Vietnam Airlines "đòi" 50% slot bay nội địa và 100% slot bay quốc tế
"Quý tử" Vietnam Airlines "đòi" 50% slot bay nội địa và 100% slot bay quốc tế: Cơ quan quản lý ở đâu?
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống
Thứ hai, ngày 05/04/2021 15:50 PM (GMT+7)
Viết cho Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết đã sốc khi nghe tin Vietnam Airlines (VNA) đầu tuần trước đề nghị Cục Hàng không dành 100% slot bay quốc tế khi Chính phủ cho phép bay các chuyến đưa công dân, chuyên gia từ tháng 4/2021 và dành trên 50% Slot bay nội địa cho cho Hãng bay này.
Trong cuộc họp với Cục Hàng không đầu tuần trước, Vietnam Airlines đề nghị Cục Hàng không dành 50 - 70% slot bay nội địa cho và 100% slot quốc tế đợt bay quốc tế sắp tới. Thậm chí, Vietnam Airlines còn đề nghị Cục Hàng không chỉ cho Bamboo Airways bay 1 chuyến/ngày ở một đường bay có nhiều lợi nhuận nhưng VNA đang bị Bamboo chiếm thị phần.
Vietnam Airlines cũng đề nghị tăng giá vé máy bay và ban hành giá sàn vé bay. Hãng bay này cũng đề nghị Cục Hàng không không cho các hãng tăng số lượng tàu bay thuê và mua mới trong năm nay, ngược lại Vietnam Airlines được quyền tăng số lượng tàu bay để hãng này chiếm trên 50% tổng số tàu bay ở Việt Nam.
Lý do của đề nghị này là nhằm giúp Vietnam Airlines bớt lỗ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, gây thiệt hại nặng cho kinh tế và đời sống toàn cầu, đặc biệt nghiêm trọng cho ngành hàng không.
Các yêu cầu nói trên là ngang ngược, vi phạm nghiêm trọng nhiều luật như Luật Cạnh tranh, Luật Hàng không Dân dụng, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và vi phạm các cam kết, hiệp định song phương, đa phương mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Cụ thể, trong Luật Đầu tư năm 2014, khoản 4, Điều 5 quy định: "Nhà nước đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư". Điều 5, Luật Hàng không dân dụng năm 2014 quy định nguyên tắc hoạt động hàng không dân dụng là "cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động hàng không dân dụng". Điều 53 luật này yêu cầu Bộ GTVT điều phối giờ cất cánh, hạ cánh phải "bảo đảm công khai, minh bạch và không phân biệt đối xử".
Tôi giả sử nếu những đòi hỏi của Vietnam Airlines được đáp ứng thì điều gì sẽ xảy ra?
Thứ nhất, người tiêu dùng sẽ phải bay với giá rất đắt đỏ trên các chuyến bay giải cứu, bay quốc tế mà Vietnam Airlines được độc quyền khai thác. Khách bay trong nước sẽ không được hưởng các chuyến bay khuyến mãi có vé 0 đồng hoặc vài chục ngàn đồng mà các hãng đang áp dụng rộng rãi để giải quyết việc làm, cải thiện dòng tiền cho mình và tham gia kích cầu cho ngành du lịch vốn có doanh thu hơn 30 tỷ USD/năm nhưng năm 2020 chỉ còn 13 tỷ USD.
Thứ hai, Vietnam Airlines mượn cơ quan quản lý nhà nước để triệt hạ đối thủ, ở đây là Vietjet, Vietravel và Bamboo. Vietnam Airlines tung ra các máy bay thân rộng cỡ lớn nhất để bay "tuyến vàng" Hà Nội – TP HCM mà áp giá sàn thì nhiều khách sẽ chuyển sang bay của hãng bay này. Ai cũng biết bay quốc tế lợi nhuận nhuận cao hơn bay trong nước. Với những chuyến bay giải cứu, chuyến bay đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thì lợi nhuận còn cao hơn.
Như vậy, Vietnam Airlines sẽ chiếm lĩnh thị trường, đẩy các hãng đối thủ vào cảnh thoi thóp, đứng trước nguy cơ phá sản. Ngành hàng không sẽ quay lại thời VNA độc quyền một mình một chợ, tha hồ thao túng. Khách sẽ phải bay giá cao, nhà nước thất thu khoản ngân sách lớn và môi trường kinh doanh trở nên tệ hại. Với tình trạng không có cạnh tranh lành mạnh như thế, không nhà đầu tư tư nhân hoặc nước ngoài nào dám đầu tư vào thị trường hàng không Việt Nam nữa.
Yêu sách vô lý của Vietnam Airlines và vai trò quản lý nhà nước ở đâu?
Câu hỏi đặt ra là tại sao Vietnam Airlines lại đưa ra những yêu sách vô lý như vậy?
Trước tiên, có thể thấy Vietnam Airlines vẫn quen cách tư duy kinh doanh thời được độc quyền và được cơ quan quản lý nhà nước nuông chiều. Theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội kỳ họp trước đã phê duyệt khoản vốn trên 10.000 tỷ đồng giải cứu Vietnam Airlines. Trong đó có khoản Vietnam Airlines được vay 4.000 tỷ đồng tối đa 3 năm lãi suất 0%.
Tôi nghĩ rằng sau đó Chính phủ sẽ lại trình Quốc hội gói vay lãi suất ưu đãi tương tự cho các hãng hàng không tư nhân tương ứng theo đóng góp thuế của họ để bảo đảm sự công bằng, chống phân biệt đối xử. Nhưng đến nay, chưa thấy tín hiệu nào về khoản hỗ trợ đó, dù Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam và các hãng liên tục cầu cứu.
Theo tôi, chính các hãng hàng không tư nhân mới đáng được hỗ trợ. Vì Nhà nước không phải chi bất cứ đồng vốn nào cho họ nhưng hàng năm lại thu thuế và phí về cho ngân sách hàng chục ngàn tỷ đồng từ các hãng hàng không tư nhân. Trong khi đó, hàng chục ngàn tỷ đồng đã được Nhà nước chi cho Vietnam Airlines mà hiệu quả thu về không tương xứng, thậm chí còn có nguy cơ mất vốn.
Cụ thể, năm 2020, Vietnam Airlines lỗ tới 14.500 tỷ đồng, năm 2021 ước tính khoản lỗ cũng gần bằng con số ấy và khả năng hồi phục để cạnh tranh với các hãng hàng không tư nhân lại rất mịt mờ.
Dư luận cũng đã phản ứng gay gắt khi vào mùa cao điểm dịch tháng 4/2020, Bộ GTVT dành tới 75% slot bay nội địa hàng ngày cho Vietnam Airlines. Các hãng khác chia nhau 25%, trong khi Vietjet đang chiếm thị phần bay nội địa lớn hơn VNA còn Bamboo thì công bố đã chiếm 20% thị phần nội địa.
Nhờ có hãng bay tư nhân tham gia cạnh tranh chúng ta đã có hàng không phổ cập, người có thu nhập thấp và công nhân lao động cũng có thể bay được. Nước ta đã có một thị trường hàng không có tính cạnh tranh cao và áp lực đó thúc đẩy các hãng phải bay đúng giờ hơn, giá vé rẻ hơn, chất lượng phục vụ rõ ràng là tốt hơn hẳn trước đây.
Chính các hãng hàng không tư nhân đã tạo ra thị trường hàng không cạnh tranh, giúp ngành hàng không phát triển cả về số lượng và chất lượng so với thời kỳ độc quyền của Vietnam Airlines.Tại sao lại ứng xử bất công với những hãng bay tư nhân đã làm cho ngành hàng không tốt hơn lên như vậy?
Cách quản lý ngành hàng không hiện nay đang làm méo mó thị trường, gây hoang mang cho nhà đầu tư và các hãng hàng không tư nhân. Hãng hàng không Vietnam Airlines càng lỗ càng được hỗ trợ từ nguồn vốn đến chính sách, trong khi các hãng hàng không tư nhân cũng lỗ thật nhưng chưa được hỗ trợ. Ngược lại, các hãng này đang "phải" tạo lãi để không bị ngân hàng hạ tín nhiệm dẫn đến phải vay vốn với chi phí lãi suất cao hơn và Ủy ban chứng khoán cắt margin (theo quy định, công ty niêm yết sẽ bị cắt margin nếu lỗ 2 quý liên tiếp).
Các hãng hàng không buộc phải chuyển nhượng tài sản và tài chính tích lũy để bù lỗ hàng ngàn tỷ đồng cho hoạt động hàng không và để có "bản cân đối đẹp"! Ngay như Bamboo Airways tuy tôi không có đủ thông tin nhưng có thể khẳng định thực tế Bamboo Airways lỗ lớn trong hoạt động hàng không. Vì lý do nào đó, hãng này "buộc phải báo lãi" ngay trong năm đầu hoạt động và cả trong năm thứ hai dù đại dịch Covid-19 hoành hành.
Trở lại trường hợp của Vietnam Airlines, theo tôi cách tốt nhất với hãng này bây giờ là phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật chấp nhận đau thương để cải tổ lại hãng Hàng không Quốc gia, để từ đó VNA tiếp tục cạnh tranh sòng phẳng, bình đẳng với các hãng hàng không tư nhân. Cơ quan quản lý nhà nước cũng cần chấm dứt nuông chiều hãng này. Ngành hàng không đang rất khó khăn và rất cần được hỗ trợ.
Theo một thống kê, chính phủ các nước cam kết hỗ trợ bình quân 13% GDP để hạn chế thiệt hại của đại dịch Covid-19, trong đó hàng không chiếm số vốn hỗ trợ khá lớn (hiện lên tới trên 200 tỷ USD). Trong khi nước ta hỗ trợ cho hàng không chỉ khoảng 0,5% GDP và tuyệt đại đa số vốn hỗ trợ đó dành cho Vietnam Airlines. Hơn lúc nào hết, các hãng hàng không Việt cần được đối xử công bằng và công tâm để vượt qua khó khăn, cùng vươn lên phát triển, cạnh tranh với các hãng hàng không nước ngoài.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.