Tết Tân Sửu: Chuyện lì xì thời công nghệ số

Huyền Anh Thứ năm, ngày 11/02/2021 09:00 AM (GMT+7)
Người Việt quan niệm, lì xì tượng trưng cho những điều may mắn, cầu mong mọi sự bình yên, hạnh phúc thuận lợi trong năm mới. Vì vậy, khi tết đến xuân về, bao lì xì (hay còn gọi là mừng tuổi) luôn được trao gửi với những lời chúc may mắn, tốt đẹp… Tuy nhiên, giờ đây, công nghệ đang làm thay đổi truyền thống này.
Bình luận 0

Tương truyền: Có vợ chồng nhà nọ ngoài 50 tuổi mới sinh được một mụn con trai. Tết năm ấy, có 8 vị tiên dạo qua nhà biết rằng chú bé này sẽ gặp họa với yêu quái nên biến thành 8 đồng tiền đồng, cha mẹ chú đem gói vào một mảnh giấy đỏ, đặt bên cạnh gối đứa bé. Khi con quái vật đến, những đồng tiền lóe lên khiến con quái vật hoảng sợ phải bỏ chạy. Từ đó, lì xì được coi như "lá bùa" trừ tà ma, yêu quái trong đêm giao thừa. Tục lệ lì xì đầu năm mới trở thành phong tục tốt đẹp của người dân châu Á, được lưu giữ đã bao đời…

Lì xì trong thời đại 4.0

Đối với người Việt, bắt đầu từ thời khắc giao thừa chính thức bước sang năm mới đến khi hết tết, những người lớn tuổi trong gia đình sẽ phát lì xì mừng tuổi cho con cháu để lấy may, kèm theo là lời chúc làm ăn phát đạt, tấn tới, học hành giỏi giang, ngoan ngoãn. Con cháu cũng biếu ông bà, cha mẹ những phong lì xì đỏ thắm để chúc sức khỏe và trường thọ. Những người tới chơi cũng được nhận lì xì từ chủ nhà hoặc ngược lại. Số tiền lì xì dù ít hay nhiều đều được coi là món quà tinh thần trong dịp đầu năm mới, là những thông điệp mà nó muốn gửi gắm tới người được nhận.

Tatnien/ Chuyện lì xì thời công nghệ số - Ảnh 1.

Lì xì tượng trưng cho những điều may mắn, cầu mong mọi sự bình yên, hạnh phúc thuận lợi trong năm mới. Ảnh: T.L

Về bản chất, hình thức lì xì online cũng là một giao dịch chuyển tiền điện tử. Khi cảm nhận những điểm cộng về mức độ thuận tiện, tốc độ giao dịch cũng như tính an toàn, bảo mật của ví điện tử thì người dùng sẽ không ngần ngại sử dụng dịch vụ này.

Với những người đi xa, không kịp trở về nhà dịp tết để đoàn viên, việc nhận được một phong bao lì xì chứa đựng yêu thương lại là một sự chia sẻ, động viên.

Nhưng đó là tết xưa. Với tết nay, không cần phải sử dụng tiền mặt và thậm chí ngay cả ở xa, bạn cũng có thể lì xì mừng tuổi người thân hay bạn bè thông qua tính năng lì xì online từ các dịch vụ ví điện tử của các trung gian thanh toán, các ngân hàng thương mại...

Tức là, thay vì "trao tay tiền mặt", lì xì được chuyển từ smartphone này sang smartphone khác một cách đơn giản. Theo đó, chỉ cần lướt điện thoại, nhập số tiền, chọn thiệp, viết câu chúc... là có thể lì xì cho người thân, bạn bè ở bất cứ nơi đâu trên lãnh thổ Việt Nam. Đây được xem là xu hướng lì xì mới trong thời đại bùng nổ thanh toán không dùng tiền mặt.

Thậm chí, người dùng còn có thể chọn kèm những câu chúc, tấm thiệp với phong cách vui tươi, hóm hỉnh để ngày đầu năm thêm may mắn.

Trên thực tế, kể từ năm 2018, liên tiếp những ngân hàng lần lượt bổ sung tính năng lì xì online trên các ứng dụng của mình. Cùng với đó, một số nhà mạng di động cũng hỗ trợ thuê bao lì xì trực tuyến bằng cách chuyển tiền cho số điện thoại di động như: Viettel, MobiFone...

Không cần sử dụng tiền mặt hoặc tốn thời gian chuẩn bị tiền mới, người dùng cũng có thể chọn lì xì ngay cho người thân thông qua các ứng dụng ví điện tử như MoMo, ZaloPay, Appota…

Giới ngân hàng nhấn mạnh, lợi thế lớn nhất của lì xì điện tử là lựa chọn được các con số ưa thích, không giới hạn về địa lý, khoảng cách, thời gian. Đi du lịch vẫn lì xì được cho người thân ở nhà... Hiện các ví điện tử, ứng dụng thanh toán của ngân hàng thương mại đáp ứng tốt nhu cầu lì xì thời công nghệ này, nhất là với các món thanh toán nhỏ lẻ.

Nở rộ lì xì... điện tử, truyền thống có dần mai một?

Việt Nam không phải là nước đầu tiên hướng đến xu hướng lì xì qua ví điện tử, mà các nước khác trên thế giới như Trung Quốc cũng có phong tục mừng tuổi mỗi khi tết đến xuân về, đã triển khai hình thức này trong vài năm trở lại đây và được người dùng đón nhận. Đơn cử như ứng dụng Wechat của Tencent ra mắt chức năng lì xì trực tuyến, liên kết với Wechat Pay từ năm 2014.

Tatnien/ Chuyện lì xì thời công nghệ số - Ảnh 3.

Một số ứng dụng lì xì điện tử nở rộ trong 3 năm gần đây. Ảnh: H.A

Nhìn một cách tổng thể, cách đón tết nay và tết xưa của người Việt dù có thay đổi, nhưng bằng cách này hay cách khác thì lì xì vẫn sẽ là một nét văn hóa đẹp và không thể thiếu trong Tết cổ truyền của người Việt Nam.

Một số ví điện tử còn hỗ trợ lì xì bằng cách quét mã QR (mã phản ứng nhanh) giúp người dùng trực tiếp gửi tiền lì xì cho nhau. Cụ thể, các bao lì xì sẽ được tích hợp QR code, cho phép người dùng vẫn tặng nhau các bao lì xì truyền thống, trong khi số tiền sẽ chuyển qua ví điện tử.

Trong một tuyên bố giữa tháng 1/2021, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) cũng đã khuyến khích người dân Singapore lựa chọn lì xì điện tử vào dịp Tết Nguyên đán, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang bùng phát khó kiểm soát tại quốc gia này.

MAS cho biết: "Chúng sẽ giúp giảm số lượng tiền giấy phải phát hành phục vụ đợt Tết Nguyên đán và thân thiện hơn với môi trường. Hiện nay có rất nhiều ứng dụng cung cấp dịch vụ lì xì điện tử đã được xây dựng".

MAS cũng nói thêm rằng chuyển sang tiền kỹ thuật số sẽ giúp hỗ trợ các biện pháp quản lý an toàn hiện đang được áp dụng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khi mọi người cần phải hạn chế tiếp xúc và thăm hỏi nhau trong dịp Tết Nguyên đán. MAS cho biết: "Lì xì điện tử sẽ cho phép tặng quà từ xa thông qua nhiều hình thức thăm viếng khác nhau, bao gồm cả các cuộc tụ họp ảo".

Tại Việt Nam, theo khẳng định của các chuyên gia, lì xì online sẽ trở nên phổ biến bởi tính tiện lợi, an toàn và đặc trưng Tết cổ truyền. Ngoài ra, hình thức này phù hợp với chủ trương thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ.

"Lì xì truyền thống và lì xì qua ví điện tử sẽ song hành cùng nhau trong các năm tới. Với lì xì điện tử, tập quán truyền thống tốt đẹp này không chỉ không bị mai một mà còn giúp lưu giữ truyền thống theo cách "văn minh, hợp thời". Đối tượng của lì xì online sẽ là nhóm người hoàn toàn riêng biệt, đó sẽ là tập giới trẻ và nhân viên văn phòng, những người sở hữu điện thoại di động thông minh, có khả năng thanh toán và luôn đón đầu các xu hướng mới. Bên cạnh đó, lì xì online hạn chế những phiền toái của việc đổi tiền lẻ, tiền mới vào các dịp năm mới" - một chuyên gia tài chính nêu quan điểm.

"Cứ nghĩ lì xì thì phải nhận tiền tươi, thóc thật mới thú vị nhưng thực tế cảm giác mở tin nhắn ví điện tử, những lời chúc phát lộc hay số tiền biểu trưng cho sự phát đạt, cũng vui lắm!. Ngoài hình thức lì xì trao tay như trước đây, lì xì điện tử với tôi cũng rất có ý nghĩa" - anh Ngô Thanh Đức (Đống Đa, Hà Nội) cho hay.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cách lì xì truyền thống vẫn là vô giá. "Cá nhân tôi nghĩ rằng dù công nghệ có tiên tiến đến đâu, lì xì truyền thống vẫn là hình thức biểu trưng đắt giá nhất cho năm mới" - ông Lê Hồng Thanh (TP.Thái Bình) nói.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Bá Diệp - Phó Chủ tịch, đồng sáng lập Ví MoMo -) thừa nhận, lì xì là một trong những phong tục rất đẹp của người Việt Nam gắn liền với đồng tiền, lại là hoạt động mang tính thông lệ vào mỗi dịp Tết âm lịch. Với lì xì điện tử, phong tục tốt đẹp của người Việt trong ngày tết sẽ không còn cứng nhắc như cách "trao tay tiền mặt" như trước đây những vẫn mang đầy đủ ý nghĩa. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem