Dân Việt

Tin tốt liên quan đến Bộ GTVT, cổ phiếu đầu tư công "toả sáng"

Thế Anh 09/08/2024 10:35 GMT+7
Cổ phiếu đầu tư công dậy sóng, xanh tím phất phới trong mấy ngày qua, thể hiện rõ tính chất giải ngân vốn đầu tư công của nhóm ngành giao thông có tỷ lệ giải ngân cao đứng tốp đầu trên cả nước với hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm đang triển khai.

Cổ phiếu đầu tư công "nổi sóng"

VN-Index ngày 8/8/2024 đóng cửa 1208,32 điểm, giảm 7,56 điểm tương ứng 0,62% với thanh khoản nhỉnh hơn phiên liền trước, nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên, với giá trị hơn 16.744 tỷ đồng.

Mặc dù VN – Index đóng cửa với độ rộng nghiêng về phe bán với 257 mã giảm và 161 mã tăng. Nhưng điểm sáng phiên này đến từ 2 nhóm cổ phiếu Đầu tư công (HHV, LCG, VCG, FCN, CII, C4G...) và nhóm Dệt may (TNG, STK VGT...).

Ngay từ phiên sáng 8/8/2024, nhóm cổ phiếu đầu tư công đã có mở màn ấn tượng với sắc xanh bao phủ loạt các cổ phiếu chủ chốt. HHV của Đèo Cả dẫn đầu khi tăng 6,47% và chốt phiên ở sắc tím +6,97%.

Dậy sóng, xanh tím phất phới, cổ phiếu đầu tư công "toả sáng" - Ảnh 1.

Đèo cả có lợi nhuận tăng mạnh nhờ mảng thi công xây lắp hạ tầng giao thông và thu phí cao tốc.

Tiếp sau là VCG của Vinaconex +6,25%, chốt phiên tăng 5,65%; LCG của Lizen +5,29%, chốt phiên tăng 5,8%; C4G của Cienco4 +4,49%, chốt phiên tăng 3,37%; FCN của Fecon +4,27%, chốt phiên tăng 4,7%; KSB của Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương +3,26% hay CII +2,46%, chốt phiên tăng 1,4%.

Giới chuyên môn cho rằng, nhà đầu tư đã có phản ứng nhanh nhạy trước báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2024 của nhóm doanh nghiệp đầu tư công, cũng như kỳ vọng về khả năng các doanh nghiệp này có thể duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận trong những quý tiếp theo khi mà dư địa giải ngân vốn đầu tư công cho những tháng cuối năm rất lớn.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chung của cả nước 6 tháng đầu năm 2024 chỉ đạt 29,39%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, có 11/44 bộ, cơ quan trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước, trong đó, một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân cao thuộc về các Bộ, ngành đang triển khai các dự án đầu tư công trọng điểm.

Cụ thể, Bộ GTVT là một trong những đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao đứng tốp đầu trên cả nước, với tỷ lệ giải ngân cao hơn so với bình quân của cả nước. Bộ GTVT đã triển khai hàng loạt các dự án đầu tư công như: Cao tốc Bắc – Nam, quy hoạch sân bay,…

Dậy sóng, xanh tím phất phới, cổ phiếu đầu tư công "toả sáng" - Ảnh 2.

Nhóm doanh nghiệp thi công dự án sân bay Long Thanh như: Vinaconex, Tập đoàn Cienco4 đồng loạt báo lãi.

Doanh nghiệp đầu tư công đồng loạt báo lãi đậm trong quý II/2024

Thống kê kết quả kinh doanh của 5 doanh nghiệp thi công các dự án giao thông trọng điểm bằng vốn đầu tư công cho thấy, trong quý II/2024 có 5 doanh nghiệp tăng trưởng, doanh nghiệp giảm lãi và 2 doanh nghiệp báo lỗ.

Dữ liệu cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế quý II/2024 của 5 doanh nghiệp thi công hạ tầng giao thông đều tăng mạnh so với bình quân cùng kỳ năm 2023.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 của Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex; mã: VCG), ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 163 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.

Vinaconex cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận tăng vọt là do Vinaconex đang sở hữu thi công nhiều gói thầu tại các dự án đầu tư công với giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Một số dự án lớn cụ thể, Vinaconex là một trong những thành viên thuộc Liên danh nhà thầu Vietur trúng gói thầu 5.10 trị giá 35.000 tỷ đồng thuộc dự án sân bay Long Thành; Gói thầu 4.6 thi công nhà ga hành khách và các hạng mục quan trọng thuộc dự án sân bay Long Thành. Ngoài ra, Vinaconex cũng thi công nhiều gói thầu khác thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam.

Tương tự, trong báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 của Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (Mã: HHV) hay còn được gọi là "ông Vua đào hầm", ghi nhận doanh thu đạt gần 814 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 125 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt là 32,9% và 14 % so với cùng kỳ năm 2023.

Lý giải về lợi nhuận tăng mạnh, lãnh đạo Đèo Cả chỉ ra nguyên nhân đến từ 2 mảng kinh doanh chính đó là thi công xây lắp hạ tầng giao thông trên khắp cả và thu phí các dự án cao tốc.

Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quý II/2024 của Công ty CP Tập đoàn Cienco4 (Mã: C4G) cũng ghi nhận lợi nhuận tăng cao đội biến đạt hơn 60 tỷ đồng, tăng 87,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo giải trình của lãnh đạo Tập đoàn Cienco4, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý II/2024, đạt hơn 1.027 tỷ đồng, tăng 66,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Hiện nay, Tập đoàn Cienco4 cũng đang "góp mặt" tại các dự án cao tốc Bắc – Nam và gói thầu 4.6 thi công nhà ga hành khách và các hạng mục quan trọng thuộc dự án sân bay Long Thành.

So với 3 doanh nghiệp nêu trên, kết quả kinh doanh quý II/2024 của Công ty Cổ phần FECON (mã cổ phiếu FCN) lại có phần hụt hơi. Mặc dù, FECON liên tục trúng nhiều gói thầu xây lắp quy mô lớn.

FECON ghi nhận doanh thu thuần đạt 816 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do giá vốn tăng mạnh nên lợi nhuận gộp trong kỳ giảm tới 30%, còn 87,7 tỷ đồng.

Ở phía Nam, trong quý II/2024, Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (mã Ck: CII) cũng ghi nhận lợi nhuận đạt 129 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết thúc nửa đầu năm 2024, công ty đã hoàn thành 64% kế hoạch lợi nhuận năm. CII là một trong những nhà thầu thi công các gói thầu đầu tư hạ tầng giao thông tại khu vực phía như: Dự án mở rộng Xa Lộ Hà Nội giai đoạn 2 và nhiều dự án khác.