Sáng nay Bộ trưởng Bộ Công Thương đăng đàn: Phiên chất vấn sẽ đi đến cùng việc "sốt" giá xăng dầu?

Thành An - Sông Bùi Thứ tư, ngày 16/03/2022 07:12 AM (GMT+7)
"Vấn đề chính ở phiên chất vấn lần này là có đi đến tận cùng và có lời giải đáp trước yêu cầu, nguyện vọng thực tiễn của người dân, dư luận trong việc "sốt" giá xăng dầu hay không mới là điều quan trọng nhất", TS Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính tiền tệ quốc gia nói.
Bình luận 0

Sáng nay (16/3), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên sẽ trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về vấn đề thuộc lĩnh vực công thương, trong đó có vấn đề được cử tri, dư luận hết sức quan tâm đó là tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, điều hành giá xăng dầu thời gian qua.

Chờ đợi phiên chất vấn làm sáng tỏ nội dung cử tri quan tâm

Trao đổi với PV Dân Việt trước phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương, TS Bùi Đức Thụ, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, đây là phiên chất vấn thuộc thẩm quyền và chức năng nhiệm vụ của UBTVQH. 

"Tôi cũng đang theo dõi xem các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có lột tả được cốt lõi các vấn đề và kiến nghị giải quyết tận gốc các vấn đề cử tri, dư luận đang quan tâm để khắc phục tình trạng quản lý lỏng lẻo thời gian qua hay không".

Chờ đợi phiên chất vấn của UBTVQH đi đến cùng việc "sốt" giá xăng dầu - Ảnh 1.

TS Bùi Đức Thụ, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính tiền tệ quốc gia. Ảnh: Xuân Hải.

Ông Thụ nhận định, tình hình xăng dầu trong nước thời gian vừa qua có tình trạng "giá sốc", tăng mạnh ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, đời sống của nhân dân và gây áp lực lạm phát. "Do đó chúng ta phải xác định nguyên nhân để kiềm chế", ông Thụ nói và phân tích, trong nguyên nhân thì nhiều người đổ cho giá thế giới cao. 

"Đây là vấn đề đúng nhưng ngoài ra còn điều gì nữa không? Có phải do điều hòa, điều phối cung cầu của chúng ta có chuyện?Tức là về việc cân đối, nhu cầu xăng dầu của người dân là rất lớn nhưng hiện Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn không làm đúng việc cam kết cung ứng xăng dầu dẫn đến cung trong nước sụt dẫn đến Bộ Công Thương phải cấp quota cho các đầu mối nhập khẩu xăng dầu để bù vào thiếu hụt trong nước", ông Thụ cho biết.

Đưa ra ý kiến giải quyết vấn đề trên,ông Bùi Đức Thụ cho rằng, trước hết chúng ta phải giữ được cân đối cung cầu. Phải có cách kiềm chế việc tăng giá sốc. Việc này trong luật và cơ chế điều hành đã nói cụ thể.

"Hiện thuế và phí đối với xăng đã lên đến 41-43% do đó cần phải xem xét giảm; ngoài ra hiện chúng ta có quỹ bình ổn giá xăng dầu thì phải sử dụng. Vừa qua việc giảm thuế phí, Quốc hội đã đồng ý giảm VAT 2% và việc tiêu thụ giảm 50% nhưng tới ngày 1/4 mới có hiệu lực. Còn hiện nay giá xăng dầu đang "sốt" làm ảnh hưởng rất lớn đến người dân thì chúng ta cần phải làm ngay, không thể để lâu. Thứ hai, hiện UBTVQH đang họp nhưng chưa thấy cơ quan trình lên để giải quyết vấn đề này… cho nên phải đợi trong phiên chất vấn lần này các ĐBQH và cơ quan chức năng có thẩm quyền giải trình ra sao", ông Thụ nói.

Nhấn mạnh thêm về nguyên tắc lựa chọn nội dung chất vấn của UBTVQH, ông Thụ cho biết, những vấn đề nóng, bất cập đang được dư luận, cử tri quan tâm thì cơ quan đại biểu của dân phải lựa chọn. 

"Hiện UBTVQH đã lựa chọn vấn đề rất đúng và trúng. Tuy nhiên vấn đề chính ở phiên chất vấn lần này là có đi đến tận cùng và đem ra được lời giải đáp ứng được yêu cầu nguyện vọng thực tiễn của người dân, dư luận hay không thì đây mới là điều quan trọng nhất. Cử tri cần lời giải cho vấn đề bức xúc này như thế nào để xã hội tốt hơn, phát triển ổn định hơn và công bằng hơn vậy chúng ta phải lắng nghe tại phiên chất vấn của UBTVQH lần này", ông Thụ nói.

Chờ đợi phiên chất vấn của UBTVQH đi đến cùng việc "sốt" giá xăng dầu - Ảnh 3.

Ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

"Không thể một mình một chợ"

Ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng nhận định, giá xăng dầu biến động lớn sẽ tác động đến lạm phát, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. 

"Phải giữ được giá xăng dầu làm sao để lạm phát không vượt ra khỏi tầm kiểm soát, đạt mục tiêu Quốc hội đặt ra trong giới hạn 4%. Vì thế, cơ quan quản lý, điều hành phải bằng mọi biện pháp bình ổn giá xăng dầu, để dù có biến động nhưng không tác động quá lớn làm chỉ số lạm phát vượt ra khỏi khung. Trong cấu thành giá xăng dầu có nhiều yếu tố, trong đó có thuế môi trường. Nó cũng là một phương án được tính toán, xem xét để bình ổn, hạ giá xăng dầu. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi ở Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, việc xem xét phải tổng thể các yếu tố khác chứ không phải chỉ thuế môi trường", ông Lâm nói.

Phân tích thêm, ông Lâm cho rằng, thuế môi trường là công cụ nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường, tạo nguồn kinh phí để xử lý các vấn đề môi trường cũng như thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, sạch, thân thiện. Việc sử dụng công cụ thuế môi trường để điều tiết giá xăng dầu nếu cần thiết vẫn sẽ sử dụng, nhưng ưu tiên các giải pháp, các yếu tố cấu thành khác trước.

"Tất nhiên, hiện nay giá xăng dầu tăng cao quá, các yếu tố khác không thể gánh hết được thì cũng phải tính toán đến việc giảm thuế môi trường, nhưng nó không phải là ưu tiên số một, không phải là cái đũa thần kỳ. Quan điểm là Uỷ ban Tài chính - Ngân sách sẽ nghiên cứu, phối hợp cùng cơ quan chức năng tham mưu cho UBTVQH quyết định vấn đề này kịp thời, cùng các chính sách khác để ổn định lạm phát, ổn định thị trường", ông Lâm nói.

Chờ đợi phiên chất vấn của UBTVQH đi đến cùng việc "sốt" giá xăng dầu - Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên sẽ trả lời chấn vấn liên quan đến giá xăng dầu thời gian qua tại phiên chất vấn của UBTVQH sáng nay (16/3). Ảnh: Quochoi.vn

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách, Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng, giá xăng dầu thế giới biến động thì giá trong nước cũng phải biến động theo xu hướng đó. Chúng ta không thể "một mình một chợ", dùng mọi biện pháp để áp giá thấp hơn thị trường thế giới, vì như thế sẽ mang lại rất nhiều hệ lụy.

"Thứ nhất nguy cơ xăng dầu của chúng ta chảy ra nước ngoài, việc chống buôn lậu cực kỳ tốn kém, vất vả. Thứ hai, vấn đề môi trường của chúng ta lại không được coi trọng, đi ngược lại quan điểm của Đảng và Nhà nước xác định 'không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng'. Nghĩa là, trong ngắn hạn, trong bối cảnh cụ thể có thể điều chỉnh, nhưng trong lâu dài vẫn phải đảm bảo các yếu tố, hiệu quả của công cụ thuế môi trường trong vấn đề điều tiết, bảo vệ môi trường, hướng tới tăng trưởng bền vững, thực hiện các thoả thuận COP26 đã cam kết.

Một vấn đề nữa, nếu chúng ta 'một mình một chợ' áp thuế thấp hơn thì có thể ảnh hưởng đến hàng hoá xuất khẩu. Trong giai đoạn hiện nay đã có nơi này, nơi kia kiện chống bán phá giá, tăng thuế chống bán phá giá trong quan hệ thương mại. Vì vậy, phải tính toán toàn diện chứ không phải chỉ xem xét một yếu tố. 

Trước mắt, trong ngắn hạn thì cần giữ được, kiểm soát lạm phát trong khung mà Quốc hội đã cho phép. Đó là mục tiêu đầu tiên, sau đó chúng ta sẽ tính toán các mục tiêu khác một cách hài hoà. Thuế môi trường chỉ là một yếu tố được tính toán đến để điều tiết vĩ mô chứ không phải là duy nhất", ông Lâm phân tích thêm.

Theo chương trình làm việc của UBTVQH, trong buổi sáng 16/3, ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương, gồm: Tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, điều hành giá xăng dầu thời gian qua;

Việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, UBTVQH liên quan đến quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; và giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19, nhất là mặt hàng nông sản.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng các bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Y tế, Công an, Quốc phòng sẽ tham gia trả lời chất vấn về những vấn đề có liên quan.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem