Sốt xuất huyết tăng nhanh, 110 ca tử vong, chuyên gia y tế cảnh báo dấu hiệu nguy hiểm

Diệu Linh Thứ ba, ngày 01/11/2022 06:06 AM (GMT+7)
Số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021, số ca tử vong tăng hơn 5 lần. Nhiều người dân chủ quan với sốt xuất huyết nên khi đến viện đã bệnh nặng.
Bình luận 0

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến cuối tháng 10 cả nước ghi nhận hơn 280.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 110 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 số mắc tăng 4,8 lần, số tử vong tăng hơn 5 lần (89 trường hợp). 

So với tuần 42, số ca mắc mới sốt xuất huyết tăng lên thêm hơn 10.000 ca, số tử vong tăng 2 ca. Dịch sốt xuất huyết lan rộng ở nhiều địa phương, Hà Nội, TP.HCM, một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. 

Đáng nói, nhiều trường hợp sốt xuất huyết nhập viện trong tình trạng rất nặng, phải điều trị tốn kém, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. 

Nhận biết các dấu hiệu sốt xuất huyết nặng

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, trung bình một ngày có 10 - 20 bệnh nhân nặng có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện. 

Các bệnh nhân đều đến trong tình trạng tiểu cầu giảm nặng hoặc biểu hiện cô đặc máu, sốc, suy đa tạng,.. nhiều bệnh nhân tiểu cầu chỉ còn dưới 5G/L.

Sốt xuất huyết tăng nhanh, 110 ca tử vong, chuyên gia y tế cảnh báo dấu hiệu nguy hiểm - Ảnh 1.

PGS Đỗ Duy Cường khám cho một bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng đang điều trị tại Trung tâm. Ảnh BVCC

Theo PGS Cường, hầu hết các trường hợp sốt xuất huyết chỉ cần tự chăm sóc, theo dõi ở nhà là tự khỏi. Tuy nhiên, bệnh nhân cần phải được chẩn đoán chính xác là bệnh gì và được hướng dẫn theo dõi sức khỏe, nhận biết các dấu hiệu bệnh nặng. 

"Do đó, người dân có các triệu chứng sốt cao đều cần đi khám và được chẩn đoán chính xác bệnh. Bệnh nhân sốt xuất huyết phải biết các dấu hiệu bệnh cảnh báo bệnh tiến triển nặng để đi khám kịp thời, tránh để bệnh nặng mới nhập viện, nguy hiểm đến tính mạng", PGS Cường khuyến cáo. 

PGS Cường cho biết, các dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết tiến triển nặn như: chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da, rong kinh-rong huyết (nữ giới), cũng như có hiện tượng cô đặc máu như chân tay lạnh, nôn mửa, đau bụng vùng gan, tụt huyết áp, men gan tăng cao,… 

Với trẻ nhỏ mắc sốt xuất huyết, bác sĩ Đỗ Anh (Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho rằng khi trẻ có triệu chứng sốt cao cần đi khám để được chẩn đoán đúng. 

"Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết từ nhẹ đến vừa thường không đặc hiệu nên trong những ngày đầu của bệnh rất dễ nhầm lẫn với các bệnh sốt do căn nguyên khác (cúm mùa, RSV (virus hợp bào hô hấp), Covid-19... ). 

Vì thế, trẻ cần được theo dõi sát và phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm (sốc), để nhanh chóng nhập viện/can thiệp sớm nhằm giảm nguy cơ tử vong", bác sĩ Đỗ Anh chia sẻ. 

Theo bác sĩ Đỗ Anh, khi trẻ mắc sốt xuất huyết nhẹ, cha mẹ chỉ cần cho con nghỉ ngơi tại nhà và hạ sốt bằng thuốc hạ sốt acetaminophen/paracetamol; không dùng Ibuprofen để hạ sốt.

"Hầu hết là trẻ sẽ hồi phục sau khi hết sốt, nhưng ước tính có 1/20 bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết có thể tiến triển nặng/nguy kịch, đe doạ tính mạng, trong đó trẻ mắc bệnh lần 2 sẽ là yếu tố nguy cơ khiến bệnh tiến triển nặng", bác sĩ Đỗ Anh nói. 

Đặc biệt, khi trẻ bị sốt xuất huyết nặng sẽ có các dấu hiệu sốc như: đau bụng, li bì/kích thích và nôn liên tục; cơ thể thay đổi đột ngột (đang sốt cao, trẻ hạ thân nhiệt); trẻ bắt đầu xuất hiện chảy máu (mũi/ miệng/tiểu máu/phân máu) hoặc da niêm mạc xanh tái; chân tay trẻ lạnh/ẩm; đau bụng/ gan to ra, ấn tức vùng bụng

Lúc này cần phải đưa trẻ đi bệnh viện ngay", bác sĩ Đỗ Anh nhấn mạnh. 

Sốt xuất huyết tăng nhanh, 110 ca tử vong, chuyên gia y tế cảnh báo dấu hiệu nguy hiểm - Ảnh 2.

Các dấu hiệu mắc sốt xuất huyết. Ảnh BSCC

Sai lầm của cha mẹ khi có con bị sốt xuất huyết

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cũng chỉ ra những sai lầm của cha mẹ khi có con bị xuất huyết. 

Theo đó, sai lầm phổ biến là nhiều bà mẹ do nóng lòng khi con sốt liên tục nên tự ý cho dùng thuốc hạ sốt liên tục hơn 4-5 lần mỗi ngày, dẫn đến lạm dụng thuốc. Việc sử dụng thuốc hạ sốt liên tục có thể gây ảnh hưởng làm tổn thương gan nặng nề, xuất huyết tiêu hóa…

Ngoài ra, không ít gia đình khi thấy con xuất hiện những mẩn bầm còn tiến hành cắt lể để lấy bớt máu độc. Việc cạo gió, cắt lễ này dễ dẫn đến hiện tượng chảy máu không cầm. Đây là ngã vào cho vi trùng xâm nhập, có thể gây rối loạn đông máu.

Sốt xuất huyết tăng nhanh, 110 ca tử vong, chuyên gia y tế cảnh báo dấu hiệu nguy hiểm - Ảnh 3.

Một bệnh nhi sốt xuất huyết nặng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM. Ảnh BVCC

Nhiều bà mẹ khi thấy con sốt kèm theo rối loạn tiêu hóa, nôn ói liên tục đã cho con nhịn ăn, nhịn uống. Việc này khiến trẻ không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng nên dễ mất sức, một số trường hợp có thể hạ đường huyết, gây co giật.  

"Giải pháp tốt nhất là nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày. Cần cung cấp nhiều nước để tránh tình trạng thiếu nước và chất điện giải. Nên tránh các thức ăn, thức uống có màu đỏ, màu đen vì khó phân biệt với màu máu khi trẻ nôn ói hoặc đi ngoài", bác sĩ Tiến khuyến cáo. 

Theo bác sĩ Tiến, một sai lầm thường gặp nữa là nhiều bà mẹ khi thấy con hết sốt thì chủ quan, không tiếp tục theo dõi. Trong khi đó, bệnh sốt xuất huyết do virus nên thường có hiện tượng sốt đi sốt lại và diễn tiến bất thường. 

"Nếu trẻ hết sốt nhưng vẫn còn biểu hiện bất thường như tay chân lạnh, đau bụng, nôn ói nhiều thì cần theo dõi để đưa trẻ nhập viện cấp cứu kịp thời", bác sĩ Tiến nhấn mạnh. 

Dấu hiệu trẻ mắc sốt xuất huyết

"Dấu hiệu bệnh thường gặp ở trẻ lớn là trẻ đang chơi khỏe mạnh thì đột ngột sốt cao, uống thuốc sốt hạ có bớt nhưng sau đó sốt trở lại.

Thông thường 2 ngày đầu trẻ có thể kèm theo một số triệu chứng khác như đau đầu, biếng ăn, mệt mỏi, nhức mỏi cơ giống như các triệu chứng cảm cúm, sau đó có thể có một số dấu hiệu như biểu hiện xuất huyết ở da, chảy máu mũi hoặc chảy máu răng, ói ra máu, đi tiêu phân đen.

Ở trẻ nhũ nhi, bệnh diễn tiến bằng biểu hiện sốt cao, có khi kèm theo triệu chứng hô hấp như ho, sổ mũi, hắt hơi hoặc triệu chứng tiêu hóa như tiêu chảy, nôn ói, dễ nhầm với bệnh lý đường hô hấp hay đường tiêu hóa.

Khi thấy trẻ sốt cần đi khám để được chẩn đoán xem trẻ có bị sốt xuất huyết không. Trường hợp nhẹ có thể chăm sóc, điều trị, theo dõi, hạ sốt lau mát trẻ tại nhà. Khi trẻ sốt liên tục trên 2 ngày với các biểu hiện nặng thì phải nhập viện để tránh diễn biến xấu.

Đặc biệt, với những trường hợp xuất hiện dấu hiệu cảnh báo nặng hiệu cảnh báo nặng như bứt rứt, lăn lộn, chảy máu cam máu răng, tay chân lạnh, ói ra máu… thì cần nhập viện cấp cứu dù là ngay đêm, không nên đợi đến sáng.

Nếu để chậm có thể sốc sâu, bất phục hồi, thậm chí dẫn đến tử vong"

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến

Mời các bạn xem video: Cách phát hiện sớm các dấu hiệu mắc sốt xuất huyết. 

Cách phát hiện sớm các dấu hiệu mắc sốt xuất huyết. Nguồn HCDC

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem