Hà Nội: Đại dự án sông Tích gần 10 năm vẫn dở dang (Bài 1)

Nhóm PV Thứ hai, ngày 22/03/2021 06:30 AM (GMT+7)
Đại dự án sông Tích được đầu tư gần 7.000 tỷ đồng nhằm cung cấp nước tưới cho 16.000ha đất nông nghiệp và tiêu thoát lũ cho nhiều huyện của Hà Nội, nhưng 10 năm vẫn dở dang và chưa rõ ngày cán đích.
Bình luận 0

Đại dự án sông Tích gia hạn thêm 5 năm vẫn lỡ hẹn với dân

Ngày 6/10/2010, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định 4927/QĐ- UBND về việc phê duyệt dự án "Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích" từ Lương Phú xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, TP Hà Nội (gọi tắt là dự án cải tạo sông Tích) với số vốn hơn 6.914 tỉ đồng từ nguồn ngân sách trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ, ngân sách TP, nguồn vốn ODA…, với thời gian thực hiện từ năm 2010- 2015.

Dự án được kỳ vọng sẽ giải quyết nước tưới cho 16.000ha đất nông nghiệp; cung cấp nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất công nghiệp, đảm bảo tiêu thoát nước, phòng chống lũ cho lưu vực; tạo điều kiện thuận lợi khai thác tiềm năng quỹ đất dọc hai bên bờ sông Tích phục vụ phát triển kinh tế xã hội phù hợp với quy hoạch phát triển không gian thủ đô Hà Nội…

Theo phê duyệt, dự án được phân kỳ đầu tư hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I (2010- 2013) tập trung thực hiện đoạn từ Lương Phú đến cầu Ó (tiếp giáp giữa Thị xã Sơn Tây và huyện Phúc Thọ), nhằm khôi phục và tiếp nước làm sống lại dòng sông Tích. Giai đoạn này được chia làm 2 đoạn: Đoạn 1 từ cống lấy nước đầu mối Lương Phú xã Thuần Mỹ huyện Ba Vì đến cầu Trắng xã Đường Lâm thị xã Sơn Tây; Đoạn 2 từ cầu trắng xã Đường Lâm thị xã Sơn Tây đến Cầu Ó huyện Phúc Thọ.

Hà Nội: Dự án sông Tích gần 7.000 tỷ lỡ hẹn sau 10 năm triển khai - Ảnh 1.

Dù đã được điều chỉnh nguồn vốn, cùng thời gian thực hiện đoạn 1, thuộc phân kỳ đầu tư 2010-2013, dự án Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích" từ Lương Phú xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì, TP Hà Nội) vẫn lỡ hẹn, chưa rõ ngày hoàn thành.

Đối với giai đoạn II (2014- 2015), sẽ tiếp tục và hoàn thành nạo vét, tu bổ, nắn chỉnh dòng chảy các đoạn còn lại, từ cầu Ó huyện Phúc Thọ đến Ba Thá xã Phúc Lâm- huyện Mỹ Đức.

Dự án được giao cho Sở NNPTNT Hà Nội và UBND Thị xã Sơn Tây làm chủ đầu tư. Theo đó, Sở NNPTNT Hà Nội sẽ làm chủ đầu tư đoạn 1, giai đoạn I và cả giai đoạn 2; còn lại đoạn 2 giai đoạn I gồm toàn bộ các công việc, hạng mục công trình của dự án thuộc đoạn tuyến sông Tích qua địa bàn thị xã Sơn Tây, đoạn từ cầu Trắng xã Đường Lâm đến cầu Ó dài 13,50km được giao cho UBND Thị xã Sơn Tây làm chủ đầu tư với quy trình quản lý như một dự án độc lập. Đoạn này được bố trí hơn 1.670 tỉ đồng. 

Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh (số 299 Thanh Vị, Xã Thanh Mỹ, Thị Xã Sơn Tây, TP Hà Nội) được lựa chọn là đơn vị thi công đoạn 1.

Hà Nội: "Đại dự án" sông Tích gần 7.000 tỷ lỡ hẹn sau 10 năm triển khai, dân kêu trời (bài 1) - Ảnh 2.

Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh, có địa chỉ tại 299 Thanh Vị, Thuần Mỹ, thị xã Sơn Tây được chỉ định là đơn vị thi công dự án cải tạo sông Tích huyện Ba Vì, Hà Nội.

Dù ấn định thời gian thi công là 5 năm, thế nhưng đến cuối năm 2015, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh mới triển khai được một phần của dự án. Nhiều hạng mục dở dang vì không giải phóng được mặt bằng.

Để giải quyết vấn đề này, ngày 4/3/2016, UBND TP Hà Nội đã điều chỉnh lại phân kỳ đầu tư đoạn 1 (giai đoạn I) của dự án. Theo đó, mức vốn đầu tư là hơn 4.200 tỉ đồng, được bố trí từ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ, trái phiếu Chính phủ và ngân sách TP Hà Nội… Thời gian điều chỉnh các hạng mục thực hiện từ 2011- 2020.

Hà Nội gia hạn thêm 5 năm để thực hiện dự án, nhưng Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh và phía chủ đầu tư dự án vẫn lỡ hẹn. Sau 10 năm triển khai, nhiều hạng mục của dự án cải tạo sông Tích vẫn ngổn ngang, dang dở. Nhiều công trình nằm "phơi mưa phơi gió", gây lãng phí tiền của của nhà nước. 

Nhiều hệ lụy từ việc chậm tiến độ, nông dân... "khóc ròng"

Có mặt tại con sông Tích nghìn tỷ, nhìn những hạng mục của công trình nghìn tỷ nằm "đắp chiếu" khiến chúng tôi không khỏi xót xa. Hình ảnh con sông Tích hiền hòa chảy dài qua nhiều xã trước đây không còn nữa, giờ đây con sông bị đắp đập, ngăn ra thành nhiều đoạn, nước dưới sông khô cạn, nhiều đoạn có thể nhìn thấy tận đáy. Nhiều người gọi sông Tích là dòng sông chết, cũng chỉ bởi từ khi dự án cải tạo sông Tích triển khai đã khiến con sông mất đi nhiều chức năng thông dụng...

Sơn Đà là một trong những xã có dòng sông Tích chảy qua. Ngày con sông Tích được cải tạo, người dân nơi đây vui mừng khôn siết. Họ vui mừng là bởi ít nữa thôi con sông Tích sẽ giúp họ thuận lợi hơn trong việc tưới tiêu, thoát lũ mỗi khi mùa mưa về. Nhưng, "niềm vui ngắn chẳng tày gang", sau 10 năm triển khai nhiều hạng mục dự án vẫn "giẫm chân tại chỗ". Lợi đâu chưa thấy, nhưng hiện người dân nơi đây đã phải gánh chịu một loạt các hệ lụy mà dự án này mang lại. 

Hà Nội: "Đại dự án" sông Tích gần 7.000 tỷ lỡ hẹn sau 10 năm triển khai, dân kêu trời (bài 1) - Ảnh 2.

Nhiều phai phòng lũ của dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích chưa hoàn thiện đưa vào sử dụng gây khó khăn cho việc sản xuất nông nghiệp ở huyện Ba Vì.

Đó là chuyện xảy ra ở hai thôn Chí Phú và Yên Thịnh. Trước đây, con sông Tích hiền hòa quanh năm cung cấp nước tưới tiêu cho hàng chục ha đất lúa trù phú, nhưng rồi từ khi triển khai dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích hai thôn Chí Phú và Yên Thịnh đã rơi vào tình trạng khan nước. 

Vụ chiêm xuân thiếu nước tưới đã buộc người dân hai thôn Chí Phú và Yên Thịnh phải bỏ 1 vụ lúa, chuyển sang trồng hoa màu. Ở đây có tới 10ha đất lúa phải chuyển sang trồng hoa màu. 

Hà Nội: "Đại dự án" sông Tích gần 7.000 tỷ lỡ hẹn sau 10 năm triển khai, dân kêu trời (bài 1) - Ảnh 3.

Sông Tích bị đắp đập, ngăn thành nhiều đoạn, khiến việc lấy, tích nước vào đồng ruộng gặp nhiều khó khăn. Từ khi dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích triển khai, người dân các xã Sơn Đà, Tòng Bạt gặp nhiều hệ lụy.

