Hồi học cấp 3, tôi có 3 năm học tiếng Trung, từ lớp 8 đến lớp 10, hồi ấy chúng tôi học hệ 10 năm. Thầy dạy tiếng Trung của chúng tôi, nguyên là cán bộ của đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, luôn luôn giải thích cho chúng tôi rằng, rất may mắn các em ạ, là nhờ mấy ông giáo sĩ Thừa sai ấy mà nước ta thoát khỏi chữ Hán. Ngay chữ Nôm của chúng ta, nói là của chúng ta, nhưng muốn biết chữ Nôm vẫn phải rành chữ Hán.
Và ông kể người Trung Quốc khổ vì chính chữ của họ như thế nào, rằng ông Quách Mạt Nhược, tài thế, giỏi thế, số 1 Trung Quốc thế, mà nào có biết hết tiếng Trung đâu. Rồi ông lại nói người Trung Quốc khổ vì phải chế tạo cái đả tự cơ (máy đánh chữ) như thế nào, rồi để sử dụng được nó cũng trần ai như thế nào, vân vân và vân vân.
Thì chúng tôi biết thế, nghe thầy nói thì thấy chúng ta thật may mắn khi được học a bê xê, viết chữ như rất đông các nước khác trên thế giới chứ không phải vặn người đi viết thứ chữ mà ông AQ cũng từng méo hết tất cả các thứ trên người để khoanh vào bản án của mình trước khi ra pháp trường.
Rồi thành nhà văn nhà báo, dùng chữ Việt sáng tác, tung tẩy, thấy nó thuận tiện, kỳ diệu và hết sức thoải mái. Và mới lần mò đi tìm cái người làm ra chữ Việt để biết ơn.
Thì lâu nay vẫn nghĩ ông ấy là Alexandre de Rhodes, luôn nghĩ là ông ấy, dù cũng biết là, ông ấy là giáo sĩ, sang Việt Nam là để truyền đạo. Và để truyền đạo thì việc đầu tiên là phải học tiếng. Và rồi từ học tiếng thì ông mày mò chép lại, rồi nó thành chữ như bây giờ, bởi ngoài là giáo sĩ, ông này còn là nhà ngôn ngữ.
Sau thì biết thêm, trước ông, một giáo sĩ khác, là ông Pina đã hệ thống hóa chữ Việt rồi. Trước đấy nữa, một nhóm các nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha và Ý cũng làm việc này. Nghe nói ông Pina là người dạy tiếng Việt cho Alexandre de Rhodes nữa...
Thế tại sao lại hay nhắc ông Alexandre de Rhodes?
Ấy là ông là người xuất bản cuốn "Từ điển Việt - Bồ - La", là sự kiện ra đời đầu tiên của chữ quốc ngữ, chỉ việc ấy thôi, những người dùng chữ Việt hôm nay đã phải hết lòng cảm ơn ông. Nên từng có người đề nghị dựng tượng ông không phải là không có lý.
Alexandre de Rhodes đã được đặt tên đường tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Mới đây, cái tên Alexandre de Rhodes lại... vang lên khi thành phố Đà Nẵng dự định lấy tên ông đặt cho một con đường và bị 12 trí thức Huế gửi công văn phản đối, dù trước đấy, thành phố Hồ Chí Minh đã lấy tên ông đặt cho một con đường.
Cái lý của 12 vị trí thức Huế này đưa ra là, Alexandre de Rhodes không phải là người làm ra chữ quốc ngữ. Thứ 2, việc làm ra chữ quốc ngữ là để... xâm lăng, vân vân và vân vân.
Dư luận dậy sóng, với các câu hỏi thiết thực như: Việc đặt tên đường ở Đà Nẵng là do hội đồng nhân dân, tức người Đà Nẵng quyết định, 12 vị trí thức kia ở Huế (và vài nơi khác) phản đối liệu có đúng không? Và thứ 2, hay hơn, là nếu những gì liên quan đến xâm lăng đều phải chống, phải bỏ, thì Huế có nên giữ cầu Trường Tiền không, có nên giữ các di tích rất đẹp từ thời phong kiến không, rồi những liên quan đến "ngoại xâm" như Morin, Tòa khâm... có nên sử dụng nữa không? Chưa hết, thế các vị như Pasteur, Yersin... có nên giữ tên không, thuốc các vị ấy làm ra có nên dùng không? vân vân và vân vân... Và nữa, cái kiến nghị ấy lại viết bằng chính thứ chữ mà các vị trí thức ấy cho là... xâm lăng?
Thêm nữa, nếu bản kiến nghị này thuần túy khoa học, nêu rõ lý lẽ không nên lấy tên Alexandre de Rhodes đặt tên đường trên cơ sở khoa học, chứ không phải quy chụp chính trị theo kiểu thô thiển một thời, thì chả ai có ý kiến gì, thậm chí là rất hoan nghênh.
Một số người đọc kỹ kiến nghị của 12 vị trí thức còn chỉ ra rằng, các vị này mang tư duy từ thời thập kỷ 70 của thế kỷ trước để trình bày việc bây giờ, là quy chụp, là chia rẽ, là nâng cấp quan điểm... Kiểu như sau 1975 tất cả những gì thuộc về chế độ cũ là phải đổi. Tên đường dẫu chả liên quan cũng đổi, kiểu như Gia Long, Đồng Khánh, Duy Tân, Công Lý, Tự Do... đều phải đổi. Cái trường nữ sinh Đồng Khánh ở Huế nổi tiếng một thời ngay lập tức được đổi thành Hai Bà Trưng, trường Gia Long ở Sài Gòn đổi thành Nguyễn Thị Minh Khai...
Một góc đường Alexandre de Rhodes, quận 1, TP.HCM.
Và, chưa hết, một chuyện bi hài đã xảy ra.
Ấy là ít nhất có 1 người trong số 12 vị trí thức đã ký kiến nghị kia cho rằng, ông hoàn toàn không có ý kiến gì trong việc kiến nghị, vì ông là dân triết, có biết gì ông Alexandre de Rhodes với chữ nghĩa đâu mà ký, thế mà tên ông vẫn có. Ông là PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng. Ông nói rằng, khi được PGS. TS Lê Cung mời ký, ông đã từ chối, nhưng lại vẫn có tên. Vì thế ông đã trực tiếp gọi điện cho lãnh đạo thành phố Đà Nẵng phản ánh và yêu cầu ông Cung rút tên ông ra, nhưng đến giờ này vẫn chưa thấy rút.
Người thứ 2 nói rằng mình... cả tin là thạc sĩ Hà Văn Lưỡng. Ông Lưỡng nguyên là Trưởng khoa Văn Đại học Khoa học Huế, đã trả lời một nhà báo, nguyên là sinh viên của mình, và anh nhà báo thuật lại như sau: "Thầy cho biết là có nghe PGS.TS Lê Cung nói qua về việc TP Đà Nẵng đang lấy ý kiến về việc đặt tên đường. Thầy Lưỡng nói thầy dạy văn học không nắm kỹ về lịch sử, tôn giáo nên không ý kiến. Thầy Cung nói kiến nghị cần có số lượng đông nên thầy nói "anh nghiên cứu kỹ về sử, anh viết thì tôi tham gia". Thầy cho biết thêm là thầy nghĩ sự việc đơn giản, chẳng qua là một ý kiến góp ý xây dựng chứ không có ý gì khác. Khi thấy sự việc đi quá xa, thầy rất lấy làm tiếc về việc đã đồng ý "tham gia" kiến nghị"...
Thế là đã rõ.
Nhưng mà cũng vẫn không rõ.
Chắc là cuối cùng thì Đà Nẵng vẫn sẽ lấy tên Alexandre de Rhodes đặt tên đường thôi, nhưng vì vướng một nội dung trong nghị định là, nếu có ý kiến khác thì dừng việc đặt tên, nên thường trực hội đồng đặt tên là Sở Văn hóa Thể thao Đà Nẵng không đưa tên Alexandre de Rhodes vào trình trong cuộc họp hội đồng lần này. Nhưng vấn đề là, tại sao lại có cái kiến nghị để phải dậy sóng như thế, từ các vị trí thức Huế, khi mà, chính những người có tên trong ấy lại... phủ nhận. Và văn bản kiến nghị này đã được gửi đi rất nhiều nơi chứ không chỉ Sở Văn hóa Thể thao Đà Nẵng. Chính ông Huỳnh Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Đà Nẵng, Phó chủ tịch Hội đồng đặt tên đường, từng là học trò ông Hà Văn Lưỡng, cũng cho rằng, kiến nghị của các trí thức kia "áp đặt, gán ghép, chưa thuyết phục. Lấy ví dụ linh mục Alexandre de Rhodes có mặt ở Việt Nam từ thế kỷ thứ 17, trong khi thực dân Pháp xâm lược nước ta tận đầu thế kỷ 19, tức hơn 250 năm sau. Bây giờ gán ghép hai sự kiện đó lại với nhau là khiên cưỡng”…
Khiên cưỡng thế, nhưng vẫn phải... chấp nhận dừng lại, thì thấy sự khiên cưỡng ấy nó... ngang ngược đến như thế nào?