Quảng Nam: Nông dân trồng quất như "ngồi trên lửa"
Quảng Nam: Cận Tết rồi mà nông dân trồng quất như "ngồi trên lửa", thấp thỏm nỗi lo này
Tuyết Nhung - Trần Hậu
Chủ nhật, ngày 27/12/2020 06:04 AM (GMT+7)
Gồng mình cứu vườn quất sau những đợt bão lũ liên tiếp trong năm, nông dân trồng quất ở TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) đang miệt mài cắt tỉa, chăm bón quật cảnh kịp bán dịp Tết Tân Sửu 2021. Dẫu những nhọc nhằn bão lũ đã qua đi nhưng bà con vẫn luôn thấp thỏm với những nỗi lo khác.
Đến thăm những vườn quất cảnh thuộc khối phố Bàu Súng (phường Thanh Hà, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) những ngày này, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy khung cảnh vườn tược có phần đìu hiu, không rộn ràng như những năm trước. Theo chia sẻ của người dân, năm nay vì dịch bệnh và thời tiết khắc nghiệt kéo dài nên nghề trồng quất gặp khó khăn bội phần.
Nhìn vườn quất cảnh hơn 300 gốc bị nấm hại rụng trái, rụng lá vì mưa kéo dài, anh Nguyễn Kim Thành (40 tuổi) buồn rầu nói: "Năm nay vì dịch bệnh Covid-19 hoành hành nên tôi chỉ dám trồng 80% sản lượng quất so với năm ngoái, nhưng mưa bão và lũ lụt nhiều đợt khiến vườn quất bị chết khoảng 100 cây. Để cứu chữa số cây còn lại, tôi đã phải bỏ ra nguồn chi phí lớn, ngày đêm chăm bẵm cây như con với hi vọng sẽ lấy lại vốn liếng trong dịp Tết cận kề".
Cũng theo anh Thành, 20 năm trồng quất cảnh ở Thanh Hà, đây là lần đầu tiên anh thấy người trồng quất rơi vào cảnh khốn khó đủ đường. Vốn dĩ thời điểm này những năm trước, vườn quất của anh đã được thương lái đặt mua hết, nhưng năm nay chỉ còn quất nhỏ, cây xấu nên khó bán.
Số ít chậu quất cỡ trung (cao khoảng 2m) đã được thương lái ở tỉnh Kon Tum đặt cọc, anh mong rằng thời tiết sớm ổn định để cây xuất vườn thuận lợi.
Cũng theo anh Thành, trồng quất cảnh là một nghề lắm nhọc nhằn và đòi hỏi người trồng phải khéo léo, am hiểu kỹ thuật chăm sóc. Đặc biệt, nếu nhà vườn tạo được dáng cây quất đẹp, mới lạ thì giá bán sẽ cao hơn. Tuy nhiên không phải ai cũng tạo được dáng cây quất độc đáo, vì nó phụ thuộc rất lớn vào bàn tay uốn nén của người thợ, không khéo sẽ làm gãy cành, hỏng cây.
Đứng ngồi không yên
May mắn hơn nhiều người khác, vườn quất của bà Trần Thị Hòa (65 tuổi) không bị chết nhiều. Tuy nhiên do mưa bão nên cây quất cũng không nhiều trái như mọi năm, trái nhỏ, cây xấu. Phần lớn quất trong vườn đã được thương lái đặt mua, phần còn lại bà Hòa đang mở cửa và treo bảng rao bán.
Vừa tưới nước cho vườn quất, bà Hòa vừa than thở: "Dù trời mưa lạnh kéo dài nhưng ngày nào tôi cũng phải tưới nước cho cây một lần, để quất ra trái to và mọng. Bên cạnh đó, tôi thường xuyên quan sát tình trạng phát triển của cây, khi phát hiện nấm hại thì nhanh chóng diệt trừ. Dù hơn nửa vườn đã được đặt cọc, nhưng tôi vẫn rất lo vì thời tiết bất lợi, nếu quất không như chuẩn ban đầu thì thương lái sẽ trả hàng, nguy cơ lỗ vốn".
Năm nay số quất trồng ở các vườn giảm mạnh, lại bị ảnh hưởng nhiều vì thiên tai, chi phí sản xuất tăng. Tuy nhiên, giá quất hiện nay lại giảm khoảng 10% so với năm ngoái. Trung bình một cây quất có giá 700.000 đồng, những cây to đẹp sẽ có giá cao hơn (tùy theo kích cỡ, xấu, đẹp mà có các mức giá khác nhau).
Cẩn thận cắt tỉa cành quất, anh Đỗ Văn Lâm (40 tuổi) bộc bạch: "Trồng quất năm nay đã khó khăn mà còn bị thương lái ép giá, bình thường một chậu quất cỡ vừa bán 750.000 đồng thì nay chỉ còn 600.000 đồng. Giá mua dù thấp nhưng tôi cũng đành bán, để bớt lo về đầu ra và tập trung chăm sóc quất dịp Tết".
Thời tiết thất thường khiến các hộ trồng quất thấp thỏm, trời mưa lạnh kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến bộ rễ của cây quất, khiến cây không phát triển, thậm chí héo rũ và chết dần. Đặc biệt khi Tết đang đến gần, các nhà vườn "đứng ngồi không yên", luôn cập nhật tình hình thời tiết để chủ động chăm sóc quất đẹp nhất, phòng trừ dịch bệnh.
Dịch Covid-19 hoành hành và thiên tai liên tiếp khiến nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, dự đoán nhu cầu chơi quất cảnh dịp Tết năm nay sẽ giảm mạnh. Vì vậy nhiều nhà vườn hi vọng các thương lái ở tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Huế, TP Đà Nẵng sẽ sớm đặt mua để họ bớt những nỗi lo…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.