Ghìm cơn sốt đất, chờ ngân hàng “ra tay”

Huyền Anh Thứ hai, ngày 12/04/2021 06:00 AM (GMT+7)
“Cơn sốt đất” đã và đang xảy ra ở nhiều địa phương. Nhiều nơi, người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư bất động sản. Tăng trưởng tín dụng bất động sản tăng cao hơn mức tăng trưởng chung toàn ngành. Tiền gửi tiết kiệm cũng được rút ra để đầu tư nhà, đất.
Bình luận 0

Anh N.V.T (Hoài Đức, Hà Nội), cho biết vừa cầm cố sổ đỏ tại một ngân hàng để vay 400 triệu đồng, gom đủ tiền mua mảnh đất ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức (Hà Nội) do lãi suất đang rất "dễ thở" chỉ 6,6%/năm.

Tiền gửi tiết kiệm "rót" vào bất động sản

"Lãi suất vay mua nhà, đất của các ngân hàng hiện nay cũng đã thấp hơn trước rất nhiều nên gia đình vẫn quyết định vay ngân hàng để đầu tư. Hiện tôi mua đất giá gần 30 triệu đồng/m2, mấy nữa Hoài Đức lên quận thì chắc chắn giá đất ở đây còn tăng. Nếu không vay tiền mua ngay thời điểm hiện tại, có khi đến lúc đó giá vừa đắt mà lại chưa chắc lãi suất vay mua nhà, đất rẻ như bây" - anh N.V.T chia sẻ.

Ghìm cơn sốt đất, chờ ngân hàng “ra tay”  - Ảnh 1.

Người dân tìm hiểu dự án tại Phú Quốc để đầu tư nhà, đất (ảnh minh họa). Ảnh: R.T

Hệ quả của sốt đất là đông đảo người thu nhập trung bình và thấp bị mất cơ hội mua nhà vì mặt bằng giá đẩy lên quá cao. Sốt đất, người dân cũng sẵn sàng bán đất nông nghiệp - vốn là tư liệu sản xuất hàng ngày. Sau đó khi cơn sốt đi qua, họ không biết làm gì để có thêm thu nhập...

Thất vọng với kênh gửi tiết kiệm dù an toàn nhưng sinh lời thấp, anh T.B (Thủ Đức, TP.HCM) rút gần 2 tỷ đồng trong tài khoản tiết kiệm và vay thêm từ ngân hàng 500 triệu đồng để "rót" vào một căn chung cư tại nơi mới lập thành phố này. "Gửi tiết kiệm hiện nay 1 năm còn chưa nổi 200 triệu tiền lãi, không đủ để mua 1 góc chung cư. Ngược lại vay mua nhà, đất từ ngân hàng, lãi suất hiện tương đối mềm nên tôi quyết định chuyển hướng đầu tư từ gửi tiết kiệm ngân hàng sang đầu tư bất động sản" - anh B nói.

Đến lúc cần thay đổi cơ chế tín dụng

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ KHĐT, đã bày tỏ lo ngại rằng nguồn vốn tập trung vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, như bất động sản, trái phiếu, cổ phiếu… Theo ông Dũng, lãi suất ở mức thấp nên dòng tiền đang có xu hướng đầu tư vào thị trường bất động sản.

Đồng quan điểm, TS Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế nhìn nhận, nguyên nhân "sốt đất" phải kể đến việc lãi suất thấp, tín dụng rẻ dư thừa thì chắc chắn dồn sang các kênh đầu tư rủi ro cao hơn nhưng tỷ suất lợi nhuận tốt hơn như bất động sản, chứng khoán.

TS Nguyễn Mạnh Hào của Trường ĐH Lincoln (Anh), đánh giá lãi suất thấp sẽ kích thích các hoạt động đầu cơ rủi ro ngoài sản xuất làm tăng bong bóng tài sản. Hơn nữa chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại không thực sự bao trùm nền kinh tế và dường như mới chỉ giúp các doanh nghiệp lớn, còn các doanh nghiệp nhỏ vẫn còn khó khăn do mất thị trường.

"Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán chưa phản ánh sự thịnh vượng của nền kinh tế. Nếu chính sách tiền tệ nới lỏng tiếp tục được duy trì như hiện tại hoặc nới lỏng thêm với mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng, tôi nghĩ cái giá phải trả sẽ là các hoạt động đầu cơ ngoài sản xuất, bong bóng tài sản và rủi ro nợ xấu trong hệ thống ngân hàng những năm tới" - ông cảnh báo.

Ở góc nhìn của mình, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM đã chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng sốt đất cục bộ là do các ngân hàng gia tăng số dư nợ tín dụng. Trong quý đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng 2,13% nhưng tín dụng bất động sản lại tăng nhanh hơn mặt bằng chung. Nhiều ngân hàng thương mại đang chạy đua cho vay tiêu dùng, trong đó các gói cho vay bất động sản với lãi suất chỉ từ 4,99-10%/năm. Động thái này của các ngân hàng đã thúc đẩy người dân vay để đầu tư vào bất động sản.

Hệ quả của sốt đất là đông đảo người thu nhập trung bình và thấp bị mất cơ hội mua nhà vì mặt bằng giá đẩy lên quá cao. Sốt đất, người dân cũng sẵn sàng bán đất nông nghiệp - vốn là tư liệu sản xuất hàng ngày. Sau đó khi cơn sốt đi qua, họ không biết làm gì để có thêm thu nhập từ đó ảnh hưởng đến xã hội.

Theo các chuyên gia, các ngân hàng cần phải thay đổi cơ chế tín dụng dành cho lĩnh vực bất động sản. Bởi hiện nay, việc cho vay 70% giá trị tài sản bảo đảm có thể tạo cơ hội để nhà đầu tư vay mua lướt sóng nhiều hơn. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem