1.600 tỉ đồng đổ vào sông Tích vẫn chưa đạt mục tiêu
Được giải ngân hơn 1.600 tỷ đồng, Phó TGĐ Công ty Bình Minh khẳng định: Dự án sông Tích chưa đạt mục tiêu
Nhóm PV
Thứ hai, ngày 29/03/2021 06:43 AM (GMT+7)
Hơn 1.600 tỉ đồng đã được chủ đầu tư giải ngân cho nhà thầu thi công chính của dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích là Công ty CP Tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh, nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể hoàn thành và chính lãnh đạo của công ty này cũng khẳng định, đến nay dự án chưa đạt mục tiêu.
Liên quan đến loạt bài mà Dân Việt đã phản ánh về đại dự án sông Tích 10 năm vẫn dở dang, PV Báo điện tử Dân Việt đã có buổi làm việc và trao đổi với ông Phùng Văn Phán- Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh (Công ty Bình Minh). Tại buổi làm việc này, ông Phán thừa nhận, cho đến nay dự án vẫn chưa đạt mục tiêu như thiết kế ban đầu.
- Tôi cũng được biết, vừa qua báo điện tử Dân Việt đã có loạt bài phản ánh về câu chuyện này. Còn về lý do tiến độ dự án chậm, trực tiếp phía chủ đầu tư là Sở NNPTNT Hà Nội, cùng với Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và PTNT và các đơn vị liên quan mới nắm rõ xem nguyên nhân cụ thể ở đâu. Còn đúng là Công ty Bình Minh chúng tôi là nhà thầu trực tiếp thi công dự án này.
Còn nói về quá trình thi công, tôi có thể nói thế này: Đầu tiên, dự án được khởi công từ năm 2011, đến năm 2014, khởi công tiếp một số hạng mục khác nữa. Trong giai đoạn 1, đáng lẽ phải xong đoạn đầu của cửa vào (cống Lương Phú để lấy nước từ sông Đà chảy vào sông Tích- PV).
Trên thực tế, muốn thi công được, thì phải có mặt bằng. Hiện các đoạn giao cho Bình Minh, từ đầu tuyến về đến Km11+500, chúng tôi đã thông dòng. Còn từ Km11+500 đến Km18 (vị trí cầu Bá), hiện chưa có mặt bằng sạch, mới được bàn giao theo kiểu "xôi đỗ", thuộc các xã Cẩm Lĩnh, Vật Lại, Tiên Phong, nên cũng chưa thể thi công. Đoạn tại cống Chuốc cũng đang vướng mặt bằng.
Vậy việc chậm ở đây không hoàn toàn do bên thi công?
- Quan điểm của nhà thầu là muốn Báo làm việc với chủ đầu tư là Sở NNPTNT Hà Nội, Ban Duy tu- là đơn vị Sở NNPTNT giao trực tiếp làm đại diện cho chủ đầu tư và UBND huyện Ba Vì về công tác giải phóng mặt bằng.
Hiện nay, chúng tôi cũng đã tạm dừng thi công đến 2 năm (từ 2019 đến nay), đã chuyển hết máy móc khỏi công trình. Bản thân chúng tôi, trong suốt quá trình thi công đến thời điểm này, đã có rất nhiều văn bản kiến nghị gửi Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội và chủ đầu tư để sớm tháo gỡ khó khăn trong công tác triển khai dự án này.
Được biết, Bình Minh thi công cả 2 gói thầu có khối lượng lớn là gói 12a thi công cụm công trình đầu mối và gói 12b toàn bộ khối lượng xây lắp giai đoạn I. Đến nay, công ty đã nhận được giải ngân bao nhiêu?
- Tính đến nay, cả hai gói thầu trên, chúng tôi đã được chủ đầu tư giải ngân hơn 1.600 tỉ đồng trên tổng nguồn vốn dự toán là 2.400 tỉ đồng.
Mục tiêu của dự án rất rõ là tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích, nhưng đến nay với 1.600 tỉ đồng đã được giải ngân, rõ ràng mục tiêu của dự án vẫn chưa đạt được?
