Nguyễn Quốc Phong
Thứ ba, ngày 25/02/2025 10:37 AM (GMT+7)
Sáp nhập tỉnh là một chủ trương lớn từng được đưa ra với quyết tâm chính trị cao, tuy nhiên lại chưa phù hợp trong thời điểm đó. Trong kỷ nguyên số ngày nay, cơ hội đã chín muồi để chúng ta làm được điều mà nửa thế kỷ trước làm chưa thành công.
Cả tuần nay, dư luận lại được phen xôn xao trước thông tin sắp tới khả năng sẽ tiến hành sáp nhập một số địa phương, tỉnh thành không đủ các điều kiện về diện tích, dân số... Điều này bắt nguồn từ việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận 126 về một số nội dung liên quan đến việc tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong năm 2025.
Theo đó, nhiệm kỳ 2025 - 2030, Bộ Chính trị giao Đảng ủy Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội và các cấp ủy, tổ chức Đảng có liên quan nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đồng thời, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật và quy định của Đảng có liên quan, trình Bộ Chính trị báo cáo trong quý III/2025.
Hiện nay, cả nước đang có 57 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Mô hình có vẻ "phình" ra này, cũng xuất phát từ những khó khăn, bất cập sau khi đất nước ta đã từng có thời gian tinh gọn bộ máy hành chính cấp tỉnh, thành xuống chỉ còn con số 38 đơn vị hành chính vào năm 1976.
Đó cũng chính là thời kỳ sau ngày đất nước thống nhất, tư tưởng và khát vọng muốn làm ăn lớn, hiện đại hoá đã trở thành mong mỏi chính đáng của Đảng, Nhà nước ta. Mô hình 500 huyện trở thành "500 pháo đài" phòng thủ trên cả nước với sức mạnh toàn diện cũng bắt đầu hình thành đồng thời với mô hình tinh gọn, chỉ còn 38 tỉnh, thành trên bản đồ hành chính.
Tỉnh Thái Bình qua 135 năm thành lập đã phát triển mạnh mẽ. Tên gọi, vị trí địa lý của tỉnh này vẫn không thay đổi sau nhiều lần sáp nhập, chia tách các tỉnh thành trên cả nước. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Tuy nhiên, tư tưởng thì đúng, quyết tâm chính trị cao, nhưng thực tiễn khi đó cũng đặt ra muôn vàn khó khăn khi tư duy còn lạc hậu, khoa học công nghệ thời điểm đó cũng chưa đủ đáp ứng với mục tiêu nói trên, khiến chúng ta đi vào thế cực khó. Vì thế, vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, Đảng ta đã chủ trương chia tách tỉnh cho nhỏ gọn hơn để dễ quản lý.
Tháng 9/1988, tôi được đơn vị cử đi đào tạo dài hạn khoá XV tại Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc, nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Khi vừa vào học được vài tháng thì có thông tin Bộ Chính trị, Ban Bí thư đang có chủ trương chia tách tỉnh sau những bất cập khó thực thi, nhất là nếu để mô hình tỉnh lớn quá sẽ không quản nổi khi thông tin liên lạc thời đó chưa thông suốt.
Những cái thiếu thời đó như trình độ quản lý của người lãnh đạo, tiến bộ của khoa học kỹ thuậtđể phục vụ việc vận hành hệ thống hành chính, chính trị còn lạc hậu khiến chúng ta gặp nhiều khó khăn trong quản lý, đặc biệt, sau thời kỳ Đổi mới (từ năm 1986).
Khoá 15 Trường Đảng mà tôi theo học đã có những thông tin quan trọng khiến một số học viên "tinh ý" đã nhanh chóng tìm cách xin chuyển lớp học, từ học dài hạn 2 năm xin sang học lớp nâng cao (10 tháng) để hy vọng kịp về địa phương khi tổ chức lúc đó đang tái cơ cấu bộ máy.
Cũng từ tín hiệu nói trên, nghe nói Học viện và cấp trên cũng đã thống nhất, tiến tới ban hành một chủ trương khá hợp lý khi tuyển học viên, để từ đó vận dụng cho hệ đào tạo "nâng cao". Đó là chỉ giải quyết xem xét cho những học viên từ 40 tuổi trở lên. Còn những người dưới 40 đều buộc phải theo học như quy định (hệ dài hạn 2 năm).
Sau này, khi ra công tác, có nhiều dịp đi tỉnh tôi mới thấy thực tế đất nước rất khó khăn, đặc biệt là ở vùng núi cao. Giao thông đi lại ngày ấy vô cùng phức tạp. Lên huyện Mường Tè, mới phát hiện ra cái khó của đồng bào vùng cao khi mà từ huyện Mường Tè xuống đến xã Mường Tè (cùng tên) cách những 200 km.
Cán bộ huyện nếu có xuống xã giải quyết một công việc quan trọng thì Chủ tịch huyện sẽ linh hoạt mang luôn con dấu theo người để nhờ xã đánh máy rồi ký văn bản cho kịp triển khai.
Qua chuyến đi đó, tôi cũng đã phát hiện ra một bất cập khó nói khác thuộc lĩnh vực báo chí mà nếu không đi xuống cơ sở sẽ thiếu đi sự cảm thông với ngành bưu chính. Số là tờ báo của chúng tôi ngày đó (khoảng sau năm 2000) ra hàng ngày với 24 trang nội dung và kèm theo 24 trang quảng cáo, giá chỉ 1.500 đồng/tờ.
Nhưng vì người bưu tá thấy quá nặng, lại thấy các trang quảng cáo không có thông tin hữu ích cho bà con nên bỏ lại toàn bộ 24 trang quảng cáo. Họ không thể thồ báo quá nặng trên xe đạp với chặng đường 200km xuống xã đầy những gập ghềnh, trắc trở. Vì vậy, báo in ở vùng núi cao chưa chắc đã đến tay bạn đọc trọn vẹn...
Về Hà Nội, tôi đã làm công văn với ví dụ cụ thể này đến Công ty Phát hành báo chí Trung ương. Ban đầu hai bên rất căng. Sau đó, phía công ty phát hành đưa ra một đề nghị, nếu muốn chuyển cả 24 trang quảng cáo thì đề nghị trả cước 24 trang này. Chuyện đến đó lại phải dừng... Kể lại để thấy ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, vấn đề địa lý tạo nên khoảng cách lớn thế nào khi mà chưa có sự trợ giúp của KHCN. Những chủ trương quan trọng với tham vọng làm ăn lớn, tinh gọn bộ máy nếu không ra đời đúng lúc sẽ có những vướng mắc, gây trở ngại cho cơ sở cũng là điều dễ hiểu...
Cuộc cách mạng công nghệ số đang diễn ra trên thế giới thật kỳ diệu. Việc chúng ta tính tới tinh gọn cơ quan hành chính cấp tỉnh, huyện lúc này là rất cần thiết, hợp lý, mang tính khả thi và hoàn toàn có cơ sở để thực hiện tốt khi hạ tầng KHCN đã đầy đủ, chín muồi. Có nhiều thực tế cho thấy cuộc cách mạng về chuyển đổi số đã giúp chính quyền cơ sở vận hành đơn giản đến cả trăm lần so với vài chục năm trước đây.
Tác giả bài viết, nhà báo Nguyễn Quốc Phong. Ảnh: DV
Nhìn từ góc độ lý luận, quan điểm mới của Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyển đổi số là: Lần đầu tiên nó được định nghĩa là "một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển".
Ông Nguyễn Huy Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, từng nhận xét trên báo chí rằng: "Dữ liệu được khẳng định là "tư liệu sản xuất mới" và lần đầu tiên xuất hiện khái niệm "phương thức sản xuất số". Lần đầu tiên xuất hiện cụm từ "cách mạng chuyển đổi số". Cuộc cách mạng này sẽ do Đảng lãnh đạo và có sự tham gia của toàn Đảng, toàn dân và đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị".
Cũng theo ông Dũng, "bộ máy chính quyền khi đó sẽ vận hành dựa trên dữ liệu thay cho tài liệu và mọi quyết định sẽ được lựa chọn dựa trên dữ liệu chính xác, khách quan và kịp thời. Các hoạt động giám sát, kiểm tra trực tuyến, thực hiện trên môi trường số cho phép giám sát, kiểm tra thường xuyên, liên tục. Vì vậy, chuyển đổi số thúc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa các cấp, các ngành, giữa Trung ương và địa phương".
Không có gì là không thể trong một kỷ nguyên số! Một chủ trương lớn từng được đưa ra với quyết tâm chính trị cao, tuy nhiên lại chưa thật phù hợp với hoàn cảnh lịch sử nước nhà khi đó, với trình độ quản lý còn hạn chế... Nay cơ hội đã chín muồi để chúng ta có thể làm điều nửa thế kỷ trước làm chưa thành công.
Tại Trung Quốc, mỗi tỉnh đều có cả chục triệu dân cho đến trên trăm triệu dân (tỉnh Quảng Đông có tới 113 triệu dân - NV). Một huyện có khi dân số bằng một tỉnh của ta. Nhưng họ vẫn quản trị hành chính rất tốt. Thành công được như hôm nay, một phần lớn cũng nhờ Trung Quốc tiến hành công cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ.
Điều đó phần nào cũng tạo niềm tin cho chúng ta trước khi quyết định một chủ trương lớn - đó là tinh gọn bộ máy cấp tỉnh, huyện - mà Đảng ta đang khẩn trương tính toán sao cho hợp lý nhất, khoa học nhất. Trong đó, cách mạng chuyển đổi số chính là bệ đỡ hiệu quả nhất để giúp chúng ta mạnh mẽ, tự tin khi tinh gọn bộ máy cấp bộ, ngành ở Trung ương và cấp tỉnh, huyện đi tới thành công.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.