Sự kiện Mường Nhé 10 năm trước và bài học về chống bạo loạn, ly khai và truyền đạo trái phép

Lương Kết (thực hiện) Thứ ba, ngày 01/06/2021 07:15 AM (GMT+7)
Theo GS-TSKH Phan Xuân Sơn để phòng ngừa, xử lý hoạt động chống phá, ly khai, bạo loạn của các thế lực ly khai, thù địch, vấn đề cơ bản nhất là chúng ta phải nắm được dân, phải hiểu được tâm trạng người dân; thường xuyên củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền các cấp.
Bình luận 0

Nhân tròn 10 năm sự kiện về điểm "nóng" xảy ra ở Mường Nhé (Điện Biên), GS-TSKH Phan Xuân Sơn, Viện Chính trị học (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đã có chuyến công tác thực tế tới đây. Ông đã có những chia sẻ với Dân Việt về những câu chuyện xoay quanh sự kiện này.

Mường Nhé đổi thay sau sự kiện "nóng" 10 năm trước

 Thưa GS, được biết nhân tròn 10 năm sự kiện Mường Nhé ( 2011-2021), ông có chuyến công tác thực tế về địa phương này, ông thấy cuộc sống nơi đây của người dân đã có thay đổi gì?

- Có lẽ, trước hết chúng ta nhớ lại sự kiện Mường Nhé 2011, để thấy những thay đổi hiện nay ở Mường Nhé là rất lớn, rất quý báu.

Đầu năm 2010, các đối tượng cầm đầu các nhóm tham gia hoạt động lập "Vương quốc Mông" đã nhiều lần gặp gỡ tuyên truyền, lôi kéo đồng bào Mông lên núi cao cầu nguyện, xin thần linh ban cho một người làm "Vua Mông". Chúng còn dùng thủ đoạn vừa tuyên truyền lừa mị, lôi kéo, vừa đe dọa. Cuối tháng 01/ 2011, các đối tượng cầm đầu ghi âm, phát tán trong đồng bào Mông luận điệu: "Chúa trời đã ban cho người Mông có một vị vua ở Mường Nhé. Nếu ai không tin, không đi theo thì khi thành lập được Vương quốc Mông sẽ bị giết cả gia đình. Ngày 21/5/2011 là ngày tận thế, thế giới sẽ bị diệt vong chỉ có vua Mông là người được chúa trời ban cho quyền năng cứu thế, nên ai tin theo thì sẽ được cứu sống"… Các luận điệu trên được tán phát qua điện thoại di động của các đối tượng cốt cán, sau đó được lan truyền rộng trong đồng bào Mông, xúi giục người Mông từ các nơi tập trung về huyện Mường Nhé tổ chức "đón Vua" lập "Vương quốc Mông"…

Chúng ta đã có những giải pháp, kịp thời đúng đắn và quá trình giải quyết xử lý vụ việc đạt được kết quả rất quan trọng. Đã đập tan, làm tan rã âm mưu ra mắt "Vương quốc Mông", kịp thời giải tỏa được một số lượng lớn người dân tụ tập, không để xảy ra thiệt hại về người và tài sản, ngăn chặn hiệu quả khống chế các đối tượng " Xưng Vua" lập "Vương quốc Mông"; bắt được một số đối tượng cầm đầu cốt cán, thu được nhiều tài liệu phương tiện hoạt động của các đối tượng, khẩn trương đưa đồng bào về địa phương, nhanh chóng ổn định tình hình, góp phần vào thắng lợi cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp (năm 2011).

Sự kiện Mường Nhé 10 năm trước và bài học về chống bạo loạn, ly khai và truyền đạo trái phép - Ảnh 1.

GS Phan Xuân Sơn (ngoài cùng bên phải) và Bí thư Huyện ủy Mường Nhé Nguyễn Quang Hưng (áo sẫm) thăm một vườn trồng hoa tại Mường Nhé (ảnh NVCC).

