Theo Cổng TTĐT UBND TP Hà Nội, quận Hoàn Kiếm nằm ở vị trí trung tâm Thủ đô, nơi hội tụ và kết tinh tinh hoa văn hóa, truyền thống lịch sử của Thăng Long - Hà Nội. Xét về diện tích, Hoàn Kiếm là quận nhỏ nhất Hà Nội.
Dù có diện tích nhỏ nhất Thủ đô nhưng quận Hoàn Kiếm được coi là trung tâm chính trị - hành chính, trung tâm thương mại - dịch vụ của thành phố, nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng.
Về vị trí địa lý, quận Hoàn Kiếm phía Tây giáp quận Đống Đa, phía Tây Bắc giáp quận Ba Đình và quận Đống Đa, phía Nam giáp quận Hai Bà Trưng.
Dọc từ phía Bắc xuống phía Nam là sông Hồng, bên kia sông (phía Đông) là huyện Gia Lâm.
Quận Hoàn Kiếm tập trung nhiều đầu mối giao thông đường sắt, đường thuỷ, đường bộ. Yếu tố này đã gắn kết Hoàn Kiếm với các quận, các tỉnh, thành khác tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy giao lưu phát triển kinh tế - văn hoá và du lịch. Đó là một ưu thế đặc biệt của Quận mà không phải quận nào cũng có thể có được.
Quận nhỏ nhất Hà Nội có gì đặc sắc?
Một là, Hoàn Kiếm là quận nhỏ nhất Hà Nội nhưng tập trung nhiều Bộ, Sở, Ban, ngành và các cơ quan quản lý Nhà nước, cũng là nơi tập trung của nhiều Đại sứ quán và nhà riêng đại sứ, các văn phòng đại diện nước ngoài, nơi tập trung của các cơ quan chính trị - xã hội - tôn giáo.
Hai là, tập trung nhiều chợ lớn trong đó có chợ Đồng Xuân - một khu thương mại và dịch vụ lớn, là đầu mối giao lưu hàng hoá của cả khu vực phía Bắc cùng với một loạt chợ khác như: Hàng Da, Cửa Nam, Hàng Bè và những tuyến phố thương mại sầm uất như Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Ngang, Hàng Đào...
Ba là, quận Hoàn Kiếm có diện tích nhỏ nhất Hà Nội nhưng lại có nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng, là nơi được bạn bè trong và ngoài nước ghé thăm mỗi lần ra Thủ đô.
Một số địa điểm du lịch tại quận Hoàn Kiếm như dưới đây.
Hồ Hoàn Kiếm: Đây được xem là “trái tim” của Thủ đô Hà Nội. Không chỉ là điểm đến yêu thích của du khách thập phương mà nơi này còn mang giá trị lịch sử văn hóa quý báu của dân tộc.
Trước đây hồ Hoàn Kiếm còn có tên gọi là hồ Lục Thủy do có làn nước màu xanh lục bốn mùa quanh năm hay một tên khác nữa là hồ Thủy Quân - Hồ duyệt thủy binh. Đến khoảng thế kỷ 15 thì được đổi tên là hồ Hoàn Kiếm gắn liền với truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả lại kiếm thần cho rùa thần.
Quanh hồ là các vườn hoa được trang trí đẹp mắt, cùng nhiều điểm du lịch khác như Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, tháp Bút, đài Nghiên, tượng đài Lý Thái Tổ.
Phố cổ - 36 phố phường: Nhắc đến những địa điểm vui chơi ở Hà Nội không thể quên khu phố 36 phố phường với những cái tên gần gũi, mộc mạc: Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Ngang... Mỗi một con phố, một tên đường có những đặc trưng riêng như ô mai Hàng Đường, Hàng Chiếu nổi tiếng bán chiếu,… tất cả mang trên mình những câu chuyện xưa cũ khơi gợi ký ức ngàn năm lịch sử của Hà Nội.
Nhà thờ lớn Hà Nội: Nhà thờ St. Joseph của Hà Nội được biết đến là nhà thờ Công giáo La Mã lâu đời nhất trong thành phố. Nhà thờ lớn Hà Nội được lấy cảm hứng từ nhà thờ Đức Bà Paris. Nó có phong cách kiến trúc tân cổ điển, hai tháp chuông, những bức tranh đầy màu sắc và cửa sổ kính màu từ Pháp.
Lịch sử hình thành và phát triển của quận nhỏ nhất Hà Nội
Quận Hoàn Kiếm luôn là trung tâm của Hà Nội và của Việt Nam, được hình thành cách đây gần 1000 năm, có một bề dày lịch sử phát triển.
Khu phố cổ (36 phố phường) được hình thành từ đầu thế kỷ XIX thuộc Triều Nguyễn. Cùng với việc xây dựng Hoàng Thành, Kinh Thành, nhiều đình, đền, chùa...được xây dựng như: đình Kim Ngân, chùa Báo Ân, Báo Thiên, đền Vua Lê, Ngọc Sơn, Bà Triệu...
Từ năm 1886, quận Hoàn Kiếm được phát triển về phía Nam hồ Hoàn Kiếm theo kiểu khu phố của người Châu Âu, với hệ thống bàn cờ được hoạch định trước. Đây là một giai đoạn phát triển mới, mang phong cách xây dựng đô thị Châu Âu với nhiều công trình kiến trúc có sắc thái riêng mang nhiều đường nét kiến trúc Pháp.
Từ năm 1955, đặc biệt là sau năm 1975, việc xây dựng phát triển của quận Hoàn Kiếm đẩy mạnh ra phía ngoài đê, các khu nhà ở tập thể của các cơ quan được hình thành.
Do sự hình thành các khu vực theo từng giai đoạn như vậy, quận Hoàn Kiếm được phân rất rõ ràng với đặc điểm của từng giai đoạn lịch sử:
Khu phố cổ: gồm các phường Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Đào, Cửa Đông, Hàng Buồm, Hàng Mã, Hàng Gai, Đồng Xuân và một phần của hai phường Lý Thái Tổ và Hàng Bông. Các công trình chủ yếu là nhà ở kết hợp với cửa hàng, mật độ xây dựng cao, đường giao thông nhỏ và ngắn.
Khu phố cũ: gồm các phường Cửa Nam, Trần Hưng Đạo, Phan Chu Trinh, Tràng Tiền, Lý Thái Tổ, Hàng Bông, Hàng Trống, Hàng Bài.
Khu ngoài đê: gồm 2 phường Phúc Tân và Chương Dương, công trình chủ yếu là nhà ở của dân lao động, xây dựng manh mún, chắp vá, không có quy hoạch.
Về đóng góp ngân sách, báo cáo của quận Hoàn Kiếm cho thấy, năm 2021, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, tổng mức doanh thu ngành thương mại, dịch vụ của quận ước giảm 1,25% so với cùng kỳ và đạt 88,92% so với kế hoạch năm.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận ước đạt 13.200 tỷ đồng, bằng 125,4% so với cùng kỳ, đạt 147,4% dự toán thành phố giao. Chi ngân sách nhà nước ước đạt 1.427 tỷ đồng, bằng 88,8% dự toán năm.
Mức đóng góp ngân sách kể trên cao hơn nhiều tỉnh trong cả nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.