"Thiếu nước tưới tiêu, bắt buộc chúng tôi phải chuyển đổi nhiều diện tích đất trồng lúa sang trồng ngô. Từ việc trồng 2 vụ lúa 1 năm chuyển xuống thành 1 vụ, khiến gia đình tôi bị ảnh hưởng nặng nề. Hàng năm tôi lại phải đong thêm thóc, gạo để phục vụ cuộc sống gia đình...", một người dân xã Sơn Đà cho hay. 

Hà Nội: "Đại dự án" sông Tích gần 7.000 tỷ lỡ hẹn sau 10 năm triển khai, dân kêu trời (bài 1) - Ảnh 4.

Sông Tích nhiều năm nay cạn trơ đáy không thể cung cấp nước tưới tiêu cho nhiều ha đất lúa ở xã Sơn Đông. Thiếu nước, hai thôn Chí Phú và Yên Thịnh xã Sơn Đông phải chuyển 10ha đất lúa sang trồng ngô và hoa màu.

Theo tìm hiểu của PV, không chỉ khiến nhiều diện tích đất lúa bị khô hạn, dự án tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích còn khiến hơn 40ha đất lúa nằm xen kẽ ở các thôn Đan Khê, Chí Phú và Yên Thịnh gặp khó khăn trong việc tiêu thoát nước. Nguyên nhân được xác định là do đơn vị thi công- Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh xây dựng nhiều cống phai cao hơn mặt bằng ruộng lúa, khiến nước bị tích lại mỗi khi có mưa lớn. Dẫn đến việc nhiều diện tích lúa bị ảnh hưởng mỗi khi có mưa lũ.

Hà Nội: "Đại dự án" sông Tích gần 7.000 tỷ lỡ hẹn sau 10 năm triển khai, dân kêu trời (bài 1) - Ảnh 4.

Đến nay, sau nhiều năm triển khai, nhiều hạng mục của dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích vẫn chưa thể hoàn thiện đưa vào sử dụng. Trong ảnh là nhà vận hành cống Thuần Mỹ nằm đắp chiếu nhiều năm nay.

"Từ khi Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh xây dựng lại cống phai đã khiến nhiều diện tích đất lúa không thể tiêu thoát được nước. Ở Sơn Đà có tới 40ha đất lúa nằm rải rác ở các thôn Chí Phú, Yên Thịnh và Đan Khê bị ảnh hưởng, mỗi khi có mưa lớn là lúa bị ngập nước. Không triển khai dự án sông Tích, hệ thống tưới tiêu nước ổn định theo mặt bằng tự nhiên, tới nay dự án chưa hoàn thiện gây ra nhiều bất cập....", ông Nguyễn Đạo Quang- Chủ tịch UBND xã Sơn Đà cho hay.

UBND xã Sơn Đà đã không ít lần kiến nghị lên cơ quan cấp trên, nhưng đến nay những vấn đề bất cập ở Sơn Đà vẫn không được giải quyết triệt để. Người dân nơi đây mong mỏi dự án sớm hoàn thiện đưa vào sử dụng để ổn định sản xuất. 

Hà Nội: "Đại dự án" sông Tích gần 7.000 tỷ lỡ hẹn sau 10 năm triển khai, dân kêu trời (bài 1) - Ảnh 5.

Công trình máy bơm nước ngầm được Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh xây dựng nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa lắp đặt máy bơm. Công trình tiền tỷ"dầm mưa dãi nắng" trong nhiều năm khiến người dân không khỏi xót xa.

Lãnh đạo UBND xã Tòng Bạt cho hay, xã phải chịu nhiều hệ lụy từ dự án cải tạo sông Tích. Sau nhiều năm triển khai, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh vẫn chưa hoàn thiện các cống phai tưới tiêu trên địa bàn để phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương.

Để cung cấp nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, chính quyền địa phương phải huy động các trạm bơm di động để đưa nước vào. Cạnh đó, một loạt các công trình cầu đường mà Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh chưa hoàn thiện, khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại...

*Mời bạn đọc đón đọc bài 2 sẽ xuất bản trên Báo điện tử Dân Việt lúc 13 giờ 00 ngày 22 tháng 3 năm 2021.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem