Liên quan đến việc trạm thu phí BOT Cai Lậy trở lại hoạt động sau nhiều tháng tạm dừng, đến đêm ngày 1/12 trạm này đã thực hiện trở lại việc thu phí xe qua lại.
Trước đó, khi trạm thu phí bắt đầu hoạt động trở lại vào ngày 30/11, nhiều tài xế dùng tiền lẻ và tiền mệnh giá 500 ngàn mua vé qua trạm. Đến 12h30, tình hình kẹt xe kéo dài hơn 2km. Do tình hình kẹt xe nghiêm trọng nên trạm Cai Lậy lại buộc phải xả trạm, không thu phí ở cả hai chiều.
Đến 13h35 cùng ngày, trạm thu phí BOT Cai Lậy hoạt động trở lại, nhưng tài xế liên tục dùng tiền lẻ gây ùn tắc nghiêm trọng. Đến 16h50, trạm thu phí BOT Cai Lậy lại xả trạm.
Điều đáng nói khi hoạt động trở lại, nhà đầu tư đã dành riêng một bãi cho xe trả tiền lẻ, nhưng các tài xế nhất quyết không vào bãi này. Với những trường hợp này, nhà đầu tư BOT đã dùng xe cẩu cẩu các xe ra khỏi làn thu phí.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy đã tiến hành thu phí trở lại vào đêm 1.12.
Đỉnh điểm là vào khoảng 16h ngày hôm qua, một tài xế trả tiền lẻ và yêu cầu thối lại tiền dư 100 đồng. Nhân viên thu phí không đồng ý và yêu cầu cho xe vào làn chờ. Lúc này một CSGT Công an Tiền Giang yêu cầu tài xế này trình giấy tờ xe.
Sau khi trình giấy tờ xe và bằng lái thì vị công an này mang đi và yêu cầu cẩu xe ô tô đi chỗ khác. Bức xúc trước hành động này, nhiều người đã vây quanh vị cán bộ CSGT yêu cầu trả bằng lái xe cho tài xế.
Sau đó tài xế này bị áp giải về đồn công an và CSGT Tiền Giang lập biên bản xử lý hành chính với 2 lỗi: Cản trở giao thông và không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông và tạm giữ giấy phép lái xe của anh.
Lý giải về việc này, một cán bộ công an huyện Cai Lậy cho rằng: Chúng tôi áp giải tài xế này về đồn là vì thời điểm đó đang xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Lực lượng CSGT yêu cầu tài xế cho kiểm tra giấy tờ và đề nghị di chuyển ra khỏi làn thu phí để tránh sự ùn tắc giao thông trên tuyến QL 1. Tài xế xuất trình giấy tờ nhưng không đồng ý cho xe di chuyển vào làn đường mà lực lượng chức năng yêu cầu. Tài xế này không những không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ mà còn có hành vi cản trở giao thông buộc lực lượng Công an đã yêu cầu xe cứu hộ đến di dời phương tiện ra ngoài.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Luật sư Nguyễn Trường Thành, trưởng VP luật sư Vạn Lý (Cần Thơ) cho biết, việc phân ra 2 trạm thu tiền lẻ và tiền mệnh giá lớn như vậy là không hợp lý, bởi vì đồng tiền thanh toán không bị cấm hay hạn chế tiền nhỏ hay lớn.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tiền mệnh giá nhỏ hay lớn đều do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành là đồng tiền pháp định, được dùng làm phương tiện thanh toán. Bên cạnh đó, luật pháp cũng quy định cấm việc từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành.
Cũng theo luật sư Thành, BOT là bên cung cấp dịch vụ có tính chất kinh doanh kiếm lời. Tài xế là bên sử dụng dịch vụ nên nó là quan hệ giao dịch dân sự. Hai bên đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ theo quy định của bộ luật dân sự nên mọi sự can thiệp về mặt hành chính của chính quyền và công an đều chưa hợp lý.
“Nếu tài xế có hành vi gây thiệt hại cho bên cung cấp dịch vụ thì họ có trách nhiệm bồi thường. Tranh chấp nếu có giữa hai bên sẽ do tòa án giải quyết”, ông Thành nói.
Vẫn theo lời luật sư Thành: “Đây là trạm thu phí dừng đỗ, không phải trạm thu phí không dừng đỗ nên tài xế phải dừng đỗ khi qua trạm là đương nhiên. Nếu không có quy định mỗi lần qua trạm phải dừng đỗ thời gian bao nhiêu thì không thể cho rằng tài xế cản trở giao thông”.
“Việc giữ giấy tờ của tài xế là không phù hợp. Nếu công an xử phạt thì tài xế có quyền khiếu nại lên cấp trên trực tiếp của người ban hành Quyết định xử phạt hoặc khởi kiện ra Toà Hành chính”, luật sư Thành nói.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Đức (đoàn luật sư TP Cần Thơ) phân tích: "Tôi cho rằng trường hợp này (tài xế dừng xe, đòi trả lại 100 đồng còn thiếu - PV), họ không vị phạm gì hết. Dừng xe, neo xe là do nhân viên không có tiền trả lại cho họ. Trong trường hợp này, nếu tài xế chứng minh được phía BOT gây thiệt hại cho họ (ảnh hưởng giờ giấc, công việc hoặc thiệt hại về giá trị vật chất khác do bị cẩu xe…) họ có quyền yêu cầu bồi thường”, luật sư Đức nêu quan điểm.
Luật sư Đức cũng cho rằng, trong riêng trường hợp này, chưa có đủ yếu tố cấu thành việc quy kết tài xế cản trở giao thông.