Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Theo chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, sáng nay (ngày 3/11) Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về kết quả 5 năm (2016 – 2020) thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.
Theo báo cáo của Chính phủ, sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 24/2016/QH14 (ngày 08/11/2016) có 7/22 mục tiêu đã không hoàn thành, trong đó có những mục tiêu quan trọng ảnh hưởng đến kết quả chung của cả giai đoạn 5 năm qua.
Điển hình là hai mục tiêu liên quan đến cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không hoàn thành, bao gồm: hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước.
Đáng chú ý, đây là mục tiêu trọng điểm của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Vấn đề này, Chính phủ cũng chỉ rõ nguyên nhân là do có nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh (như phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị các quyền sở hữu trí tuệ bao gồm giá trị văn hóa, lịch sử, phần vốn nhà nước,…) trong khi hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện; mục tiêu nhiệm vụ, cơ chế quản lý DNNN chưa rõ ràng; khó khăn trong việc tìm kiếm cổ đông chiến lược…
Chia sẻ với Góc nhìn chuyên gia của Dân Việt, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng từ xưa đến nay Việt Nam luôn tồn tại thói quen đặt chỉ tiêu cho một vấn đề gì đó thường đặt ra rất cao, mang nặng tính thể hiện mong muốn sẽ đạt được nhiều hơn là khả thực hiện.
Trong trường hợp này cũng vậy, Quốc hội khi đặt ra các chỉ tiêu, chính sách luôn thể hiện mong muốn cổ phần hóa, thoái vốn DNNN dựa trên cơ sở cần thiết, quan trọng, mà không đưa ra giải pháp cụ thể đối với từng nội dung thật chính xác, xác thực, làm cho mục tiêu trở thành khả thi.
Do vậy, về phía doanh nghiệp có tồn tại khó khăn của họ, về phía nhà nước, các cơ quan chủ quản hoặc chịu trách nhiệm đốc thúc cũng vướng cơ chế, vướng chính sách khiến không hoàn thành kế hoạch đề ra.
"Lúc này, cả bên chủ sở hữu và bên DN đều đổ lỗi cho nhau. Tuy nhiên, điều cần nhất là ai chịu trách nhiệm thì mãi không thấy đề cập đến," bà Lan cho hay.
Theo bà Chi Lan, dù Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu khi không hoàn thành chỉ tiêu, nhưng đến thời điểm bây giờ chưa có trường hợp nào bị kỷ luật về việc không thực hiện được cổ phần hóa hay thoái vốn nhà nước.
Một vấn đề quan trọng, đó là để hoàn thành kế hoạch đề ra cần phải có động lực và áp lực rất mạnh đối với nhà nước và cả DNNN.
"Tuy nhiên, khi đặt ra mục tiêu, Quốc hội chỉ dựa trên mong muốn đạt mà không suy xét đến khía cạnh áp lực hoặc động lực thực sự đủ để bắt buộc Chính phủ phải thực hiện kế hoạch "bằng mọi giá", bà Lan phân tích.
Theo bà Lan, áp lực ở đây là việc cả Chính phủ và DNNN nếu không hoàn thành sẽ nhận hệ quả ghê gớm về kinh tế, về chính trị, về xã hội. Và chính những người đề ra chủ trương như vậy phải chịu trách nhiệm cho toàn bộ vấn đề.
Song, đối với hiện tại, khi hết thời hạn mà mục tiêu chưa hoàn thành, sẽ lại tiếp tục câu chuyện đề ra mục tiêu mới, rút tiếp sợi dây kinh nghiệm cho những lần sau.
Một nguyên nhân nữa theo bà Lan khiến các chỉ tiêu đề ra không hoàn thiện chính là thiếu sự dám sát của xã hội trong việc theo dõi các hạng mục đã đề ra.
Đáng nói, xã hội là chủ thể chính được hưởng lợi từ các mục tiêu đề ra và cũng là bên chịu thua thiệt khi nền kinh tế không phát triển. Không tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và cổ phần hóa DNNN, đồng nghĩa với việc không giải tỏa tài sản bị "thua lỗ, đắp chiếu" từ các dự án do DNNN nắm giữ để cho các đơn vị khác có thể sử dụng, phát triển tốt hơn.
Đồng nghĩa với các khoản nợ do DNNN thua lỗ gây ra, xã hội phải gánh lấy, chi trả từ tiền thuế của người dân.
Từ đó, nên thẳng thắn thừa nhận rằng, xã hội có quyền giám sát vì tài sản đó là tài sản chung, liên quan đến, lợi ích. Tuy nhiên trên thực tế người dân không có quyền gì để đòi hỏi quyền lợi về mình.
Đáng nói, khi đề cập đến việc không hoàn thành kế hoạch, nguyên nhân được đưa ra là điều kiện thị trường không thuận lợi. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thị trường không là ai cả, nên trách nhiệm đổ cho thị trường vì giá đắt, vì không chịu mua, là hết sức vô lý.
Ngoài ra, trong toàn bộ câu chuyện này, sự minh bạch chưa bao giờ có, trách nhiệm giải trình không được công khai. Do vậy, người dân, chuyên gia muốn theo dõi, đóng góp ý kiến không nắm được vấn đề nằm ở đây, hay hướng giải quyết thế nào.
Cuối cùng, giải pháp cho toàn bộ chuyện này nằm ở cơ chế, nằm ở chính sách. Đáng kể như đối với 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương, có nhiều đề xuất bán hoặc cho phá sản. Phá sản sớm, tài sản của các dự án được bán lại cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng, đỡ đi phần nào gánh nặng cho xã hội. Còn để càng lâu, càng thua lỗ, càng mất giá.
"Thông tin nói về một số dự án trong 12 đại dự án ngành Công Thương đã khôi phục, sản xuất trở lại, tuy nhiên chẳng ai chứng minh được sự trở lại này lãi, lỗ thế nào? Cần bao nhiêu tiền nữa đổ thêm cho dự án? nó mãi là những vấn đề chưa bao giờ biết được câu trả lời thật sự", bà Lan bình luận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.