“Tảng băng chìm” quản lý khai thác cát ở sông Lô: Núp bóng “Chương trình quốc gia” để bán cát trái phép

Hoàng Chiên - Đình Việt Thứ bảy, ngày 03/04/2021 07:35 AM (GMT+7)
Sự phối hợp chưa "ăn ý" giữa các đơn vị quản lý dẫn đến những vi phạm liên quan đến việc khai thác cát, sỏi trái quy định. Có đơn vị chỉ được phép khai thác cát phục vụ "chương trình quốc gia" sẵn sàng bán cả nghìn m3 không hóa đơn.
Bình luận 0

Sẵn sàng bán cả nghìn khối cát của "chương trình quốc gia" 

Những năm qua, tỉnh Hà Giang đã có nhiều chính sách nhằm tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh tình hình hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, thông qua Quyết định số 32/2018/QĐ-UBND ngày 16/10/2018 và Chỉ thị số 272/CT-UBND ngày 27/02/2020.

Dù đã rất nỗ lực quản lý từ chính sách cho đến thực tiễn. Tuy nhiên, đâu đó tại 25 điểm mỏ được cấp phép khai thác trên sông Lô xuất hiện những góc khuất được ví như phần chìm của tảng băng trôi.

Sông Lô từ Trung Quốc chảy vào Việt Nam tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Cách biên giới Việt - Trung khoảng 1km một điểm mỏ được cấp phép cho Công ty TNHH Trường Thịnh khai thác nhiều năm qua, đã có nhiều vi phạm tại điểm mỏ này (điểm mỏ Km 21) bị xử lý.

“Tảng băng chìm” quản lý khai thác cát ở sông Lô (Bài 2): Núp bóng “Chương trình quốc gia” để khai thác cát trái phép - Ảnh 2.

Khu vực chỉ được cấp phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng phục vụ nông thôn mới

Cách 1km theo dòng sông Lô một điểm mỏ nữa cũng do Công ty TNHH Trường Thịnh được phép khai thác cát phục vụ Nông thôn mới (NTM) điểm mỏ Km 20. Tấm biển chỉ dẫn ghi "điểm khai thác cát làm vật liệu xây dựng phục vụ NTM) đã phản tác dụng khi PV gọi điện thoại trao đổi với một người xưng là kế toán của Công ty.

Người này nói: "Có bán cát, giá không hóa đơn cát bê tông 180.000đ/m3, chưa tính cước vận chuyển. Lấy vài nghìn khối cũng có. Nếu lấy nhiều phải đợi vài hôm nữa công nhân làm sẽ báo khối lượng thêm".

Ông Tô Danh Xuân, Trưởng Phòng Khoáng sản, Sở TNMT Hà Giang - cho biết: "Công ty Trường Thịnh trước đây được giao khai thác làm vật liệu xây dựng NTM, theo Quyết định của tỉnh không được phép bán".

"Điều này xã phải nắm được, bán ra ngoài có nhiều ngành liên quan kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý. Địa bàn tỉnh có một số điểm được giao khai thác phục vụ NTM, đâu đó vẫn có trường hợp không quản lý chặt, xảy ra tình trạng bán" - ông Xuân chia sẻ thêm.

“Tảng băng chìm” quản lý khai thác cát ở sông Lô (Bài 2): Núp bóng “Chương trình quốc gia” để khai thác cát trái phép - Ảnh 3.

Đổ đất, đá làm bãi chứa cát phục vụ nông thôn mới được đổ xuống dòng sông Lô

Theo lãnh đạo Phòng Khoáng sản, việc cấp phép khai thác phục vụ NTM là nhu cầu chung các xã, huyện đề nghị tỉnh cho thực hiện để tiết kiệm chi phí, huy động nhân công, thuận lợi cho các bên. 

Về nguyên tắc chung tỉnh ưu tiên huy động dân sản xuất, nhưng dân không có thiết bị phải ký hợp đồng với đơn vị có máy móc để khai thác, làm sao lợi cho dân, doanh nghiệp không được phép bán ra ngoài.

