Sẽ giảm 50% “giấy phép con” trong nông nghiệp

Việt Tùng Thứ tư, ngày 21/01/2015 16:14 PM (GMT+7)
Đó là ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ NNPTNT tại cuộc họp về việc triển khai kết quả ra soát các loại giấy phép thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ chiều 20.1.
Bình luận 0

Đại diện Vụ Pháp chế (Bộ NNPTNT) cho biết, tính đến 13.1, Vụ Pháp chế đã nhận được 12 ý kiến, trong đó có 8 ý kiến nhất trí với dự thảo báo cáo việc rà soát, sửa đổi các loại giấy phép thuộc thẩm quyền của Bộ. Đại đa số các ý kiến đều cho rằng cần phải sửa đổi một số các thủ tục hành chính, tuy nhiên Bộ cần phải đưa ra lộ trình để các đơn vị bám vào để thực hiện. Trong đó, theo Cục Thú y, đối với việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc thú y, đề nghị không cần thiết phải tách riêng các thủ tục cấp lần đầu, cấp lại, gia hạn các sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc thu ý thành các thủ tục riêng…

img
 Người dân, các chủ trang trại chăn nuôi đang trông chờ giảm giấy phép, thủ tục hành chính (ảnh chụp tại xã Kim Long, Tam Dương, Vĩnh Phúc). 
Còn ý kiến của Cục Trồng trọt cho rằng, cần có thông tư thay thế Quyết định số 95 năm 2007 của Bộ NNPTNT thay đổi cách thức quản lý đối với công nhận sản xuất thử, đánh giá kết quả khảo nghiệm, theo hướng: Doanh nghiệp gửi hồ sơ tổng hợp quá trình khảo nghiệm và đề nghị sản xuất thử về Cục, Cục sẽ thẩm định hồ sơ mà không thành lập hội đồng công nhận sản xuất thử như hiện nay. Tuy nhiên, ý kiến này của Cục Trồng trọt không được chấp thuận.

 

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, hiện nay còn rất nhiều thủ tục chồng chéo, chẳng hạn như vừa qua báo chí phản ánh quy trình sản xuất một con gà từ quả trứng cho đến khi lên bàn ăn có đến 14 khoản phí, như vậy thì vất vả, gây tốn kém cho người dân quá.

Ông Tuấn đặc biệt lưu ý đối với 4 lĩnh vực gồm: Thú y, BVTV, vệ sinh an toàn thực phẩm và lâm nghiệp. Trong đó cần đặc biệt chú ý đến các thủ tục về xuất nhập khẩu, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân một cách tối đa nhất, trước tiên là về thủ tục hành chính, sau đó là thời gian và chi phí. Đơn cử như Tổng cục Lâm nghiệp, hiện có khoảng 41 loại giấy phép, nhưng chỉ cần khoảng 10 loại là đủ. Chẳng hạn việc chứng nhận cho các hộ chăn nuôi động vật, chỉ cần 1 giấy, hay việc CITES cấp giấy cho việc buôn bán, vận chuyển cũng chỉ cần một giấy phép. “Trên tinh thần ban hành một văn bản để sửa nhiều văn bản. Chứ đã có giấy phép vận chuyển động vật hoang dã, lại còn giấy cho gấu, rồi hổ...” – ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng đề nghị, trong quý 1, các đơn vị phải tổng hợp được tên thủ tục hành chính. Quý 2, thực hiện rà soát về nội dung để tìm ra những nội dung, thủ tục chồng chéo, xem có thể bỏ được bao nhiêu thủ tục. Quý 3 phải trình với Bộ những thủ tục có thể bỏ được. Quý 4, những gì trong phạm vi văn bản của Bộ có thể sửa được thì phải sửa ngay.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem