Thái Nguyên: Dừng chân thưởng thức loại chè ngon cực phẩm ở Hương Vân Trà
Thái Nguyên: Đến Thủ đô chè Việt Nam, chớ quên dừng chân thưởng thức loại chè ngon cực phẩm của chị Vân
Huệ Đinh
Thứ sáu, ngày 04/12/2020 13:44 PM (GMT+7)
Dừng chân ở không gian thưởng trà của HTX chè Hương Vân ở tổ 11, phường Đồng Quang (TP.Thái Nguyên, Thái Nguyên), chúng tôi thấy lòng mình ấm lại khi được nhấp ngụm nước chè Tân Cương sóng sánh, thơm ngát, nóng hổi.
Ở nơi thành phố tấp nập này, thật hiếm để tìm được một không gian thưởng trà nào khoáng đạt như Hương Vân Trà. Và điều khiến chúng tôi bất ngờ hơn khi biết đây cũng là nơi cung cấp sản phẩm chè được sản xuất theo chuỗi giá trị.
Gian nan ngày khởi nghiệp
Khi chia sẻ với chúng tôi về những gian nan ngày đầu khởi nghiệp, chị Nguyễn Thị Hương Vân - Giám đốc HTX cho biết: Hơn 20 năm trước, chị kinh doanh sản phẩm chè Tân Cương với quy mô nhỏ lẻ. Không sinh ra và lớn lên ở vùng chè, thời điểm mới bắt tay vào kinh doanh, chưa có nhiều kinh nghiệm nên chưa phân biệt được thế nào là chè ngon, thế nào là chè không ngon. Bởi thế, khi mua phải chè cấp thấp với giá cao, chị chấp nhận lỗ hơn một nửa số vốn bỏ ra. Cả những lúc giá bán chè bấp bênh, cũng phải chịu nhiều thua lỗ. Sau một thời gian, chị từ bỏ chè để tìm hướng kinh doanh khác. Nhưng cuộc đời giống như một vòng tròn vậy, quay đi, quay lại, cuối cùng tôi thấy mình mang quá nhiều "duyên nợ" với cây chè. Bởi thế, chị lại quay về toàn tâm, toàn ý phát triển mạng lưới kinh doanh chè đến khắp nơi trong nước và sau này là ra một số nước trên thế giới như: Séc, Anh, Pháp, Đức…
Ban đầu, chị Vân chỉ làm "hàng xáo", nghĩa là vào vùng chè Tân Cương, thu mua chè của các hộ dân rồi về bán cho khách. Lâu dần, chị nhận ra rằng, làm theo cách này phải phụ thuộc rất nhiều vào người sản xuất. Thêm nữa ở thời điểm đó, người dân Tân Cương vì ham năng suất, thu hái cả những lá chè đã già nên những sản phẩm chè làm ra không đáp ứng được thị hiếu của những khách hàng khó tính.
"Chè Tân Cương vốn đã nức tiếng từ bao đời nay bởi hương thơm, vị đượm. Tuy nhiên, để yên tâm về chất lượng thì sản phẩm sản xuất theo chuỗi giá trị của Hương Vân Trà chính là sự lựa chọn "số một" cho những người tiêu dùng thông thái. Đây chính là lý do để mỗi lần đến Thái Nguyên, tôi đều tìm đến Hương Vân Trà mua chè về thưởng thức và biếu người thân".
Chị Lê Hoàng Cúc -
một du khách đến từ Hà Nội
Cùng từ những kinh nghiệm thực tế ấy, khoảng 10 năm trước, chị Vân bắt đầu tìm hiểu về thật kỹ về cây chè, từ quy trình trồng, chăm bón, thu hái, chế biến. Rồi chị mạnh dạn liên kết với 20 hộ dân ở vùng chè Tân Cương để xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất chè. Với mục tiêu mang đến cho người thưởng chè những sản phẩm an toàn, chất lượng, chị yêu cầu bà con phải sản xuất chè theo quy trình VietGAP, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Từ sự liên kết này, chị đã mang đến cho người yêu thích ẩm thực trà những sản phẩm có giá bán tương xứng với chất lượng.
Đầu năm 2019, chị dành nhiều thời gian, công sức đầu tư không gian thưởng trà vừa mang phong cách truyền thống kết hợp với yếu tố hiện đại pha chút "độc, lạ" có thể đáp ứng được nhu cầu của thực khách: Hương Vân Trà.
Anh Dương Văn Đạt - khách hàng thường xuyên đến đây thưởng trà cho hay: Tôi rất thích không gian thưởng trà ở đây. Mỗi khi ngồi thưởng thức chén trà thơm ngát, tôi thấy tâm hồn mình thanh thản, dường như quên đi hết những bộn bề, ồn ã của "thế giới" ngoài kia.
Tiên phong sản xuất chè theo chuỗi
Giờ đây, Hương Vân Trà không chỉ mang dấu ấn của một không gian trà độc đáo mà còn là cơ sở đầu tiên của tỉnh sản xuất chè theo chuỗi giá trị.
Theo chân những người nông dân đến vùng chè nguyện liệu rộng 15ha của HTX chè Hương Vân. Trò chuyện cùng các hộ dân ở đây, khi nhắc đến chị Vân, mọi người thường dành cho chị những "lời có cánh".
Chị Vân là người khá mạnh dạn khi quyết định sản xuất chè theo chuỗi giá trị (từ năm 2017). Bởi để sản xuất theo chuỗi phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu như: Đảm bảo quy trình sản xuất trồng trọt; quy trình sản xuất chế biến; có kênh tiêu thụ sản phẩm. Và để đáp ứng các yêu cầu này, HTX phải hướng dẫn người trồng chè kỹ thuật sản xuất đạt hiệu quả kinh tế, giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng tiếp cận với công nghệ, nguồn lực sản xuất và thị trường mới, tăng vị thế khả năng cạnh tranh. Tiếp đó, đơn vị phải trở thành cầu nối để liên kết nông dân với nhau. Từ đó, tạo ra nguồn nguyên liệu sạch, thu hái, chế biến, bảo quản đúng kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu thị tường tốt hơn.
Cây chè đã trở thành biểu tượng mang tâm hồn xứ Thái, được nhiều người thưởng trà trong và ngoài nước biết đến như một thứ đặc sản quý. Và trong thành quả ấy có sự góp phần của người phụ nữ nhỏ bé - Nguyễn Thị Hương Vân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.