Tấm bia Champa bí ẩn ở khu phế tích Đồng Dương tại một làng cổ cùng tên của Quảng Nam
Tấm bia Champa bí ẩn ở khu phế tích Đồng Dương tại một làng cùng tên của Quảng Nam
Thứ sáu, ngày 13/12/2024 05:02 AM (GMT+7)
Khu di tích Chăm Đồng Dương nằm cạnh đường tỉnh lộ 14E (thuộc địa phận làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), cách thành phố Đà Nẵng khoảng 65 km về phía Tây Nam.
Theo nội dung tấm văn bia được tìm thấy tại Đồng Dương thì vào năm 875 sau CN, vua Indravarman II đã cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ Tát bảo hộ cho Vương triều Laskmindra Lôkesvara Svabhayada.
Dưới triều đại của Indravarman II, kinh đô của Vương quốc Chămpa lại được dời từ vùng Panduranga (Phan Rang ngày nay) trở ra vùng Amravati (Quảng Nam ngày nay), văn bia này cho biết tên của kinh đô mới là Indrapura.
Theo một số nhà nghiên cứu thì địa điểm xây dựng kinh đô Indrapura là khu vực làng Đồng Dương ngày nay.
Khu vực Phật viện Đồng Dương đã được khai quật quy mô vào các năm 1901 (do L.Finot - một học giả người Pháp chủ trì) và năm 1902 (do nhà khảo cổ học người Pháp H.Parmentier chủ trì).
Hai cuộc khai quật này đã tìm thấy khu kiến trúc chính của Phật viện cùng với nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá. Phần lớn các tác phẩm điêu khắc ở Đồng Dương đang được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chămpa Đà Nẵng.
Những tác phẩm điêu khắc ở thời kỳ này đã hình thành nên phong cách Đồng Dương nổi tiếng trong nghệ thuật Chămpa ở giai đoạn nửa sau thế kỷ IX. Phật viện Đồng Dương đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia tại Quyết định số 16/200/QĐ-BVHTT ngày 21-8-2000.
Những dòng chữ bí ẩn đang chờ được giải mã tại tấm bia Champa ở khu phế tích Đồng Dương tại một làng cùng tên Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam).
Đáng tiếc là khu di tích quan trọng vào loại bậc nhất của kiến trúc Phật giáo Chămpa này đã bị tàn phá nặng nề bởi thiên tai, thời gian và chiến tranh.
Hiện nay, trong khu di tích này chỉ còn lại một mảng tường tháp mà nhân dân địa phương thường gọi là “Tháp Sáng", cùng với nền móng các công trình kiến trúc khác. Điều đặc biệt là tại phế tích này vẫn còn một tấm bia ký bằng đá đã hàng nghìn năm nằm trơ gan cùng tuế nguyệt và những nội dung khắc trên tấm bia ký này cho đến nay vẫn còn là ẩn số.
Trong một lần về thôn Đồng Dương để tiến hành khảo sát tấm bia Chăm này, ông Trà Tấn Túc (một hậu duệ của người Chăm xưa trên vùng đất này) – Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc trực tiếp đưa chúng tôi đến phế tích Đồng Dương nơi có tấm bia Chăm.
Bước đi trên con đường mòn băng qua rừng keo lá tràm với ngổn ngang gạch Chăm ở khắp nơi mà không khỏi chạnh lòng khi mường tượng về quy mô và sự hoành tráng của Phật viện Đồng Dương xưa kia.
Cổng Tháp Sáng với vô số dàn giáo chống đỡ, xung quanh ngổn ngang những viên gạch Chăm vỡ nát và đặc biệt là có rất nhiều những trụ đá, lanh tô cửa bằng đá, các kiến trúc điêu khắc bằng đá khác... nằm rải rác quanh Tháp Sáng.
Tiếp tục băng rừng keo lá tràm một đoạn khoảng 200 mét nữa mới tới vị trí của tấm bia Chăm. Hiện ra trước mắt là một tấm bia đá (bằng đá sa thạch) nằm lộ thiên, xung quanh cây cối mọc um tùm, phía dưới tấm bia có một tảng đá hình chữ L và được chạm khắc rất nhiều đường gờ xung quanh, có lẽ đây là phần bị vỡ của đế tấm bia.
Theo ông Trà Tấn Túc, là người sinh ra, lớn lên, làm việc và gắn bó với mảnh đất này nên ông biết rõ trước đây tấm bia này rất to, còn nguyên vẹn, nhưng sau đó người ta đã đục tấm bia này ra để lấy đá và đưa đi đâu, làm gì không rõ.
Và để chứng minh cho lời nói của mình, ông chỉ cho chúng tôi bốn vết đục nhỏ (dài khoảng 3cm) trên bề mặt của tấm bia. “Có lẽ người ta đục không được nên bỏ lại”, ông nói.
Tấm bia đã bị vỡ một mặt bên và hiện còn cao khoảng 1,4m; rộng 0,9m; dày 0,27m. Tấm bia khắc chữ Sanskrit ở cả ba mặt.
Mặt trên chỉ có một số hàng chữ ở phía dưới còn rõ nét, những hàng chữ phía trên thì rất mờ và dấu vết còn lại của những dòng chữ là những rãnh nhỏ in trên đá. Một mặt bên của tấm bia cũng còn những dòng chữ rõ nét, có tất cả 31 dòng ký tự bằng chữ Sanskrit rất đều và rất đẹp. Rất tiếc là do sức người có hạn, chúng tôi không thể lật mặt còn lại của tấm bia để xem mặt phía dưới.
Trước đây, khi biết tin tức về tấm bia ký này, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cũng đã cử chuyên gia vào khảo sát và nhận xét đây là một bia ký có giá trị, liên quan đến quá trình hình thành và phát triển của Phật viện Đồng Dương vào thế kỷ thứ IX.
Còn nội dung của những dòng chữ Sanskrit khắc trên tấm bia thì cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn chưa thể giải mã đối với những nhà nghiên cứu và những nhà khảo cổ học...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.