Ngày 14/4, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết Chủ tịch UBND tỉnh này vừa có văn bản số về việc tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh trước tình trạng "sốt" đất diễn ra khắp nơi.
Văn bản nêu, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh (tập trung chủ yếu tại TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Nghi Sơn và các huyện: Quảng Xương, Hoằng Hóa, Đông Sơn, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Như Thanh...) đã và đang xuất hiện một số nhà đầu tư, người môi giới bất động sản.
Họ lợi dụng các thông tin về quy hoạch, nâng cấp hệ thống hạ tầng và việc triển khai các dự án lớn, trọng điểm... để tung tin đồn thổi, mua đi bán lại bất động sản.
Họ còn lôi kéo người dân tham gia theo tâm lý đám đông vào các giao dịch bất động sản bằng hình thức đặt cọc, góp vốn, mua bán, gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá bất động sản lên cao để trục lợi. Từ đó, tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro, ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng khi tham gia hoạt động giao dịch bất động sản.
Nhằm minh bạch, tránh hiện tượng bong bóng, sốt ảo, thổi giá đất để trục lợi, UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, TP và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản tiếp tục thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn...
Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ đạo các địa phương, sở ngành cần tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông... gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội tại địa phương và đời sống của người dân; xử lý nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán, giao dịch bất động sản, quyền sử dụng đất có vi phạm pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan.
Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp với các chủ đầu tư, các cơ quan báo chí để công bố thông tin rộng rãi về các dự án trên các phương tiện truyền thông để người dân nắm bắt các thông tin chính xác về các quy định cụ thể của pháp luật; cảnh báo cho người dân đề cao cảnh giác về các hành vi mua bán không lành mạnh, các thông tin sai sự thật, tránh rủi ro, thiệt hại kinh tế phát sinh khi người dân thực hiện các giao dịch.
Trước đó, để hạn chế giá đất tăng “ảo”, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) tiếp tục ra văn bản khuyến cáo người dân.
Theo đó, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND huyện về công tác quản lý đất đai trên địa bàn quản lý, đảm bảo dúng theo đúng các chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện và các quy định pháp luật. Công khai tại trụ sở UBND xã thị trấn về các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bảng giá đất hàng năm của huyện Văn Đồn và bảng giá đất cụ thể đang thực hiện bồi thường, GPMB các dự án trên địa bàn đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Tập trung tuyên truyền, công khai bằng các hình thức phù hợp cho người dân về quy hoạch, tình trạng pháp lý của dự án đang triển khai trên địa bàn, thông báo tới nhân dân biết các dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn, chưa đủ điều kiện được bán nhà ở hình thành trong tương lai; đồng thời cảnh báo người dân cảnh giác trước các cơn "sốt" đất ảo trên địa bàn.
Chỉ đạo các cán bộ chuyên môn thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ thuộc lĩnh vực chuyên môn phụ trách, không để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, phức tạp; phối hợp với các phòng ban chuyên môn của huyện cung cấp kịp thời thông tin về quy hoạch, thủ tục pháp lý, tiến độ triển khai... của các dự án kinh doanh hạ tầng đất ở, nhà ở đến các thôn, khu để tuyên truyền, công khai, đăng tải thông tin cho các tổ chức, cá nhân được biết.
“Chủ tịch UBND các địa phương có trách nhiệm chỉ đạo kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện và trước pháp luật nếu để phát sinh tình trạng tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, giao, cho thuê, đầu thầu đất trái quy định, xây dựng nhà ở, công trình trái phép trên đất nông nghiệp... Tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm nghiêm cấm việc lấn chiếm đất đai, xây dựng nhà trái phép, mua, bán chuyển nhượng đất đai không đúng quy định, đặc biệt là việc chuyển nhượng đất trái phép cho người nước ngoài trên địa bàn” – Văn bản nêu rõ.
"Sốt" đất có thể do có bàn tay của nhóm đầu tư có "máu mặt"
Trả lời báo chí, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, thị trường bất động sản "nóng sốt" có thể là do có bàn tay của một nhóm nhà đầu tư có “máu mặt”.
Họ có thể là những người mua trước, đặt cọc rồi tạo sóng lên để lướt cọc. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra một số tiền để mua cọc ở những miếng đất nhỏ, sau đó bán lại kiếm lời. Đến thời điểm cảm thấy thị trường đủ nóng, họ bắt đầu thoát hàng, những người vào sau dễ rơi vào cảnh “ôm bom”.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng nhìn nhận rằng, đây thực chất là cuộc chơi của nhóm “đội lái” - hnững người có tài chính và nắm bắt các thông tin nhanh nhạy hơn, sớm hơn. Họ là những người tạo ra cơn sốt đất, đẩy giá đất đạt đỉnh chốt lời rồi rút lui. Những người nhảy vào sau cùng dễ “chết chìm” cùng tài sản của mình.
Trước sự nhiễu loạn của thị trường bất động sản, cả Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Xây dựng đồng loạt gửi công văn cho các địa phương, yêu cầu tăng cường, chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về giá đất. Trong đó, các bộ nhấn mạnh việc kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản, bảo đảm hoạt động này tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
Đồng thời, để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin, tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất, giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính, Bộ yêu cầu địa phương công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch và có biện pháp quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.