Sau sự kiện đó, thực hiện mục tiêu xây dựng huyện "giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng an ninh", trong những năm qua, huyện Mường Nhé đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng an ninh.

Đến cuối năm 2020, Mường Nhé đã hoàn thành gần 130 công trình hạ tầng giao thông với tổng chiều dài trên 242km và rất nhiều công trình hạ tầng khác phục vụ phát triển đời sống dân sinh, xây dựng nông thôn mới. Tình trạng chia cắt giao thông giữa các xã, thị trấn trong huyện đã được khắc phục hoàn toàn.

Huyện cũng đã hoàn thành việc mở thông các tuyến đường giao thông chính, đường liên xã, giao thông nông thôn, nội đồng, thuỷ lợi… góp phần phát triển kinh tế xã hội. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện (tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 74,02% năm 2015 xuống còn 58,43% năm 2020). Hệ thống các bệnh viện, trạm y tế từ huyện đến xã cơ bản được hoàn thiện, trang thiết bị được đầu tư đồng bộ.

Những thành tích nổi bật nói trên đã cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện. Có thể nói, Mường Nhé, bước đầu đã vượt qua những khó khăn, thử thách, nhất là khắc phục những hệ quả tiêu cực của điểm "nóng" Nậm Kè năm 2011, ngày càng phát triển vững mạnh, chắc chắn sẽ đạt được những thành tích to lớn hơn trong những năm tới.

Sự kiện Mường Nhé 10 năm trước và bài học về chống bạo loạn, ly khai và truyền đạo trái phép - Ảnh 2.

Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Mường Nhé tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân tại xã Nậm Kè (ảnh danvan.vn).

Ở góc độ là chuyên gia nghiên cứu chính trị học, nhìn lại sự kiện Mường Nhé, GS thấy có bài học sâu sắc gì, thưa ông?

- Có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm xử lý điểm "nóng" Mường Nhé như sau:

Để phòng ngừa, xử lý hoạt động chống phá, ly khai, bạo loạn của các thế lực ly khai, thù địch, vấn đề cơ bản nhất là phải nắm được dân, phải hiểu được tâm trạng người dân; thường xuyên củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền các cấp thông qua phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, ổn định dân cư, thực hiện tốt chính sách liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào (trong đó có chính sách tôn giáo) tăng cường cán bộ xuống cơ sở, đi đôi với củng cố, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị ở cơ sở. Nắm vững và tranh thủ được những người có uy tín trong các cộng đồng tộc người thiểu số, nhất là trong cộng đồng người Mông.

Khi vụ việc tụ tập xảy ra, phải nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo (thể chế hóa xung đột). Trong sự kiện này, tỉnh Điện Biên đã sớm thành lập Ban chỉ đạo do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm trưởng ban, Giám đốc Công an tỉnh làm Phó Trưởng ban thường trực, để có trách nhiệm, thẩm quyền để chỉ đạo thống nhất, huy động được các nguồn lực, phối hợp được các lực lượng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị ở địa phương tham gia quản lý, xử lý, giải tỏa điểm "nóng".

Phân tích, nắm rõ tình hình vụ việc, từ mục đích của lực lượng chống đối, kẻ cầm đầu, lực lượng cốt cán, phương thức hoạt động, khả năng sử dụng vũ khí, công cụ, số lượng và thành phần nhân dân tham gia… 

Ở Mường Nhé, chúng ta đã phải dùng lực lượng dân sự và lực lượng vũ trang hóa trang dân sự, mở đường vào khu tập trung dân trước, không dùng vũ khí "nóng" mà dùng lực lượng đặc nhiệm hóa trang vô hiệu hóa số đối tượng chống đối lực lượng vào giải tỏa, kết hợp tuyên truyền bằng nhiều biện pháp để giải tán đám đông. Đồng thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, cấp tiền, phương tiện cho dân để trở về nơi cũ, bắt tạm giữ nhiều đối tượng chống đối, nghi vấn cầm đầu, cốt cán tích cực để khai thác, làm rõ ý đồ, kế hoạch chống phá của chúng. Có biện pháp tiếp tục ổn định tình hình, để phòng tái diễn những tình huống phức tạp đột xuất.

