thời gian làm men và ủ lại lâu hơn. "Tôi cũng từng thử dùng men mua từ Trung Quốc để ủ rượu nhanh hơn, nhưng rượu ủ ra không ngon bằng, uống đau đầu, đau người lắm. 

Bởi vậy gia đình vẫn tự làm men và nấu rượu men lá truyền thống, gần như ngày nào gia đình cũng nấu, từ tháng 10 âm lịch đến Tết Nguyên đán là không nghỉ ngày nào. Đặc biệt vào dịp giáp tết, có khi nấu rượu thâu đêm nhưng cũng không đủ hàng để bán" - ông Liềng bảo.