- Cũng phải khẳng định là đến bây giờ mục tiêu cho dự án đến giờ này chưa đạt được, vì nó chậm tiến độ, trong đó có rất nhiều nguyên nhân.
Vậy với số tiền 1.600 tỉ đồng đã được giải ngân, Bình Minh đã thi công những hạng mục gì và đã được nghiệm thu theo khối lượng thực tế chưa?
- Chúng tôi đã thi công đào lòng dẫn và các công trình khác. Tất cả khối lượng ở trên công trường, có đầy đủ nghiệm thu mới được thanh toán và nghiệm thu theo khối lượng thực tế.
Về mặt mục tiêu dự án, theo đánh giá của công ty đã đạt được bao nhiêu phần trăm?
- Về mặt mục tiêu dự án, đến giờ đạt được 70% đổ lại của phần toàn bộ từ đầu tuyến đến giờ.
Qua khảo sát thực tế của PV Báo điện tử Dân Việt với những người dân được hưởng lợi ích trực tiếp từ dự án, trên thực tế đến nay dòng sông sau thi công vẫn chưa phục vụ được mục tiêu là tưới nước cho sản xuất nông nghiệp, thậm chí có vụ người dân còn bị thiệt hại do quá trình thi công làm ngập lụt lúa. Phía nhà thầu thi công có trách nhiệm gì trong việc này?
- Chúng tôi được giao mặt bằng làm trên sông Tích, tất cả những cái mình làm trong lòng dẫn, mặt bằng phạm vi được chủ đầu tư bàn giao mặt bằng, còn những thiệt hại xung quanh, việc đấy không liên quan đến Bình Minh.
Theo ghi nhận của PV Báo điện tử Dân Việt, người dân các xã Cẩm Lĩnh, Sơn Đà… (huyện Ba Vì) có phản ánh, việc Bình Minh thi công nhiều phai cống phòng lũ cao quá dẫn đến có vùng thì bị hạn nặng, ngược lại có vùng lại ngập lụt nặng. Trách nhiệm của Bình Minh đến đâu?
- Khi thi công, chúng tôi tuân thủ theo hồ sơ kỹ thuật của đơn vị tư vấn dự án lập và được chủ đầu tư phê duyệt. Các vị trí mình làm có tư vấn giám sát, có giám sát của chủ đầu tư. Các hạng mục như cao độ cống, cốt cống…, đều làm theo hồ sơ được duyệt, chứ không phải là Bình Minh tự ý làm các hạng mục đó.
Các câu hỏi về trách nhiệm trên, ông đều nói là của chủ đầu tư, nhưng quá trình thực địa của chúng tôi cho thấy, các hạng mục công ty đã thi công xong nhưng lại bỏ hoang, không có rào chắn, bảo vệ. Vậy Bình Minh vẫn phải có trách nhiệm chứ?
- Dự án đến nay vẫn đang trong giai đoạn thi công và đang trong thời điểm chủ đầu tư là Sở NNPTNT Hà Nội, cùng các đơn vị liên quan đề nghị UBND TP điều chỉnh dự án. Bởi hiện dự án có rất nhiều bất cập so với Quyết định 4927 (Quyết định số 4927/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, tiến độ thực hiện dự án Tiếp nước cải tạo, khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì) kéo dài trong 5 năm, từ năm 2010 và kết thúc trong năm 2015). Chúng tôi đã gửi 57 văn bản, kiến nghị đến chủ đầu tư, Ban duy tu, UBND TP và các đơn vị liên quan, đến giờ chưa được tháo gỡ giải quyết.
Theo phản ánh của người dân, do vị trí cống phai phòng lũ trên sông Tích đặt chưa hợp lý, dẫn đến chết lúa ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì. Hiện Ban Duy tu phối hợp với xã để thống kê đền bù hoa màu cho người dân. Việc đền bù này, trách nhiệm thuộc về bên nào?
- Việc thống kê đền bù hoa màu, Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và PTNT được Sở NNPTNT Hà Nội chỉ đạo kiểm tra các vị trí úng ngập theo kiến nghị của các xã, Ban Duy tu với các xã đang làm việc với nhau về vấn đề này. Trong quá trình làm việc đấy, việc thống nhất những diện tích nào úng ngập, giữa Ban và xã là các đơn vị làm việc với nhau về mặt quản lý nhà nước, cũng như kiến nghị của người dân, chứ không phải do nhà thầu thi công chịu trách nhiệm.
Về số tiền đền bù lấy ở đâu, sau này chủ đầu tư và Ban Duy tu sẽ có trách nhiệm chứ không phải đơn vị thi công. Chúng tôi chỉ biết thi công trong mặt bằng mà chủ đầu tư đã giao.
Một số hạng mục thuộc dự án như cống phai phòng lũ Thuần Mỹ, nhà vận hành Thuần Mỹ…, qua ghi nhận cho thấy rõ đang có biểu hiện xuống cấp, nhiều chỗ sắt han gỉ, sân nứt nẻ, gây lãng phí tiền nhà nước đã giải ngân xây dựng dự án. Công ty ông có nắm được hiện trạng này?
- Phần sắt mặt dầm chờ chưa thảm trên mặt cống, thì thuộc Bình Minh. Việc đấy sau này quá trình triển khai thi công chúng tôi sẽ có phương pháp khắc phục. Hiện trạng thì đến nay, tôi cũng không thấy có vấn đề gì lắm. Với thời tiết như của mình, thì chỉ cần sau 1 tuần, sắt đã có thể bị hoen gỉ.
Hơn nữa, phần sắt chờ phai phòng lũ, chúng tôi đã dừng thi công từ 6 tháng nay rồi.
Còn nhà vận hành cống Thuần Mỹ, hiện cũng không thấy có rào chắn, theo quan sát có thể gây nguy hiểm cho người dân, trẻ nhỏ khi đi vào đây. Một hạng mục quan trọng như vậy, vì sao Bình Minh thi công xong rồi bỏ đấy, không có phương án bảo vệ?
- Chúng tôi vẫn có 1- 2 người bảo vệ ở gần đó. Còn việc nhiều người phàn nàn, các bạn cứ nói thoải mái vì các ý kiến của dân chúng tôi không quan tâm đến việc ý.
Nghĩa là Bình Minh không quan tâm đến ý kiến của dân?
- Không phải không quan tâm đến ý kiến của người dân, mà không quan tâm đến việc người ta nói như thế nào, còn chúng tôi làm là việc của chúng tôi.
Có bảo vệ sao lại để người dân canh tác trồng hoa màu trong khuôn viên?
- Không phải lúc nào bảo vệ cũng ngồi 24/24 giờ được. Trong khuôn viên hộ dân, người ta vào cấy là việc bình thường. Mai kia công trình bàn giao rồi đương nhiên sẽ phải thu hồi lại.
Đây là dự án được cấp từ vốn ngân sách, các công trình mà Công ty Bình Minh thi công cũng là tài sản nhà nước. Khi dự án chưa hoàn thành, chưa được nghiệm thu bàn giao, Bình Minh vẫn phải có trách nhiệm chứ?
- Về trách nhiệm quản lý, đúng là giữa Ban Duy tu và nhà thầu đều có trách nhiệm, nhưng trách nhiệm cụ thể thế nào, phải hỏi bên Ban Duy tu. Trách nhiệm nhà thầu chúng tôi cũng bảo vệ, nhưng là bảo vệ những hạng mục chúng tôi đang thi công.
Hiện hai bên bờ kè sông Tích người dân trồng rất nhiều cỏ voi, ngô, gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình, Bình Minh có biết việc này không?
- Hiện tại trong các ô chống sạt trượt, chúng tôi đã trồng cỏ, các ô đấy sau này phải trồng cỏ; còn lại việc các hộ dân trồng cỏ thế nào, chúng tôi cũng đã đi kiểm tra thì thấy, những phần bàn giao mặt bằng trong phạm vi có việc người dân trông một vài loại cỏ bò. Tuy nhiên, việc người dân trồng cỏ tạm không ảnh hưởng đến kết cấu công trình. Bản thân chúng tôi có cấm, có ý kiến với cả xã nhưng xã cũng không can thiệp hết được việc đấy. Công trình kéo dài toàn tuyến, hiện có nhiều vấn đề chúng tôi kiến nghị với thành phố rồi.
Thực ra, trong các công trình thủy lợi, người ta phải cấy cỏ có rễ càng sâu càng tốt để nó chống sạt, điều đấy là tốt chứ không phải là xấu.
Vậy theo phương án phê duyệt sẽ trồng cỏ gì?, chắc chắn không phải là cỏ voi?
- Tôi phải xem lại hồ sơ đã.
Trên thực tế hiện nay cho thấy, dọc sông Tích nhiều đoạn được Bình Minh ngăn lại để thi công, khiến nhiều nơi không có nước, công ty khắc phục thế nào?
- Tất cả đoạn trên đấy đã thông lòng về đến Km11 rồi. Chỉ có một điểm duy nhất là ở chỗ cống Mèo Hủ, địa phương chưa cho cắt ngang qua để thông lòng dẫn nước.
Ông có nói, nhiều khối lượng công trình thuộc dự án đã được nghiệm thu để thanh toán. Vậy những công trình đang bị bỏ hoang, dở dang không thi công, đã được nghiệm thu chưa?
- Những khối lượng nào làm là nghiệm thu và giải ngân rồi. Chúng tôi nghiệm thu phần thô, sau này khi hoàn thiện toàn bộ phần tinh để đưa vào sử dụng, thì những phần hỏng hóc, chúng tôi sẽ đảm bảo lại như thiết kế ban đầu, đó là trách nhiệm của nhà thầu.
Một lượng lớn đất, bùn trong quá trình đào dẫn lòng sông sau thi công, các ông vận chuyển đi đâu?
- Chúng tôi tận dụng để đào chỗ này, đắp đất vào chỗ khác. Ngoài ra, chúng tôi đổ vào các bãi thải tạm dọc hai bên bờ sông. Có thời điểm có đến cả mấy chục bãi tạm như thế.
Ông có nói, dự án đang phải chờ điều chỉnh. Vậy với phần vốn 2.400 tỉ đồng được chỉ định cho Bình Minh thực hiện, liệu có tăng lên?
- Chắc chắn sẽ có tăng lên, điều chỉnh ở đây là về phần xây lắp nhưng không làm tăng tổng mức đầu tư.
Vì sao phải điều chỉnh dự án?
- Trong Quyết định 4927 ngày 6/10/2010 của UBND TP Hà Nội có nhiều bất cập, không đúng với thực tế nhà thầu thi công. Chúng tôi đã có 57 văn bản gửi Thành ủy, rồi báo cáo lên cả Thủ tướng để đề nghị thành phố điều chỉnh dự án. Hiện tại chủ đầu tư là Sở NNPTNT mới báo cáo ông Nguyễn Mạnh Quyền- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, người được giao phụ trách lĩnh vực này. Tôi không dự cuộc họp đó, nhưng được biết ông Quyền đã nghe báo cáo ban đầu.
Như ông vừa nói, nếu muốn tiếp tục thi công dự án, thì phải điều chỉnh. Vậy sẽ điều chỉnh những gì?
- Trước kia, với 2 gói thầu mà Bình Minh tham gia, có số vốn đầu tư 2.100 tỉ đồng, sau đó đã điều chỉnh lên 2.400 tỉ đồng và đến bây giờ chắc chắn có nhiều hạng mục khác phải điều chỉnh và số vốn có thể sẽ tăng thêm. Việc điều chỉnh dự án, phụ thuộc vào khối lượng thiết kế, tăng bao nhiêu chưa rõ, cái đó phải trên cơ sở thiết kế.
