Sinh viên đại học ra trường khó tìm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói gì?

Hoàng Thành Thứ ba, ngày 10/11/2020 09:04 AM (GMT+7)
Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung vừa trả lời câu hỏi chất vấn của ĐBQH liên quan đến việc sinh viên đại học ra trường thì khó tìm việc, doanh nghiệp thì khó tuyển dụng lao động.
Bình luận 0

Sáng nay (10/11), Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tiếp tục nội dung chất vấn và trả lời chất vấn.

Mở đầu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mời Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Mai Hồng Hải (Đoàn Hải Phòng) liên quan đến nguồn bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, sinh viên đại học ra trường thì khó tìm việc, doanh nghiệp (DN) thì khó tuyển dụng lao động.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho hay, trong 2 ngày hôm qua và hôm kia, liên quan đến vấn đề nhân lực ông đã có một vài lần đề cập. "Trước hết, phải nói rằng trong những năm qua, việc bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực của chúng ta được Đảng và Nhà nước cũng như các địa phương, các cấp, các ngành quan tâm, tuy nhiên dù tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 60% nhưng tỷ lệ có chứng chỉ còn thấp. Điều này hoàn toàn đúng như đại biểu nêu", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Sinh viên đại học ra trường khó tìm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói gì? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung.

Người đứng đầu ngành LĐTBXH nhấn mạnh, để khắc phục vấn đề này chúng ta cần tập trung bồi dưỡng và nâng cao kỹ năng cho người lao động; tạo việc làm thỏa đáng; quan tâm đến anh sinh bền vững, trong đó có hai trụ cột là BHXH và BHYT.

Thời gian vừa qua, Bộ LĐTBXH đã tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 24 về tập trung nâng cao chất lượng như đại biểu Mai Hồng Hải đã nói. Trong đó, tập trung tranh thủ thời cơ dân số vàng, đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, tay nghề cao để tăng năng suất lao động, nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Thời gian tới, ngành LĐTBXH chú trọng phát triển lượng lao động qua đào tạo phù hợp với thông lệ quốc tế, đưa chỉ tiêu lực lượng lao động qua đào tạo có chứng chỉ là tiêu chí bắt buộc, phấn đấu mỗi năm tăng 4%, và đến năm 2025 đạt lao động đạt tỷ lệ 40% đến 45%, tương đương mặt bằng chung các nước phát triển.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, trong hoạt động đào tạo nghề cần tăng cường chuyển đổi số, đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng thường xuyên, trang bị cho người lao động kỹ chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp, ngoại ngữ thích ứng với thị trường lao động.

"Ngành LĐTBXH cũng cần làm tốt công tác dự báo cung-cầu về thị trường lao động; sắp xếp lại quy hoạch hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và chất lượng cao; tăng cường liên kết chặt chẽ giữa 3 nhà: Nhà nước - nhà trường - nhà DN trong hoạt động đào tạo nghề nghiệp khuyến khích DN công nhận, tuyển dụng, sử dụng và trả lương người lao động dựa trên những kỹ năng, tiến tới sử dụng những lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ trong các DN, các DN không chỉ tiếp nhận các lao động đã qua đào tạo mà phải đào tạo người lao động trong DN chưa được đào tạo", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Trước đó, trong chiều ngày 9/11, đại biểu Mai Hồng Hải (Đoàn TP.Hải Phòng) chất vấn Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung rằng: "Phát triển nguồn nhân lực được xác định là 1 trong 3 khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng đến nay, chất lượng nguồn nhân lực được đánh giá là thấp, không đạt mục tiêu Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020, lao động qua đào tạo đạt 64,5% nhưng có bằng cấp và chứng chỉ thì mới đạt là 24,5%, nghĩa là cứ 4 lao động thì chỉ có 1 người thực sự coi là có nghề. Trong khi đó, các trường nghề thì không tuyển sinh được, sinh viên đại học ra trường thì khó tìm việc, doanh nghiệp thì khó tuyển dụng lao động. Vậy xin Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân, giải pháp nào để giải quyết những vấn đề trên?".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem