Quá lãng phí!
Tính đến cuối năm 2016, Quảng Trị có 1.281 người nghiện và 5.545 người bị bệnh tâm thần và rối loạn tâm trí, chiếm gần 1% tổng dân số. Việc đưa người vào cơ sở cai nghiện, chăm sóc, chữa bệnh cho người bị tâm thần kinh là vô cùng cấp thiết.
Thế nhưng, hàng loạt dãy nhà rộng lớn, bề thế nằm trong khuôn viên rộng 13,6 ha tại xã Cam Hiếu (Cam Lộ, Quảng Trị) của Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp 1 tỉnh Quảng Trị (gọi là Trung tâm) lại gần như là bỏ không, vô cùng lãng phí.
Trung tâm đã được đổi tên nhưng cổng vào vẫn để tên cũ. Ảnh: Ngọc Vũ
Tìm hiểu của PV Dân Việt, ngày 23.7.2010, ông Nguyễn Đức Chính – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị (nay là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị) ký quyết định số 1372/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội tỉnh Quảng Trị (ngày 20.10.2016, được đổi tên thành Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp 1 tỉnh Quảng Trị).
Công trình do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư, xây dựng trên diện tích 13,6 ha, tổng mức đầu tư 96,9 tỷ đồng (trong đó 77 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương, còn lại là vốn đối ứng của tỉnh).
Trung tâm có 7 phân khu gồm khu làm việc của cán bộ; văn hóa và điều trị; quản lý cai nghiện và mại dâm; tâm thần kinh; học nghề và sản xuất; chăn nuôi, tăng gia trồng trọt và khu kỹ thuật.
Một góc bề thế ở Trung tâm 97 tỷ đồng. Nhiều người nói đùa rằng Trung tâm được xây dựng gần một hồ nước lớn, mát lành nên đến nay chỉ dừng lại ở chức năng để "hóng gió" và ngắm cảnh núi rừng. Ảnh: Ngọc Vũ
Mục tiêu xây dựng Trung tâm nhằm góp phần ngăn chặn, hạn chế tốc độ gia tăng người nghiện ma túy, mại dâm, lây nhiễm HIV/AIDS cũng như các bệnh truyền nhiễm khác; đồng thời giáo dục, chữa bệnh cho người nghiện ma túy, gái mại dâm và đối tượng tâm thần kinh, tạo điều kiện cho các đối tượng sau thời gian học tập, chữa bệnh tập trung ra ngoài hòa nhập cộng đồng.
Cuối năm 2014, Trung tâm cơ bản hoàn thành các hạng mục chính với số vốn 77 tỷ đồng từ ngân sách trung ương. Tỉnh Quảng Trị cũng bỏ ra 6 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để xây dựng đường thảm nhựa rộng rãi dài 1,1km đi vào Trung tâm.
Ngày 31.5.2016, UBND tỉnh Quảng Trị ra quyết định thành lập Trung tâm với nhân sự khá đầy đủ gồm ban giám đốc cùng 5 phòng chuyên môn, nghiệp vụ gồm Phòng tổ chức – hành chính; Y tế - phục hồi sức khỏe; Dạy nghề - lao động sản xuất; Giáo dục – Tư vấn – Tái hòa nhập cộng đồng; Quản lý – Bảo vệ.
Ông Trần Văn Thành – Giám đốc Trung tâm cho biết, tính đến nay đơn vị đã đi vào hoạt động được gần 1 năm với đội ngũ 16 cán bộ, viên chức. Vậy nhưng, đến nay Trung tâm chưa nhận được bất kỳ đối tượng nào như mục tiêu dự án đề ra. Ông Thành nói rằng, muốn đảm bảo hoạt động Trung tâm cần tuyển thêm 10-20 cán bộ và phải được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất.
Thủ tục rườm rà
Ông Thành lý giải, trước khi Nghị định 221/2013NĐ-CP ngày 30.12.2013 của Chính phủ ra đời thì việc đưa người nghiện vào Trung tâm cai nghiện rất dễ, bởi chỉ cần phát hiện đối tượng là công an áp giải đưa đi cai nghiện bắt buộc.
Sau khi Nghị định ra đời, muốn đưa người nghiện vào Trung tâm cai nghiện theo dạng bắt buộc thì cần 37-40 ngày để làm đầy đủ 17 loại giấy tờ gồm: 11 loại do cấp xã, phường, thị trấn lập; sau đó chuyển lên các phòng, ban liên quan xác nhận và cuối cùng là quyết định của TAND huyện, thành phố thì công an mới được áp giải đối tượng nghiện vào Trung tâm.
Khi hoàn thành hồ sơ đối tượng đã rời khỏi nơi cư trú. "Vì vậy, năm 2014 và 2015 toàn bộ các Trung tâm trên toàn quốc không nhận được bất kỳ đối tượng nghiện nào" - ông Thành nói.
Được xây dựng bề thế nhưng bên trong chẳng có học viên mà chỉ toàn cán bộ Trung tâm. Ảnh: Ngọc Vũ
Theo ông Thành, đối tượng cai nghiện bắt buộc thủ tục rườm rà nhưng được hưởng chế độ hỗ trợ tiền ăn uống, sinh hoạt, điều trị… Còn đối tượng cai nghiện tự nguyện thủ tục đơn giản hơn nhiều lại phải tự bỏ tiền túi 2 triệu đồng/tháng nộp vào Trung tâm để đảm bảo sinh hoạt, đó là bất cập.
Trung tâm 97 tỷ đồng này bên ngoài hoành tráng, còn bên trong thì .... rỗng ruột vì chẳng có học viên. Ảnh: Ngọc Vũ
Cận Quảng Trị, tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện nay có 562 người nghiện, tăng 92 người so với cuối năm 2016. Thế nhưng, ông Ngô Duy Bình – Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, năm 2014 và 2015 đơn vị không tiếp nhận được đối tượng nghiện bắt buộc nào vì vướng Nghị định 221 của Chính phủ. Mỗi năm, Trung tâm này chỉ tiếp nhận 6-7 đối tượng cai nghiện tự nguyện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.