Bộ NNPTNT trình Thủ tướng giải pháp gì để đạt mục tiêu là 1 trong 10 nước chế biến nông sản hàng đầu?
Bộ NNPTNT trình Thủ tướng giải pháp gì để đạt mục tiêu là 1 trong 10 nước chế biến nông sản hàng đầu?
Khánh Nguyên
Thứ ba, ngày 29/12/2020 14:27 PM (GMT+7)
Bộ NNPTNT vừa có tờ trình số 919/TTr-BNN-CBTTNS gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030” với mục tiêu đến năm 2030, là 1 trong 10 nước chế biến nông lâm thủy sản hàng đầu thế giới.
Trong tờ trình này, Bộ NNPTNT nhấn mạnh, trong thành tựu xuất khẩu của cả nước, ngành nông nghiệp đã góp phần rất lớn, là ngành duy nhất liên tục duy trì xuất siêu.
Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 16 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản, với một số mặt hàng chính có kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên 1 tỷ USD là gạo, rau quả, cà phê, điều, cao su, gỗ và sản phẩm từ gỗ, thủy sản (tôm và cá tra).
Tuy nhiên, trên thị trường thế giới, xuất khẩu nông lâm thủy sản của việt Nam vẫn chủ yếu tăng về lượng, tỷ trọng hàng hóa chế biến sâu và giá trị gia tăng chưa cao;
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản chủ yếu tập trung vào các nhóm mặt hàng chính tại một số thị trường như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản...đặc biệt là thị trường Trung Quốc; vẫn tồn tại các lô hàng xuất khẩu chưa đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của thị trường quốc tế.
Chính vì vậy, theo Bộ NNPTNT “Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030” là rất cần thiết trong thực tiễn, nhằm đạt được các mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông lâm thủy sản và thực phẩm với chất lượng cao trong khu vực ASEAN và trên thế giới, có vị thế vững chắc trong chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản và thực phẩm toàn cầu.
Trong đó, các sản phẩm trồng trọt được sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn và bền vững, thân thiện với môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu.
Ngành chăn nuôi phát huy được lợi thế và thế mạnh, đảm bảo an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh nhằm nâng cao năng suất và chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chăn nuôi.
Các sản phẩm thủy sản nuôi và hải sản đánh bắt chủ lực được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn và bền vững, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu, sản phẩm có thương hiệu quốc gia, truy xuất nguồn gốc.
Ngành lâm nghiệp xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu gỗ có chứng chỉ đáp ứng quy định về môi trường và phát triển bền vững.
Với một số thị trường chủ lực, đề án đặt ra một số mục tiêu cụ thể sau. Với thị trường Trung Quốc, duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm NLTS có thế mạnh, lợi thế cạnh tranh như: rau quả nhiệt đới, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, sắn và các sản phẩm sắn, gạo, các sản phẩm đặc sản NLTS khác.
Mỹ duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông sản chính như: gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản (cá tra, tôm, hải sản), hạt điều, cà phê, tiêu, chè, mật ong. Mở cửa thị trường cho một số loại quả (sầu riêng, bơ, bưởi, na, dừa, chanh…), rau.
- Liên minh châu Âu (EU) duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm NLTS chính như: thủy sản (tôm, cá tra, hải sản), cà phê, hạt điều, gỗ và các sản phẩm gỗ, tiêu, trái cây. Mở rộng thêm các nhóm sản phẩm rau, hoa quả, sản phẩm mây tre, cói, thảm, sản phẩm chế biến sâu từ cà phê, chè, gạo, ca cao, các loại rau, quả chế biến.
Sẽ có đề án về chế biến rau quả
Để đạt được mục tiêu này, Bộ NNPTNT xác định thúc đẩy phát triển các mô hình chuỗi giá trị nông sản thực phẩm an toàn, trong đó liên kết hợp tác xã doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu.
Tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật tạo thuận lợi, đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Giải thể, kiện toàn và thành lập mới một số hiệp hội ngành hàng, nâng cao năng lực hoạt động, hiệu quả của Hiệp hội ngành hàng nông lâm thủy sản.
Hoàn thành Đề án phát triển các trung tâm cung ứng nông lâm thủy sản hiện đại, tạo điều kiện kết nối vùng sản xuất với thị trường, kết nối thị trường trong nước với thị trường quốc tế, đặc biệt nhằm kiểm soát chất lượng nông lâm thủy sản phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu;
Triển khai rộng rãi, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm theo chuỗi từ nuôi, trồng, đánh bắt, thu hoạch đến khâu vận chuyển, bảo quản, chế biến để tạo sản phẩm an toàn nhằm đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn ngày càng cao của các nước nhập khẩu, đặc biệt về đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm;
Xây dựng, cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi; khuyến khích áp dụng công nghệ thông tin trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm thủy sản, tăng uy tín, trách nhiệm của nhà sản xuất và tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Tiếp tục nghiên cứu cơ chế chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, số hóa trong sản xuất, công nghệ chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông lâm thủy sản. Phát triển công nghiệp phụ trợ, chế biến nông lâm thủy sản đảm bảo phù hợp với nhu cầu thị trường.
Tập trung đầu tư phát triển chế biến những ngành hàng nông lâm thủy sản còn nhiều dư địa về thị trường mà Việt Nam có lợi thế về sản xuất, phát huy lợi thế vùng, ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực gắn với chế biến và thị trường.
Hoàn thiện Đề án Chế biến rau quả làm cơ sở phát triển ngành chế biến nông lâm thủy sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới, 03 ngành chế biến để phấn đấu đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới về: Rau củ quả; thủy hải sản; gỗ và sản phẩm gỗ.
Tăng cường đầu tư nghiên cứu, xây dựng cơ chế ưu đãi hơn nữa cho doanh nghiệp đầu tư vào khâu sau thu hoạch như: bảo quản, sơ chế, đóng gói, logistics,...;
Xây dựng cơ chế ưu đãi đặc biệt đối với vận chuyển nông lâm thủy sản kể cả trên các phương tiện đường bộ, đường sắt và hàng không;
Nghiên cứu đề xuất xây dựng các kho lạnh bảo quản sản phẩm tươi ở gần các cửa khẩu tại các tỉnh biên giới như: Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh nơi tập trung giao thương lớn (có thể xây dựng kết hợp với chợ đầu mối bên trong các tỉnh không nhất thiết phải ở gần cửa khẩu).
Nghiên cứu, đầu tư mở kho ngoại quan ở các nước có khoảng cách địa lý xa Việt Nam tại châu Phi, châu Mỹ, châu Âu để hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản...
Đến năm 2025, xuất khẩu nông sản sẽ đạt 51 tỷ USD
Mục tiêu đến năm 2025: Giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 50-51 tỷ USD vào năm 2025. Khoảng 20% sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu được gắn thương hiệu quốc gia, 50% sản phẩm truy xuất được nguồn gốc; Khoảng 50% giá trị xuất khẩu các sản phẩm NLTS là qua chế biến và chế biến sâu. -
Mục tiêu đến năm 2030: Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 60-62 tỷ USD vào năm 2030.
Khoảng 40% sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu được gắn thương hiệu quốc gia, 70% sản phẩm truy xuất được nguồn gốc; khoảng 60% giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông lâm qua chế biến và chế biến sâu.
5 năm tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo: Nông dân trồng lúa đạt lợi nhuận "khủng" 75%?
Tại Hội thảo về tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tổ chức tại TP.HCM mới đây, Cục trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, sau giai đoạn đầu tái cơ cấu (2016-2020), lợi nhuận nông dân trồng lúa đạt 75%.
Được biết, Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo, giai đoạn 2016-2020, đề ra mục tiêu đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa ở vùng sản xuất lúa hàng hóa từ 30% lợi nhuận trở lên.
Giải thích cho việc lợi nhuận trồng lúa tăng cao đến 75%, ông Trần Xuân Định, chuyên gia tư vấn kỹ thuật Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo cho rằng, đây là tính toán từ những mô hình trồng lúa có hiệu quả nhất của Viện Chiến lược và Chính sách nông nghiệp năm 2019.
"Có nhiều yếu tố để nông dân trồng lúa đạt mức lợi nhuận này, như giảm chi phí đầu vào (giống, phân, thuốc), sử dụng giống lúa chất lượng cao… nên năng suất, chất lượng tăng, giá bán cao nên lợi nhuận tăng", ông Định giải thích.
Về khách quan, ông Định cũng cho rằng, do trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều nước trồng lúa giảm nguồn cung gạo, tăng nhập khẩu nên giá gạo tăng cao.
"Cầu tăng, trong khi cung không đủ nên giá cao. Và khi Việt Nam tăng xuất khẩu gạo thì nông dân cũng tăng lợi nhuận", ông Định chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Chí Thiện - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An, tại vùng trồng lúa hàng hóa trên địa bàn tỉnh, nông dân có lợi nhuận trung bình khoảng 50%.
Tại hội thảo, bà Trần Thu Hà - Giám đốc Dự án "Sản xuất lúa bền vững và Giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam" (AVERP) cho rằng, mức lợi nhuận trồng lúa đạt 75% là quá "khủng".
Theo bà Hà, trong một cuộc điều tra của AVERP với 1.000 hộ trồng lúa ở tỉnh Thái Bình, lợi nhuận đạt 30% là quá "phấn khởi".
"Trong 1.000 hộ của cuộc điều tra, không phải hộ nào cũng đạt mức ấy", bà Hà thổ lộ.
Cũng theo bà Hà, khâu quyết định để tăng lợi nhuận cho nông dân là giống lúa chất lượng cao.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng, nên cân nhắc khi đưa chỉ tiêu lợi nhuận nông dân trồng lúa vào đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo giai đoạn tiếp theo.
"Thực tế có đo đếm được chính xác không?", ông Bùi Bá Bổng đặt vấn đề.
Báo cáo tại hội thảo cho thấy, các khâu để tăng lợi nhuận cho nông dân trồng lúa trong đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo, giai đoạn 2016-2020, là chưa đạt, ví dụ như: Cắt giảm lượng giống gieo sạ, phân thuốc; cơ giới hóa sản xuất…
Theo ông Định, trong giai đoạn tới để tăng lợi nhuận phải giảm chi phí đầu vào, tăng tỷ lệ cơ giới hóa, giống chất lượng, bảo quản sau thu hoạch, chế biến sâu…
Và để làm được điều này, ông Định cho rằng, phải có lộ trình, phải xác định khâu nào ưu tiên để kiến nghị Chính phủ tập trung đầu tư.
"Nguồn lực có giới hạn, nên phải xác định đâu là khâu ưu tiên để đầu tư và phải có lộ trình", ông Định cho biết.
Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 được triển khai từ năm 2016 với mục tiêu tổng quát nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh lúa gạo làm cơ sở đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người trồng lúa, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững và tham gia hiệu quả vào thị trường toàn cầu. Nhiều chỉ tiêu được đặt ra cho mốc năm 2020 như: đảm bảo lợi nhuận người trồng lúa hàng hóa đạt từ 30% tổng thu trở lên; tỷ lệ sử dụng giống xác nhận chiếm trên 75% diện tích tại vùng chuyên canh của Đồng bằng sông Cửu Long. Tại các vùng chuyên canh, diện tích liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn chiếm 20% trở lên. Diện tích áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt từ 50% diện tích gieo trồng trở lên, giảm 30% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật so với ban đầu, giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 8% và 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.