Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa đề nghị các khách hàng cảnh giác về chiêu thức lừa đảo như: làm giả thẻ tín dụng VPBank, chuyển phát theo đường bưu điện đến địa chỉ khách hàng và gọi điện, yêu cầu đóng phí bảo hiểm thẻ; giả danh nhân viên VPBank gọi điện thông báo khách hàng được giải ngân một khoản vay, yêu cầu khách hàng ra bưu điện đóng tiền bảo hiểm khoản vay và nhận bưu phẩm.
Đặc biệt, đối tượng lừa đảo gần đây còn giả danh các đối tác lớn của VPBank, mời chào khách hàng tham dự hội thảo, liên tục làm phiền khách hàng với các thông tin, sản phẩm liên kết.
Đại diện VPBank khẳng định: "Ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng nhận thẻ hay nộp bất kỳ loại thẻ nào tại các bưu cục. VPBank cũng không bao giờ cung cấp thông tin của khách hàng cho bất kỳ đối tác liên kết nào".
Trong những cận Tết Nguyên đán 2021, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng đã phát đi thông báo khuyến cáo khách hàng cảnh giác với chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản đang gia tăng trong mùa mùa sắm cuối năm.
Techcombank cho biết, đây là những phương thức lừa đảo đã cũ, nhưng gần đây xuất hiện trở lại như: khách hàng có thể nhận được tin nhắn SMS có gắn đường link website yêu cầu khai báo thông tin cá nhân; thông báo về việc ngân hàng yêu cầu cập nhật phần mềm, kèm theo đường link cập nhật.
Để đảm bảo an toàn cho tài khoản,Techcombank khuyến cáo: "Khi truy cập vào đường link trong SMS, khách hàng sẽ được dẫn tới trang web giả mạo có logo của ngân hàng và được yêu cầu nhập các thông tin xác minh danh tính và tài khoản ngân hàng điện tử. Nếu thực hiện các bước trên, thông tin cá nhân của người dùng rất có thể đã bị đánh cắp, đối tượng lừa đảo sẽ dùng thông tin đó để chiếm đoạt tài khoản".
Tại Vietcombank, ngân hàng này cũng cho biết, thời điểm cận Tết Nguyên đán hằng năm luôn là thời điểm khách hàng có nhu cầu giao dịch tăng cao đột biến, đặc biệt là các giao dịch mua sắm trực tuyến. Đây cũng là thời điểm mà các hoạt động gian lận, lừa đảo tài chính diễn ra phức tạp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Đối tượng lừa đảo có thể tìm cách lấy cắp các thông tin dịch vụ ngân hàng của khách hàng, từ đó truy cập và chiếm đoạt tiền từ tài khoản. Một số thủ đoạn phổ biến đã được ghi nhận như: Giả mạo website/Fanpage của ngân hàng và gửi đường link giả mạo để khách hàng nhập thông tin; Lừa khách hàng cài đặt phần mềm gián điệp; Giả danh nhân viên ngân hàng, tòa án, cảnh sát… và yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin…
Nhà băng này nhấn mạnh, Vietcombank không bao giờ gửi đường link hoặc liên hệ với khách hàng để yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật dưới mọi hình thức. Vì vậy, các yêu cầu cung cấp thông tin (nếu có) đều là giả mạo, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin khi nhận được các yêu cầu này.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, các chiêu thức giả mạo, lừa đảo không mới vì đã được nhiều ngân hàng, cơ quan điều tra cảnh báo từ lâu, thế nhưng vẫn có nhiều người bị sập bẫy.
Vì vậy, người dùng phải nâng cao cảnh giác, đặc biệt với những cuộc điện thoại lạ tự xưng người của ngân hàng hay công an. Còn với việc thẻ tín dụng cũng phải bảo quản kỹ, không cung cấp thông tin và thanh toán qua các đường link, trang web lạ vì dễ bị gặp trang web giả mạo.
"Các ngân hàng không bao giờ yêu cầu người dùng cung cấp mật mã truy cập, mã OTP, mật khẩu Internet Banking qua điện thoại… Tương tự, cơ quan điều tra cũng không bao giờ yêu cầu đối tượng đang bị điều tra làm theo các yêu cầu như chuyển tiền, cung cấp thông tin qua điện thoại. Nếu nhận được những yêu cầu này nghĩa là có kẻ gian đang tìm cách lừa đảo để chiếm đoạt thông tin hay tiền của mình", ông Hiếu chia sẻ nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.