Huyền Anh
Thứ tư, ngày 14/04/2021 19:16 PM (GMT+7)
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: “Để phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, không bong bóng, đảm bảo an toàn vĩ mô, chúng tôi cho rằng ngoài việc thắt chặt dòng tiền của các tổ chức tín dụng thì cũng cần có chính sách đồng bộ của các bộ ngành chức năng đối với thị trường bất động sản”.
Trao đổi với phóng viên chiều 14/4, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, ngành ngân hàng luôn quan tâm và giám sát chặt chẽ dòng tiền vào lĩnh vực bất động sản.
Theo đánh giá của NHNN và thực tế triển khai tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tại các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát tốt để thực hiện mục tiêu những người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở tiếp cận được vốn và tránh việc đầu cơ bất động sản.
Trong 3 năm qua, tín dụng vào bất động sản có tín hiệu giảm xuống, đặc biệt trong năm 2020 do tác động của dịch Covid-19 tín dụng đổ vào bất động sản chỉ tăng 11,89%, trong khi năm 2018 và 2019 tăng 26-28%.
Bước sang năm 2021, tín dụng vào bất động sản tăng 3% trong 3 tháng đầu năm, gần tương đương với mức tăng tín dụng bình quân các ngành kinh tế (2,93%).
"So với cuối tháng năm 2020, tín dụng bất động sản có tăng cao hơn do tác động của dịch Covid-19 nhưng so với cùng kỳ năm 2018 và 2019 và các năm trước nữa thì mức tăng của tín dụng bất động sản không cao hơn và thậm chí còn thấp hơn. Tiêu biểu như năm 2019, hết tháng 3 tín dụng bất động sản tăng trưởng tới 5,13%", Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin.
Nói về nguyên nhân thị trường bất động sản "sốt" như trong thời gian qua, Phó Thống đốc cho rằng, tín dụng bất động sản không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tăng trưởng nóng của thị trường bất động sản thời gian qua.
Ông Tú phân tích, "Nguyên nhân của thị trường bất động sản tăng như nhiều chuyên gia và nhiều diễn đàn phân tích đánh giá là do các thông tin quy hoạch, yếu tố tâm lý và nhiều nguyên nhân khác nữa. Còn tín dụng như tôi đã đề cập ở trên, không phải là nguyên nhân gây ra tăng giá bất động sản. Trong suốt thời gian qua, NHNN luôn quan tâm và quán xuyến kiểm soát chặt dòng tiền vào lĩnh vực rủi ro nói chung, đặc biệt đối với tín dụng bất động sản nói riêng".
Siết chặt tín dụng thôi chưa đủ?
Nói về việc giám sát tín dụng đổ vào lĩnh vực bất động sản, ông Tú cho hay, NHNN đã hạn chế tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tối đa là 40%.
Thứ hai, áp dụng hệ số rủi ro 150% với các khoản vay có dư nợ trên 4 tỷ đồng mà cá nhân vay phục vụ nhu cầu tiêu dùng.
Bên cạnh đó, NHNN thường xuyên theo dõi giám sát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro. Đồng thời, cảnh báo kịp thời cho các tổ chức tín dụng để điều chỉnh kịp thời các khoản vay.
"Ngay như sáng 14/4, NHNN tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành đến các chi nhánh ngân hàng thương mại cũng như NHNN cho nhánh 63 tỉnh, thành phố; Và đặc biệt mời Chủ tịch, Tổng giám đốc NHTM trên toàn quốc để phân tích, đánh giá và cảnh báo tất cả các nguy cơ đối với hoạt động cho vay, nhất là bất động sản. Lĩnh vực bất động sản được phân tích một cách triệt để, nhận diện một cách đầy đủ với tốc độ tăng tín dụng hiện nay", Phó Thống đốc nói.
Phó Thống đốc cho biết, đã yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng cường quản lý việc cho vay đảm bảo đúng đối tượng, đảm bảo các quy định nhất là đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro. Theo dõi sát việc sử dụng vốn vay của khách hàng, tránh việc vay vì các lý do khác nhưng bản chất đầu tư vào bất động sản.
Bên cạnh đó quản lý chặt dòng tiền đảm bảo dòng tiền đi đúng vào lĩnh vực cần thiết, mục đích sử dụng của khoản vay.
Trong thời gian tới, việc điều hành tín dụng của NHNN tiếp tục bám sát những diễn biến vĩ mô, hướng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, kiểm soát dòng tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro và đảm bảo cho người dân, doanh nghiệp thực sự có nhu cầu được tiếp cận vốn để phục vụ mục tiêu phát triển và phục hồi kinh tế sau đại dịch.
"Để phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, không bong bóng, đảm bảo an toàn vĩ mô, chúng tôi cho rằng ngoài việc thắt chặt dòng tiền của các tổ chức tín dụng thì cũng cần có chính sách đồng bộ của các bộ ngành chức năng đối với thị trường bất động sản", ông Tú nêu quan điểm.
Đối nhà đầu tư, kể cả doanh nghiệp hay người dân là nhà đầu tư nhỏ lẻ với bất động sản thì cần nghiên cứu thị trường, nắm bắt các thông tin đầy đủ, nhất là các thông tin chính thống để đưa ra quyết định đầu tư một cách hợp lý, tránh trường hợp khi giá đất tăng thì nhiều người hay đổ xô đi mua còn khi thị trường trầm lắng thì lại đổ xô đi bán. Khi đó gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.