Sở NNPTNT Hà Nội phản hồi thông tin đại dự án sông Tích 10 năm vẫn dở dang
Sở NNPTNT Hà Nội phản hồi Báo điện tử Dân Việt sau loạt bài dự án sông Tích: Đến 31/12/2022 sẽ hoàn thành? (Bài 4)
Nhóm PV
Thứ ba, ngày 30/03/2021 17:15 PM (GMT+7)
Sau khi Báo điện tử Dân Việt có loạt bài "Đại dự án sông Tích 10 năm vẫn dở dang", đại diện cho chủ đầu tư dự án- Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và PTNT (Sở NNPTNT) đã có công văn phúc đáp và trả lời với Dân Việt về một số nội dung liên quan đến dự án.
Quy mô đầu tư: Khu đầu mối- Xây dựng cống lấy nước đầu mối bên bờ hữu sông Đà lưu lượng QTK = 60m3/s. Xây dựng tuyến kênh dẫn thượng hạ lưu cống; Kè bảo vệ khu vực cống đầu mối tại bờ hữu sông Đà dài 269m; xây dựng đồng bộ các công trình quản lý, hệ thống trạm biến áp, đường dây trung áp, hạ áp; Xây dựng trạm bơm Cẩm Yên lưu lượng QTK = 6m3/s; Cải tạo khôi phục sông Tích gồm 03 đoạn, tổng chiều dài 110,5 km: Xây dựng các công trình trên sông: Cống điều tiết Đầm Long, cầu Trắng và Tân Trượng; các trạm bơm tưới, tiêu: 14 trạm; các cống tưới, tiêu: 67 cống; cầu giao thông, dân sinh qua sông: 25 cầu.
Giai đoạn I (2010-2013): Gồm 2 đoạn: Đoạn I: Từ cống lấy nước đầu mối Lương Phú, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì đến Cầu Trắng, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (dự toán kinh phí 4.253,7 tỷ đồng); Đoạn II: Từ Cầu Trắng, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây đến Cầu Ó, huyện Phúc Thọ (dự toán kinh phí 1.671 tỷ đồng).
Giai đoạn II (2014-2015), Dự toán kinh phí 989,3 tỷ đồng): nạo vét, tu bổ, nắn chỉnh dòng chảy các đoạn còn lại, từ cầu Ó, huyện Phúc Thọ đến Ba Thá, xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức.
Tiếp đó, dự án được phê duyệt điều chỉnh, phân kỳ đầu tư đoạn 1 giai đoạn I tại quyết định số 1054/QĐ-UBND ngày 04/3/2016. Trong đó giữ nguyên mục tiêu, tổng mức đầu tư, cắt giảm một số hạng mục chưa thực sự cần thiết (bỏ phần mặt đường bờ phải từ K2+050÷K27,6 và cắt giảm cầu Sơn Đà).
Kết quả dự án sau 10 năm thi công cho thấy: Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đến nay trên địa bàn huyện Ba Vì, tổng diện tích phải thu hồi là 287,18ha, đã hoàn thành bàn giao được 232,34ha, diện tích còn lại 33,2ha đang thực hiện. Trên địa bàn thị xã Sơn Tây, tổng diện tích phải thu hồi là 13,1ha, đã phê duyệt phương án chi tiết GPMB 13ha, còn lại 0,1ha đang thực hiện.
Về tiến độ thi công dự án. Theo báo cáo của Ban Duy tu, đến nay đối với cụm công trình đầu mối (gói thầu 12a): Đã thi công cơ bản hoàn thành khoảng 85% khối lượng, trong đó đã cơ bản hoàn thành cống đầu mối, kênh dẫn thượng, hạ lưu cống. Còn lại khoảng 40m kè bảo vệ và công tác hoàn thiện nhà quản lý cống.
Về phần lòng dẫn và toàn bộ các công trình thủy lợi, giao thông thuộc đoạn I dự án (gói thầu 12b) đã thi công cơ bản hoàn thành khoảng 68% khối lượng, cụ thể: Tại vị trí lòng dẫn đoạn 1 dài 27,6km đã cơ bản hoàn thành 18,0km (từ K0÷K18).
Riêng các hạng mục công trình, tiến độ hoàn thành rất hạn chế. Hiện mới hoàn thành: 7/18 cầu giao thông cầu; 4/8 trạm bơm tưới; 29/64 cống tiêu; cống điều tiết Đầm Long. Đường 2 bờ sông mới xong 18/27,6km bờ phải; 13,5/27,6km bờ trái, cơ bản hoàn thành phai phòng lũ.
Khối lượng còn lại: nạo vét mở rộng và đắp đường 2 bờ sông đoạn K18÷27,6; xây dựng 11 cầu giao thông, 4 trạm bơm, 35 cống tiêu.
Vì sao dự án nghìn tỷ triển khai thi công tới 10 năm vẫn chưa xong?
Trong công văn báo cáo Báo điện tử Dân Việt, Ban Duy tu nêu một số nguyên nhân dẫn đến quán trình thi công dự án kéo dài, chưa rõ ngày hoàn thành. Trong đó, về công tác GPMB của dự án được triển khai thực hiện từ năm 2011 để phục vụ thi công, thời gian từ khoảng cuối năm 2017 đến nay, công tác GPMB trên địa bàn huyện Ba Vì rất chậm, diện tích bàn giao không đáng kể và còn xen kẹp, không liền tuyến nên đoạn K18-K27,6 không tổ chức thi công được.
Ban Duy tu cho rằng, do diện tích GPMB của dự án lớn (287,18ha), hiện trạng sử dụng đất dọc Sông Tích phức tạp, diện tích người dân sử dụng ngoài sổ sách nhiều nên khó xác định nguồn gốc và chủ sử dụng đất; Công tác dồn điền đổi thửa dẫn đến việc thay đổi về diện tích, hồ sơ đất đai chưa hoàn thiện nên khó xác minh nguồn gốc đất; Dự án thực hiện từ năm 2011 đến nay, chế độ chính sách về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã nhiều thay đổi, nhiều nội dung không đồng nhất nên người dân còn nhiều thắc mắc liên quan đến chế độ chính sách, làm ảnh hưởng đến tiến độ.
Trong khi đó, về nguyên nhân chủ quan, Ban Duy tu cũng thừa nhận: Công tác quản lý đất đai tại địa phương chưa chặt chẽ, một số hộ dân tự ý chia tách, gộp thửa chuyển nhượng không đúng quy định làm sai lệch giữa hiện trạng và hồ sơ quản lý về vị trí, diện tích, họ tên chủ sử dụng. Nhiều hộ dân xây dựng công trình trái phép trên đất nhằm trục lợi từ công tác GPMB;
Một số hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất không chấp hành chế độ bồi thường, hỗ trợ hiện hành, chây ì không nhận tiền và bàn giao mặt bằng, nhiều đơn từ vượt cấp;
Ý thức trách nhiệm của một số cán bộ làm công tác GPMB hạn chế, chưa nhiệt tình, chưa quyết liệt làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung của huyện....
Về công tác thi công: Ban Duy tu cho rằng, trong quá trình thi công dự án chia cắt hạ tầng giao thông khu vực, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, môi trường, đời sống sinh hoạt, giao thông của người dân. Do mặt bằng không liền tuyến gây khó khăn cho nhà thầu thi công tập trung máy móc, thiết bị thi công để đẩy nhanh tiến độ.
Đông thời, Ban Duy tu các công trình Nông nghiệp và PTNT mong muốn Báo điện tử Dân Việt chia sẻ với những khó khăn của Ban. Trong quá trình triển khai tiếp theo, Ban Duy tu sẽ phối hợp với địa phương, các đơn vị liên quan khắc phục các khó khăn, vướng mắc để triển khai hoàn thành dự án. Trong quá trình thực hiện, với thái độ cầu thị rất mong nhận được sự giám sát, góp ý, giúp đỡ của Báo điện tử Dân Việt.
Gần 7.000 tỉ đồng cho dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích
Ngày 6/10/2010, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định 4927/QĐ- UBND về việc phê duyệt dự án "Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích" từ Lương Phú xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, TP Hà Nội (gọi tắt là dự án cải tạo sông Tích) với số vốn hơn 6.914 tỉ đồng từ nguồn ngân sách trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ, ngân sách TP, nguồn vốn ODA…, với thời gian thực hiện từ năm 2010- 2015.
Dự án được chia làm 2 giai đoạn và 3 đoạn thi công, trong đó Công ty CP tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh được chỉ định thầu thi công đoạn 1 của giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư 2.400 tỉ đồng, cho đến nay đơn vị này đã được chủ đầu tư giải ngân hơn 1.600 tỉ đồng.
Dự án được giao cho Sở NNPTNT Hà Nội và UBND Thị xã Sơn Tây làm chủ đầu tư. Theo đó, Sở NNPTNT Hà Nội sẽ làm chủ đầu tư đoạn 1, giai đoạn I và cả giai đoạn 2; còn lại đoạn 2 giai đoạn I gồm toàn bộ các công việc, hạng mục công trình của dự án thuộc đoạn tuyến sông Tích qua địa bàn thị xã Sơn Tây, đoạn từ cầu Trắng xã Đường Lâm đến cầu Ó dài 13,50km được giao cho UBND Thị xã Sơn Tây làm chủ đầu tư với quy trình quản lý như một dự án độc lập. Đoạn này được bố trí hơn 1.670 tỉ đồng.
Do không đạt tiến độ đề ra ban đầu, ngày 4/3/3016, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 1054/QĐ-UBND để gia hạn thi công dự án. Theo đó, giai đoạn I của dự án Tiếp nước cải tạo, khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì) dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Tuy nhiên, cho đến nay, dự án này vẫn chưa rõ ngày hoàn thành, hàng nghìn tỉ đồng của nhà nước đã đổ vào dự án này đang bị lãng phí, gây bức xúc cho nhân dân.
*Trên tinh thần đảm bảo tính khách quan, nhiều chiều, Báo điện tử Dân Việt cơ bản đăng tải đầy đủ nội dung phản hồi của Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và PTNT (Sở NNPTNT Hà Nội). Để làm rõ những vấn đề liên quan đến dự án này, Báo điện tử Dân Việt đã tiếp tục có cuộc trao đổi với ông Đinh Công Sơn- Giám đốc Ban Duy tu. Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi, đón đọc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.