Việt Nam
Người Việt Nam thường ăn bánh chưng vào dịp Tết Âm lịch. Đây là món ăn cổ truyền, không thể thiếu trong mâm cỗ mừng năm mới. Ngoài ra, người dân thường có thói quen mua một túi muối nhỏ vào giao thừa hoặc sáng mùng một Tết với ý nghĩa mang tới may mắn.
Trung Quốc
Tại Trung Quốc, người dân thường ăn mỳ vào đầu năm mới, với ước nguyện trường thọ, cuộc sống sẽ dài lâu như sợi mỳ. Ngoài ra, người dân cũng không ăn trứng, đậu phụ hay phô mai trắng trong ngày đầu năm vì màu sắc của chúng gợi đến sự tang tóc.
Nhật Bản
Mì Soba là món ăn truyền thống lâu đời của Nhật Bản. Phần sợi của mì Soba được làm từ kiều mạch hoặc hỗn hợp kiều mạch và lúa mì (kiều mạch thuộc nhóm thực phẩm gần giống với ngũ cốc, giàu protein và chất xơ). Sợi mì dài, dày và có màu sẫm hơn so với các loại mì khác. Phần nước dùng của mì Soba là sự kết hợp đặc trưng giữa nước súp Dashi (được chế biến từ nước cá ngừ hầm), nước sốt Mirin và nước tương Koikuchi.
Người Nhật quan niệm sợi mì Soba dài và dày, tượng trưng cho sự trường thọ và thịnh vượng. Khoảng 800 năm trước, vào thời Kamaruka, một ngôi chùa đã tặng mì Soba cho người nghèo vào dịp năm mới. Từ đó, loại mì này thường được dùng nhiều nhất vào thời điểm giao thừa và đầu năm mới với ước muốn trường thọ, ấm no.
Việc ăn mì Soba còn mang nhiều ý nghĩa và niềm hy vọng khác. Phần sợi của mì Soba dễ đứt, nên người ta cho rằng ăn mì để cắt bỏ vận rủi của năm cũ, đón vận may trong năm mới.
Hàn Quốc
Ăn canh bánh gạo Tteokguk được xem là một phong tục đón Tết của xứ sở Kim Chi. Ở đất nước này, thay vì hỏi tuổi trẻ em, bạn có thể hỏi “cháu đã ăn Tteokguk được bao nhiêu lần rồi?”. Bởi nếu bạn ăn một bát canh Tteokguk tức là bạn đã lớn thêm một tuổi. Trong buổi sáng đầu tiên của Seollal (Tết cổ truyền của người Hàn Quốc), mọi thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau và thưởng thức món canh này, với ước mong một năm mới nhiều sức khỏe và may mắn.
Món canh Tteokguk được làm từ bánh gạo của người Hàn Quốc. Màu trắng của bánh gạo tượng trưng cho sự tinh khiết, sợi bánh gạo dài biểu trưng cho hạnh phúc dài lâu, những miếng bánh gạo được ép mỏng thành hình đồng xu với mong muốn có tiền bạc dư dả, giàu có. Nước dùng của canh là nước luộc thịt bò hoặc thịt gà. Một vài lát thịt bò hoặc thịt lợn cũng được đặt lên trên. Rau ăn kèm thường là hành tây hoặc ớt đỏ thái sợi. Món canh này có thể ăn kèm với kim chi để tăng thêm hương vị đậm đà.
Philippines
Tại quốc gia này, mọi người thường ăn những loại trái cây có hình tròn như cam, quýt. Họ tin rằng món ăn này sẽ đem lại nhiều tài lộc (hình tròn tượng trưng cho tiền xu) và sự ngọt ngào trong cuộc sống (những loại quả này thường có vị ngọt).