Huy Tường là xã mới được thành lập vào đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20 theo Dự án di dân giải phóng lòng hồ Thuỷ điện Hoà Bình. Đây là một trong những địa bàn nhiều khó khăn của huyện Phù Yên, hầu hết là bà con dân tộc Thái, Dao, Mường với nghề nông truyền thống.
Nhiều hộ hội viên, ND xã Huy Tường chăn nuôi gia súc, gia cầm hàng hoá cho thu nhập cao. |
Nhà nào cũng có trâu, bò...
"Gần 600 hộ dân về định cư trên đất mới. Dù tích cực khai hoang, đào mương dẫn nước, cải tạo đất cằn, nhưng cả xã chỉ có hơn 50ha ruộng; trong đó 18ha ruộng cấy được 2 vụ. Vì thế đói nghèo cứ đeo đẳng mãi… " - ông Cầm Văn Loan - Chủ tịch Hội ND xã nhớ lại.
Trong khó khăn chung, cán bộ hội đã bám bản, bám dân, tuyên truyền, vận động bà con tích cực khai hoang, tăng gia sản xuất. Đất ít thì đưa cây, con giống mới có năng suất cao vào nuôi, trồng để nâng cao thu nhập; đồng thời phát triển VAC, vườn rừng và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
"Chúng tôi bảo nhau: Chỉ mỗi hộ nuôi thêm 1 con gà mái, 1 đầu lợn nái là đã có thêm một khoản thu. Với con trâu, con bò, cần một lượng vốn lớn thì có thể mấy hộ nuôi chung một con để lấy sức kéo, rồi nhân đàn, nhân giống sẽ thành nhiều. Điều quan trọng là phải biết đoàn kết, hộ có điều kiện giúp hộ khó khăn, Hội đứng ra tín chấp với ngân hàng, với doanh nghiệp để mua giống, vay vốn cho nông dân…" - ông Loan kể.
Những nỗ lực của tổ chức Hội đã được ND hưởng ứng và mang lại hiệu quả thiết thực. Từ một xã có tỷ lệ đói nghèo hơn 70% khi mới thành lập với những điều kiện khó khăn về đất canh tác, đến nay tỷ lệ hộ nghèo ở Huy Tường chỉ còn 20,1%. Bình quân mỗi hộ đã có 2 con trâu, bò; gần 5 đầu lợn và nhiều gia cầm.
Ông Lò Văn Xiếc - dân bản Tân Lương 2, bảo: Khi mới lập xã, chẳng ai dám nghĩ có cuộc sống tốt như bây giờ. Từ một hộ nghèo, nay gia đình tôi có thu nhập bình quân hơn 80 triệu đồng/năm nhờ kinh tế VAC đấy. Sự đổi đời của gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác trong xã có công rất lớn của Hội ND.
Ai cũng thích vào Hội
Khi bà con đã vơi bớt trăn trở với bát cơm, manh áo thường ngày, các hoạt động, phong trào của Hội được ND tích cực tham gia. Ông Lường Văn Thâm - ND SXKD giỏi bản Chiềng Lương, tâm sự: "Trước đây còn đói nghèo, có ai muốn vào Hội ND đâu. Nay được Hội giúp đỡ nhiều nên ai cũng thích vào Hội.
Mỗi khi Hội phát động làm mới, tu sửa đường giao thông, nhà lớp học, nạo vét kênh mương hay xoá nhà tạm, xây dựng đời sống văn hoá… là chúng tôi hưởng ứng ngay. 10/10 chi hội ND trong xã này đều có đội văn nghệ, đội bóng đá, bóng chuyền đấy nhé. Thỉnh thoảng chúng tôi lại tổ chức giao lưu, vui lắm. Từ năm ngoái đến nay, chúng tôi còn vận động hội viên giúp nhau hàng trăm ngày công để xoá hơn 50 nhà tạm đấy".
Ông Cầm Văn Thiết - Chủ tịch Hội ND huyện Phù Yên
Nói về đổi mới trong tổ chức Hội, ông Loan hào hứng: Các nhà báo đến xã, đi bản nào cũng thuận lợi là nhờ ND đóng góp hàng ngàn ngày công để tu sửa, làm mới hơn 10km đường liên bản. Rừng được khoanh nuôi, bảo vệ phát triển tốt cũng nhờ bà con có ý thức chăm sóc, giữ gìn.
Việc thực hiện dân số-kế hoạch hoá gia đình, gia đình hiếu học, đền ơn đáp nghĩa, phòng chống ma tuý và tệ nạn xã hội… được bà con hưởng ứng rất cao. Chúng tôi có 10 bản thì 7 bản đạt danh hiệu văn hoá cấp huyện; 75% số hộ hội viên đạt danh hiệu Gia đình văn hoá… ND đổi mới từ nhận thức tới hành động nên việc xây dựng nông thôn mới sẽ thuận lợi hơn rất nhiều...
Kiều Thiện