Vậy trong trường hợp thành phố giải quyết được các khúc mắc của dự án, Bình Minh có đủ năng lực thi công không?
- Về năng lực Bình Minh đủ, chúng tôi đủ năng lực thi công dự án này.
Được biết, với dự án này Bình Minh được chỉ định thầu để tham gia. Với một dự án có tổng vốn 6.900 tỉ đồng, trong đó phần xây lắp 2.400 tỉ đồng, vì sao lại không đấu thầu?
- Tôi không rõ câu chuyện này, chỉ biết về quan điểm lúc đấy cho phép chỉ định thầu.
Dự án đã trải qua thời gian thi công quá dài như thế. Vậy từ trước đến nay, đã có cơ quan thanh tra nào tiến hành thanh tra dự án này chưa?
- Trước thanh tra Bộ Xây dựng đã vào làm việc. Sau đó , chúng tôi đã có cả văn bản kiến nghị lên Bộ trưởng, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng.
Trong kết luận thanh tra đó, phía Bình Minh có bị chỉ ra như sai phạm gì không?
- Tôi không nắm được, kết luận thanh tra nằm ở Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và PTNT.
Gần đây nhất chủ đầu tư giải ngân cho Bình Minh là khi nào?
- Năm ngoái giải ngân cho hạng mục phai phòng lũ, chỉ có mấy tỉ đồng thôi. Dự án này, hàng năm vẫn được bố trí vốn nhưng không giải ngân được hết. Năm 2019 bố trí hơn 500 tỉ, chỉ giải ngân được 90 tỉ đồng, còn phải trả lại ngân sách nhà nước. Năm 2020, thành phố cũng bố trí 226 tỉ đồng, nhưng chỉ giải ngân được 40 tỉ đồng.
Mong muốn của Bình Minh thời điểm này là gì?
- Chúng tôi mong được làm việc với thành phố và các bên liên quan để sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thi công dự án tiếp.
Gần 7.000 tỉ đồng cho dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích
Ngày 6/10/2010, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định 4927/QĐ- UBND về việc phê duyệt dự án "Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích" từ Lương Phú xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, TP Hà Nội (gọi tắt là dự án cải tạo sông Tích) với số vốn hơn 6.914 tỉ đồng từ nguồn ngân sách trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ, ngân sách TP, nguồn vốn ODA…, với thời gian thực hiện từ năm 2010- 2015.
Dự án được chia làm 2 giai đoạn và 3 đoạn thi công, trong đó Công ty CP tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh được chỉ định thầu thi công đoạn 1 của giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư 2.400 tỉ đồng, cho đến nay đơn vị này đã được chủ đầu tư giải ngân hơn 1.600 tỉ đồng.
Dự án được giao cho Sở NNPTNT Hà Nội và UBND Thị xã Sơn Tây làm chủ đầu tư. Theo đó, Sở NNPTNT Hà Nội sẽ làm chủ đầu tư đoạn 1, giai đoạn I và cả giai đoạn 2; còn lại đoạn 2 giai đoạn I gồm toàn bộ các công việc, hạng mục công trình của dự án thuộc đoạn tuyến sông Tích qua địa bàn thị xã Sơn Tây, đoạn từ cầu Trắng xã Đường Lâm đến cầu Ó dài 13,50km được giao cho UBND Thị xã Sơn Tây làm chủ đầu tư với quy trình quản lý như một dự án độc lập. Đoạn này được bố trí hơn 1.670 tỉ đồng.
Do không đạt tiến độ đề ra ban đầu, ngày 4/3/3016, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 1054/QĐ-UBND để gia hạn thi công dự án. Theo đó, giai đoạn I của dự án Tiếp nước cải tạo, khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì) dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Tuy nhiên, cho đến nay, dự án này vẫn chưa rõ ngày hoàn thành, hàng nghìn tỉ đồng của nhà nước đã đổ vào dự án này đang bị lãng phí, gây bức xúc cho nhân dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.