Phát hiện sai phạm lập biên bản rồi để đó

Được biết, liên quan đến Công ty TNHH Trường Thịnh, ngày 25/11/2020 UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành văn bản số 3948/UBND-KTTH gửi các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh, UBND huyện Vị Xuyên và Công ty Trường Thịnh về việc thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong khai thác cát sỏi làm VLXD thông thường tại mỏ cát sỏi Km 21, xã Thanh Thủy, (Vị Xuyên - Hà Giang).

Văn bản yêu cầu Công ty Trường Thịnh dừng ngay các hoạt động khai thác cát tại vị trí khai thác do bãi chứa cát chưa có trong báo cáo kinh tế kỹ thuật của dự án; di dời tàu, thiết bị sửa chữa nằm ngoài vị trí dự án vào trong diện tích mỏ và thực hiện khai thác mỏ đúng vị trí, diện tích được cấp phép, khai thác đúng theo thiết bị máy móc trong phạm vi thực hiện dự án; Công ty không được chứa cát, sỏi ở bãi chứa nằm ngoài phạm vi dự án…

“Tảng băng chìm” quản lý khai thác cát ở sông Lô (Bài 2): Núp bóng “Chương trình quốc gia” để khai thác cát trái phép - Ảnh 4.

Mỏ cát của Công ty TNHH Trường Thịnh "ẩn nấp" phía sau núi. Tại mỏ này nhiều vi pháp đã được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý

Giữa tháng 3/2021 khi Phóng viên có mặt tại khu vực khai thác mỏ của Công ty Trường Thịnh bãi tập kết cát và tàu hút vẫn ở nguyên hiện trường. Sau khi xem hình ảnh, ông Tô Danh Xuân, trưởng Phòng khoáng sản cho biết: "Tàu để như vậy là thực hiện chưa đúng với yêu cầu".

Đồng thời, văn bản của UBND tỉnh Hà Giang đã Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục kiểm tra, làm việc với công ty để xem xát, xứ lý hành vi khai thác khoáng sản cát, sỏi vượt công suất được phép khai thác theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với Dân Việt, ông Ngô Xuân Thình đã xác nhận những vi phạm đã nêu tại Văn bản số 3948/UBND-KTTH và chưa khắc phục đầy đủ các yêu cầu của tỉnh.

Sông Lô đoạn qua địa phận tỉnh Hà Giang hiện có 25 mỏ cát, sỏi được cấp phép. Riêng đoạn Cửa khẩu Thanh Thủy đến TP Hà Giang khoảng 20km nhưng có hàng chục mỏ như: Công ty CP Bảo Ngọc HG; Công ty TNHH Trường Thịnh; Công ty CP Bê tông và Xây dựng Bắc Quang; Hợp tác xã Đoàn Kết; Hợp tác xã Yên Phú; Hợp tác xã Định Lượng; Công ty TNHH Thanh Thủy…

img

Công nhân Công ty TNHH Đại Lộc khai thác cát trong lòng hồ thủy điện Sông Lô 4.

Còn đoạn sông Lô từ Hà Giang đến địa phận tỉnh Tuyên Quang cũng có hàng chục mỏ khác của các đơn vị như: Hợp tác xã Sơn Hải; Doanh nghiệp tư nhân xây lắp Tiến Sơn; Công ty TNHH thương mại và Xây dựng Thanh Giang; Công ty TNHH MTV Mai Nhung; Công ty TNHH Đại Lộc;…

Chưa có quy hoạch bến, bãi theo quy định

Đoạn sông Lô qua thôn Nà Miều, xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên được cấp phép cho Công ty CP Bê tông và Xây dựng Bắc Quang (Công ty Bắc Quang), là một trong 4 đơn vị được cấp phép khai thác cát trên sông Lô vào ngày 03/07/2020. Khi phóng viên có mặt, chứng kiến hai chiếc máy xúc "bơi" ra tận giữa sông Lô để xúc cát, sỏi chất cao như núi, bên cạnh hai tàu hút cát bơm lên bờ, bãi chứa được kè ở bờ sông.