Chủ động làm tốt công tác thông tin, truyền thông, định hướng thông tin và dư luận, vô hiệu hóa các luận điệu xuyên tạc, vu cáo của đối tượng, chủ động, sáng tạo đấu tranh phản bác các luận điệu lợi dụng vụ việc để tuyên truyền chống phá ta về nhân quyền, tôn giáo, tung tin thất thiệt, vu cáo chính quyền đàn áp, gây hoang mang, rối loạn dư luận xã hội trong nước và quốc tế…gây ảnh hưởng xấu cho hình ảnh Việt Nam ở ngoài nước.

Nhanh chóng ổn định tình hình sau điểm "nóng", khẩn trương giải quyết những vấn đề bức xúc trong sản xuất, đời sống, tinh thần và tín ngưỡng của nhân dân. Làm tốt công tác dân vận, tuyên truyền để nhân dân yên tâm, hiểu và chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, vạch rõ âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, các đối tượng lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo kích động tư tưởng ly khai, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Sự kiện Mường Nhé 10 năm trước và bài học về chống bạo loạn, ly khai và truyền đạo trái phép - Ảnh 3.

Công an huyện Mường Nhé cùng Công an xã Sín Thầu, Đồn Biên phòng A Pa Chải giúp dân Mường Nhé lợp lại mái nhà (ảnh báo Công an nhân dân).

Nước ta không có vấn đề "xung đột tôn giáo"

Thưa GS, vấn đề tộc người, tôn giáo luôn là vấn đề nhạy cảm thường bị các thế lực thù địch triệt để khai thác để chống phá Nhà nước ta, đó là thách thức lớn đe dọa vận mệnh đất nước?

- Không nghi ngờ gì nữa, Hiến pháp, pháp luật cũng như tập quán xã hội ở nước ta cho thấy, Việt Nam là một nước tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nhưng cũng cần thấy rằng, giống như bất kỳ quốc gia nào, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Ở nước ta, có thể nói, cho đến nay, không có vấn đề "xung đột tôn giáo". Tuy nhiên vấn đề quản lý nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo luôn được đặt ra. Hiện nay, có một số "tổ chức tôn giáo mới" (có người gọi là hiện tượng tôn giáo mới) hoạt động không đăng ký theo pháp luật, tùy tiện truyền đạo, xây dựng các cơ sở thờ tự, hành lễ, thu nạp tín đồ… Nội dung truyền đạo của một số tổ chức bất hợp pháp có nhiều sai phạm, như tuyên truyền nội dung mê tín dị đoan, tuyên truyền ly khai, chống phá nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc...Tất nhiên, những vi phạm, chúng ta phải xử lý theo pháp luật.

Để phát triển vùng đồng bào tộc người thiểu số, đảm bảo tự do tôn giáo, tín ngưỡng, theo GS chúng ta cần phải chú ý những vấn đề gì?

- Chúng ta, từ phía chính quyển các cấp cho đến các tôn giáo, các tổ chức tôn giáo đã được công nhận, có đăng ký…cố gắng thực hiện tốt Luật Tín ngưỡng Tôn giáo. Cũng cần cố gắng cải cách thủ tục hành chính nói chung, trong quản lý tín ngưỡng tôn giáo nói riêng, tránh tầng nấc, rườm rà. Phát huy vai trò của các tôn giáo từ chức sắc, chức việc, đến tín đồ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong phát triển kinh tế, xóa đói, giàm nghèo, từ thiện nhân đạo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt là phát huy vai trò các tôn giáo, tổ chức tôn giáo hợp pháp, đấu tranh với các "tổ chức tôn giáo" bất hợp pháp, đang lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo đề hoạt động mê tín, chia rẽ, thù địch, chống phá Đảng và Nhà nước.

Xin cảm ơn GS (!)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem