Dân Việt

Ở vùng trồng rau muống lớn nhất TP.HCM, giá rau muống an toàn luôn cao nhưng vì sao nông dân vẫn trồng theo kiểu cũ?

Nguyên Vỹ 24/10/2024 09:38 GMT+7
Nhiều nông dân ở những vùng trồng rau muống lớn ở TP.HCM có hiểu biết nhất định về kỹ thuật trồng rau muống an toàn nhưng chọn sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống nhiều hơn, do tỷ suất lợi nhuận trên chi phí với rau muống an toàn thấp hơn.

Nhiều nông dân vẫn trồng rau muống theo kinh nghiệm

Hiện nay, vấn đề trách nhiệm xã hội đang dần trở thành chủ đề nóng, đặc biệt trong lĩnh vực trong sản xuất, kinh doanh nông sản khi gắn liền các vụ bê bối về an toàn thực phẩm.

ThS. Trần Đức Luân, Khoa Kinh tế (Trường Đại Học Nông Lâm TP.HCM) cho biết, ý định sản xuất, hành vi sản xuất, chế biến, phân phối hay tiêu dùng rau muống an toàn đều cần đến trách nhiệm xã hội các bên liên quan.

Nông dân vẫn chuộng trồng rau muống theo kinh nghiệm- Ảnh 1.

Nông dân trồng rau muống ở huyện Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Chia sẻ kết quả nghiên cứu tại Hội thảo trách nhiệm xã hội ở Bình Dương mới đây, ThS. Luân cho biết, kết quả khảo sát thị trường rau muống do Trường Đại Học Nông - Lâm TP.HCM thực hiện trong năm 2024 với 90 nông dân ở huyện Củ Chi, Hóc Môn và quận 12 cho nhiều kết quả bất ngờ. Nông dân có nhận thức về trách nhiệm xã hội khi sản xuất rau muống. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nông dân chuộng trồng rau muống theo kinh nghiệm truyền thống.

Theo đó, nông dân trồng rau muống theo kinh nghiệm chiếm 75%, còn lại là nông dân trồng rau muống an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Những người sản xuất đánh giá rằng, rau muống an toàn được bón phân và phun thuốc BVTV theo quy định và thường xuyên có sự kiểm tra về nguồn nước, liều lượng thuốc, thời gian cách ly từ cơ quan kiểm định.

Nông dân vẫn chuộng trồng rau muống theo kinh nghiệm- Ảnh 2.

Rau muống VietGAP của một HTX trên địa bàn huyện Củ Chi. Ảnh: Nguyên Vỹ

Trong khi đó, rau muống truyền thống (rau muống thường) được trồng theo kinh nghiệm của từng nông dân.

So sánh đặc điểm 2 loại rau muống ở địa bàn khảo sát, rau VietGAP có đặc điểm: Chi phí cao; năng suất thấp, rau cứng; không đẹp; không đảm bảo bán số lượng lớn.

Rau VietGAP có chứng nhận sản xuất an toàn; thường bán cho siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Giá bán trung bình 2.900 đồng/kg; thấp nhất 1.500 đồng/kg; cao nhất 8.000 đồng/kg.

Rau muống thường thì cho năng suất cao. Rau non (mềm); mẫu mã đẹp; trồng theo kinh nghiệm, dễ chăm sóc; chi phí thấp. Loại rau này không kiểm tra tiêu chuẩn rau; bán được với số lượng lớn. Giá bán trung bình 2.090 đồng/kg; thấp nhất; 1.500 đồng/kg; cao nhất 3.000 đồng/kg.

Nông dân vẫn chuộng trồng rau muống theo kinh nghiệm- Ảnh 3.

Nhiều nông dân vẫn trồng rau muống theo kinh nghiệm. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tính bình quân trên diện tích 1.000 m2, nông dân sản xuất rau muống an toàn có lợi nhuận 45,5 triệu đồng/năm. Còn rau thường là 36,74 triệu đồng/năm. Mặc dù so với rau muống thường, lợi nhuận từ rau muống an toàn cao hơn 24% nhưng tỷ suất lợi nhuận/chi phí thì thấp hơn rau thường, khoảng 0,07 lần.

Tiêu dùng rau muống an toàn góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất an toàn

Cũng theo ThS. Luân, kết quả khảo sát với 125 người tiêu dùng cho thấy, tần suất sử dụng rau muống trong bữa ăn hàng ngày trên địa bàn là khá cao.

Trong đó, nhu cầu dùng rau muống từ 1-2 lần/tuần chiếm tỷ lệ cao nhất, 56,8%; việc dùng rau muống 1-2 lần/tháng chiếm tỷ lệ 24,8%.

Qua khảo sát, người tiêu dùng có quan tâm đến sức khỏe của bản thân và cộng đồng. Tuy nhiên, điểm đánh giá (điểm tối đa là 5) về lòng tin rau muống an toàn có thực sự an toàn là không cao. Điểm số về ý định mua rau muống an toàn cũng chỉ dao động từ 3,7-3,9 điểm.

Nông dân vẫn chuộng trồng rau muống theo kinh nghiệm- Ảnh 4.

Khách hàng lựa mua rau muống trong siêu thị ở TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo ThS. Luân, tiêu dùng rau an toàn là một phần quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất an toàn và đảm bảo sức khỏe người sử dụng.

"Trách nhiệm tiêu dùng không chỉ dừng lại ở việc lựa chọn cá nhân mà còn khuyến khích cộng đồng mua rau an toàn và đóng góp cho sự phát triển của ngành nông nghiệp", ThS. Luân chia sẻ.

Xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi) được coi là thủ phủ rau muống của TP.HCM với diện tích 276ha, cung ứng ra thị trường khoảng 28.000 tấn/năm. Toàn xã hiện có khoảng 240 hộ trồng rau muống, trong đó có phân nửa trồng rau muống theo tiêu chuẩn VietGAP.

Thời gian qua, chính quyền địa phương nỗ lực áp dụng quy trình sản xuất rau muống VietGAP nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm.

Lão nông Huỳnh Văn Sang ở xã Bình Mỹ kể, trước đây, việc trồng rau muống không theo quy chuẩn. Người dân cứ thấy phân, thuốc nào hợp với rau thì dùng.

Từ khi được hướng dẫn sản xuất an toàn VietGAP, người trồng rau muống ở xã Bình Mỹ được ngành khuyến nông hướng dẫn cách dùng phân hữu cơ vi sinh hợp lý, dùng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, tuân thủ thời gian cách ly trước khi thu hoạch.

Nhờ chuyển sang trồng rau VietGAP, việc sử dụng chất cấm đã hạn chế đáng kể. "Người trồng rau phải cam kết với chính quyền, sản phẩm mình làm tuyệt đối không phẩm màu, không hóa chất độc hại. Nếu có sai trái nông dân chịu hoàn toàn trách nhiệm", ông Sang kể.

Nông dân vẫn chuộng trồng rau muống theo kinh nghiệm- Ảnh 5.

Ngành chức năng kiểm tra quá trình sản xuất rau muống trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo ông Phạm Tấn Phát - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ, trên cơ sở cam kết này, chính quyền địa phương kiểm tra giám sát suốt quá trình sản xuất. Nếu phát hiện trường hợp sai phạm sẽ xử lý theo quy định pháp luật.

Ông Lê Đình Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, huyện phấn đấu 100% số hộ sản xuất rau muống nước đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Thời gian tới, huyện tập trung vận động người dân nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm xã hội trong việc tham gia sản xuất rau muống, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Huyện Củ Chi cũng sẽ hỗ trợ liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ rau muống nước VietGAP thông qua nhiều kênh thương mại; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.