“Tảng băng chìm” quản lý khai thác cát ở sông Lô (Bài 2): Núp bóng “Chương trình quốc gia” để khai thác cát trái phép - Ảnh 7.

Hai chiếc máy xúc của Công ty CP Bê tông và Xây dựng Bắc Quang "bơi" ra giữa dòng sông để khai thác cát, sỏi.

Người đại diện của Công ty Bắc Quang tên S. cho biết mỏ đi vào khai thác được vài tháng. Trước thông tin vừa nêu, ông Tô Danh Xuân cho biết: "Việc đưa máy xúc xuống sông khai thác cát, sỏi như thế là sai".

Khi được hỏi về những lần kiểm tra, xử lý các vi phạm nếu có, ông Xuân cho biết thêm:" Công tác kiểm tra một năm được tầm chục dự án, quan trọng nhất là chính quyền địa phương cấp huyện, xã giám sát. Cả tỉnh có 3 người quản lý khoáng sản. Mỗi năm phấn đấu kiểm tra, thanh tra theo sự vụ được 15 -20 dự án đã mệt, ngoài ra còn tổng cục, bộ kiểm tra mình phối hợp nữa".

PV báo NTNN/Dân Việt dành nhiều thời gian tìm hiểu dọc sông Lô trên địa bàn tỉnh Hà Giang, ở hầu hết các điểm mỏ đều có bến, bãi tập kết cát, sỏi. 

Thậm chí có những điểm mỏ có từ 2 -3 bãi cát nằm sát quốc lộ, hay lấn ra giữa sông…như điểm mỏ km 17 và điểm mỏ Km 16+500 được cấp phép cho Công ty CP Bảo Ngọc HG.

“Tảng băng chìm” quản lý khai thác cát ở sông Lô (Bài 2): Núp bóng “Chương trình quốc gia” để khai thác cát trái phép - Ảnh 8.

Hà Giang chưa có quy hoạch hệ thống bến, bãi theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Ảnh chụp tại bãi chứa cát của Công ty CP Bảo Ngọc HG ở Km 17, xã Thanh Thủy

Liên quan đến bến, bãi tập kết, ông Xuân cho biết: "Bãi tập kết ở gần mỏ Km 17 doanh nghiệp có đề nghị, cần kiểm tra thực tế lại. Ở đây thẩm định hồ sơ dự án thiết kế về khoáng sản vật liệu xây dựng là Sở Xây dựng, bổ sung vị trí này, vị trí kia thì tham khảo Sở Xây dựng".

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang - cho biết: " Hà Giang chưa có quy hoạch hệ thống bến, bãi theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa. 

Do vậy tất cả các điểm mỏ khai thác cát sỏi dọc sông Lô hiện nay đều do chủ đầu tư tự thỏa thuận mua lại đất, hoặc thuê đất của người dân xung quanh khu vực khai thác để làm mặt bằng, xây dựng công trình phụ trợ phục vụ dự án, tập kết cát sỏi".

“Tảng băng chìm” quản lý khai thác cát ở sông Lô (Bài 2): Núp bóng “Chương trình quốc gia” để khai thác cát trái phép - Ảnh 9.

Các bến, bãi chứa cát ở tỉnh Hà Giang chưa được quy hoạch nên chủ mỏ... mở ở đâu cũng được.

Còn số liệu cụ thể, ông Sơn cho biết: "Đơn vị nào đã thực hiện, chưa thực hiện các thủ tục về đất đai đối với mặt bằng phụ trợ. Đề nghị liên hệ Sở Tài nguyên Môi trường. Lý do: Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị tham mưu cấp phép khai thác và các thủ tục về đất đai liên quan đến dự án".

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem