Gia Tưởng
Thứ năm, ngày 29/04/2021 06:00 AM (GMT+7)
Để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân luôn xác định tăng cường công tác huấn luyện và đối ngoại quốc phòng.
Vượt qua mọi khó khăn, thách thức, những cán bộ, chiến sĩ biên đội tàu thuộc Hải đội 512, Lữ đoàn 127 luôn tự hào là "nhịp cầu nối" tình hữu nghị trên vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc.
Những sứ giả trên biển
Cuối tháng 3 vừa qua, tôi có dịp cùng tàu 253, Lữ đoàn 127, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đi chuyến tuần tra chung lần thứ 62 tại vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia với Hải quân Hoàng gia Campuchia. Mặc dù thời tiết trên biển sóng to, gió lớn, sương mù ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tuần tra giữa hai lực lượng, song vượt qua mọi khó khăn, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Tàu 253 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trung úy Đặng Minh Lợi - Thuyền trưởng tàu 253 cho biết, nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng giữa Hải quân nhân dân Việt Nam và Hải quân Hoàng gia Campuchia là một nhiệm vụ chính trị rất quan trọng nhằm nắm chắc tình hình trên biển, nhất là khu vực giáp ranh, để kịp thời thông báo tình hình ngăn chặn các hoạt động trái phép. Mỗi CBCS trên tàu 253 luôn cảm thấy vinh dự và tự hào vì góp phần bảo vệ an toàn, an ninh trên vùng biển, thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại quốc phòng của Đảng và Nhà nước.
Cán bộ chiến sĩ tàu 264, Hải đội 512, Lữ đoàn 127, Vùng 5 Hải quân huấn luyện cờ tay với biên đội tàu Hải quân Hoàng gia Thái Lan. Ảnh: G.T
Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân có nhiệm vụ quản lý vùng biển, đảo Tây Nam từ cửa sông Gành Hào, tỉnh Bạc Liêu đến Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, giáp ranh với vùng biển các nước Campuchia, Thái Lan, Malaysia.
Trung úy Lê Quốc Thế - Trưởng ngành cơ điện tàu 253 chia sẻ: Mặc dù công tác chuẩn bị rất chu đáo nhưng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên biển có thể phát sinh nhiều tình huống vì thế các bộ phận trên tàu luôn phải chủ động, xác định rõ trách nhiệm. Ngành cơ điện được coi là "nơi giữ nhịp trái tim của con tàu" nên nếu trong hải trình gặp sự cố là ảnh hưởng rất lớn đến nhiệm vụ. Vì thế CBCS ngành cơ điện không ai được phép chủ quan, lơ là bởi máy tàu cũng "đỏng đảnh" như cô gái 18, có thể xảy ra sự cố bất cứ lúc nào, công tác chuẩn bị càng chu đáo bao nhiêu thì độ an toàn của hải trình càng cao bấy nhiêu.
Thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, mỗi chuyến đi của con tàu có thể coi là hành trình "sứ giả hòa bình" vì tàu đại diện cho lực lượng hải quân, quân đội và đất nước, giao lưu với nước bạn.
Theo đại úy Hoàng Hồng Quân - thuyền trưởng tàu 265, Hải đội 512, Lữ đoàn 127: "Đặc thù với những chuyến hải trình dài ngày trên biển, khó khăn lớn nhất với các cán bộ chiến sĩ trên tàu là điều kiện thời tiết, sóng gió. Vì vậy ngoài bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm thì mỗi CBCS phải rèn luyện cho mình sức khỏe để vượt qua mọi thử thách nơi đầu sóng ngọn gió".
Có lệnh là lên đường!
Hiện nay vùng biển, đảo Tây Nam cơ bản ổn định, tuy nhiên, hoạt động buôn lậu, khai thác hải sản trái phép vẫn tiếp tục xảy ra. Không những thế, các thế lực thù địch còn tăng cường hoạt động chống phá ta trên nhiều lĩnh vực. Chúng xuyên tạc lịch sử, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Thủ đoạn của chúng ngày càng tinh vi, thâm độc và quyết liệt.
Trước tình hình trên, Chuẩn đô đốc Nguyễn Đăng Tiến - Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân cho biết: Vùng 5 Hải quân luôn kế thừa và phát huy tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung, nghĩa tình. Hiện nay, Vùng 5 Hải quân được coi là "điểm sáng" trong công tác đối ngoại quốc phòng, điều này có sự đóng góp lớn của biên đội tàu Lữ đoàn 127. Các CBCS biên đội tàu luôn nỗ lực phấn đấu, trau dồi bản lĩnh chính trị, mài sắc ý chí quyết tâm, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ là "nhịp cầu nối" của tình hữu nghị trên biển.
Mỗi CBCS biên đội tàu Hải đội 512, Lữ đoàn 127, Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải quân luôn thấm nhuần khẩu hiệu "Có lệnh là đi, đã rời bến là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ". Những người lính ấy luôn vinh dự và tự hào khi được cống hiến sức mình vì chủ quyền an ninh biển đảo của Tổ quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.