Tài xế đi cao tốc Tiên Yên - Móng Cái cần biết điều này tránh rắc rối
Tài xế đi vào cao tốc Vân Đồn - Móng Cái cần biết điều này để tránh rắc rối
Thế Anh
Thứ hai, ngày 22/08/2022 19:17 PM (GMT+7)
Dự kiến ngày 1/9, tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái sẽ chính thức đưa vào vận hành khai thác, nhưng cao tốc này vẫn chưa có trạm xăng, trạm dừng nghỉ khiến nhiều tài xế lo ngại.
Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đi vào hoạt động sẽ hoàn thiện tuyến cao tốc từ Lào Cai đi qua Hà Nội, Hải Phòng đến TP.Móng Cái, tạo thành tuyến cao tốc liền mạch dài nhất Việt Nam với chiều dài lên đến gần 600km. Trong đó, Quảng Ninh là tỉnh có số km lớn nhất cả nước với chiều dài khoảng 176km.
Theo đó, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái có chiều dài toàn tuyến gần 80km có điểm đầu cao tốc nằm gần sân bay quốc tế Vân Đồn và điểm cuối đấu nối với đường dẫn cầu Bắc Luân 2 (TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh).
Tổng mức đầu tư cao tốc Vân Đồn – Móng Cái ban đầu 12.771,765 tỷ đồng. Trong đó, đoạn tuyến cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên dài 16km đầu tư bằng vốn ngân sách tỉnh Quảng Ninh.
Tuyến Tiên Yên - Móng Cái được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) do Công ty TNHH Đầu tư và phát triển hạ tầng Vân Đồn (thuộc Tập đoàn Sun Group) làm chủ đầu tư.
Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái có quy mô 4 làn xe cơ giới với bề rộng nền đường 25,25m, vận tốc thiết kế 120Km/h.
Điểm nổi bật của dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái là một trong những cao tốc sở hữu nhiều cây cầu vượt biển, vượt sông suối với 32 cây cầu trên tuyến chính với tổng chiều dài là hơn 7,9km (chiếm 10% tổng chiều dài tuyến).
Hệ thống giao thông thông minh ITS được trang bị hiện đại với tổng cộng 66 camera CCTV có thể quan sát và nhìn rõ các vật thể ở khoảng cách 1km, được ghi hình liên tục 24/24 giờ trong mọi điều kiện thời tiết.
Mặc dù, dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đã cơ bản hoàn thành hệ thống mặt đường, và các hạng mục an toàn giao thông, thế nhưng, cả tuyến đường cao tốc dài nhất cả nước với 176km lại đang thiếu trạm xăng, trạm dừng nghỉ khiến cho nhiều tài xế lo ngại khi đi qua cao tốc này.
Thực tế, khi biết thông tin cao tốc Vân Đồn – Móng Cái sẽ thông xe và liên thông với các cao tốc hiện hữu, nhưng không có trạm xăng, nhiều tài xế cho biết: "Đi liên thông trên tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái cần phải đổ đầy bình xăng, nhưng vừa đi vừa lo lắng".
Anh Lê Bảo Bình, (ở đường Chiến Thắng, Văn Quán, TP.Hà Nội) nói: "Trên cả tuyến cao tốc dài 176km liên thông giữa nhiều cao tốc với nhau mà chưa có trạm dịch vụ, nếu gặp sự cố như hỏng lốp, chết máy, tài xế sẽ rất khó xoay xở. Đấy là chưa kể nhiều trường hợp quên không đổ đầy bình xăng thì chưa biết sẽ xử lý thế nào".
Trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Công ty TNHH Đầu tư và phát triển hạ tầng Vân Đồn khuyến cáo: "Sau khi tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái hoàn thành đưa vào khai thác, tài xế cần chú ý đổ đầy bình xăng trước khi đi vào tuyến cao tốc này".
"Đây là tuyến cao tốc liên thông có chiều dài gần 176km do đó, tài xế, chủ phương tiện cần kiểm tra các thông số an toàn của xe trước khi đi vào cao tốc để đảm bảo an toàn giao thông và lộ trình được thuận lợi", đại diện Công ty TNHH Đầu tư và phát triển hạ tầng Vân Đồn cho hay.
Được biết, để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến cao tốc này, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các đơn vị và Sở GTVT lên kế hoạch xây dựng trạm dịch vụ trên cao tốc dài nhất Việt Nam. Sở GTVT Quảng Ninh sẽ tổ chức đấu thầu xây hai trạm ở đầu Vân Đồn và Móng Cái.
Theo Điều 3 Luật Giao thông đường bộ, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải gồm công trình đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và các công trình phụ trợ khác.
Theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN5729:2012, dọc cao tốc phải xây dựng các cơ sở phục vụ cho mọi đối tượng sử dụng đường.
Trong khoảng 50-60 km cần có một trạm phục vụ kỹ thuật thông thường (có khả năng cấp xăng, dầu, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn); cứ khoảng 120-200 km cần bố trí một trạm phục vụ lớn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.