Thầy có ra thầy, trò có ra trò?

Trần Anh Tú Thứ năm, ngày 07/12/2023 07:48 AM (GMT+7)
Hôm nay, nhiều người lên mạng có thể lên án hành vi của những đứa trẻ lớp 6, lớp 7 kia hay lên án cô giáo. Nhưng không ai trong chúng ta thấy rằng mình cũng có lỗi trong những sự việc đau lòng như vậy. Làm ngơ thậm chí thỏa hiệp với cái ác, im lặng trước bạo lực chống lại thầy cô giáo.
Bình luận 0

Lại một vụ học sinh có hành vi vô lễ thậm chí vi phạm pháp luật nhằm vào người đang dạy bảo chính những học sinh này.

Việc học sinh ném dép vào cô giáo ở Tuyên Quang dù chưa gây hậu quả đáng tiếc là cô giáo bị thương tích hay kể cả không có chuyện cô giáo bị ngất xỉu như báo chí đăng nhưng cũng một lần nữa rung lên hồi chuông gay gắt về quan hệ thầy trò trong thời đại số.

Vài năm trở lại đây, mở mạng xã hội, vào các hội nhóm lớn từ ô tô xe máy đến tâm sự tuổi hồng, không khó để bắt gặp một tút (status) mắng ngành giáo dục, hay mỉa mai một cán bộ giáo dục nào đó kể cả người đứng đầu ngành Giáo dục...

Dân chủ mạng lên cao và ngành Giáo dục vốn "gần gũi" nhất với chúng sinh lại là đối tượng bị “bắt nạt” đầu tiên. 

Tất nhiên cũng không thể nói ngành Giáo dục "vô tội". Sự lộn xộn ngoài đường, sự băng hoại đạo đức hay thậm chí bạo lực học đường, đánh chửi thầy cô cũng một phần từ giáo dục mà ra. 

Cô bán BHYT theo lệnh nào đó, thầy gạ tình đổi điểm, quỹ lớp, quỹ trường đội cao như quỹ bình ổn xăng dầu, hiệu phó đánh hiệu trưởng... Những hình ảnh xấu xí đã làm các thầy cô mất dần sự tôn nghiêm trong mắt học trò.

Nhưng đó không phải là nguyên nhân duy nhất. Ngành Giáo dục cũng chỉ là một mắt xích trong hệ thống vốn nhiều cấp nhiều ngành. Cô thầy đi truyền thụ kiến thức - uyển ngữ của cụm từ bán chữ, ai cũng có gia đình cần chăm sóc, bao bọc, chu cấp. Không ai hít “nguyên tố hóa học có số nguyên tử là 8” hay đơn giản là khí oxy trong không khí rồi đi nói đạo lý được cả.

Còn theo nhiều người, nguyên nhân sự lộn xộn trong ngành giáo dục có một phần không nhỏ đến từ chính gia đình. Đa số chúng ta bỏ mặc con cái cho thầy cô như một dạng khoán trắng. Thành bại tại nhà trường cả. Nhưng lúc có sự cố thì nhiều phụ huynh chọn cách tự tin giải quyết bằng một chiếc phong bì mong mỏng. Còn nếu không “xử lý” được thì hoặc là hùng hổ đến đánh mắng hoặc là lu loa lên mạng xã hội...

Dần dà, hình ảnh thầy cô bị đánh hay thầy cô nhận phong bì trở thành quen thuộc. Cả với phụ huynh và với học sinh. Những tượng đài mô phạm ngày nào trở thành một dạng nhân sự trong chuỗi dịch vụ logistics kiến thức hay đơn giản là "shipper điểm số".

Nên cũng chẳng ngạc nhiên khi cô giáo được cho là ở Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang bị học trò ném dép giữa lớp. Lớp học hay rộng hơn là ngành giáo dục không còn là ngôi đền thiêng bất khả bạo lực nữa. Giờ đây, có lúc, ở nhiều nơi, nó chẳng khác nào một cái chợ...

Nếu có ngạc nhiên thì tôi hơi bất ngờ với phản ứng của các cơ quan liên quan. Liên tục những thông tin “không tốt” về cô giáo. Nào là từng nhiều lần có phát ngôn "chợ búa", không chuẩn mực khi giao tiếp với học sinh. Nào là mới bị trường cảnh cáo… 

Những phát ngôn làm người nghe bắt buộc phải nghĩ đến câu nói của người xưa “Không có lửa làm sao có khói”. Thậm chí có báo còn tường  thuật ý kiến của lãnh đạo xã đại ý, hôm đó cô có hành vi hay phát ngôn chưa phù hợp nên các em phản kháng thiếu chuẩn mực. Phát ngôn chưa phù hợp thì chưa rõ nhưng ném dép và văng bậy không thể được gọi là “phản kháng thiếu chuẩn mực”.

Nhưng dù thế nào thì một giáo viên trong giờ giảng hay đang hoạt động nghề nghiệp theo nhiệm vụ được giao trong cơ sở giáo dục bị học trò dùng dép ném, dùng những lời lẽ thiếu văn minh là điều không thể chấp nhận được. Không thể lấy lý do cô giáo “mới bị cảnh cáo” để xoa dịu hay biện minh cho những hành vi vô nhân tính của những đứa trẻ vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Người đứng đầu ngành Giáo dục từng nhắn nhủ tại lễ tuyên dương điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội năm 2023 rằng, nhiệm vụ của ngành Giáo dục, với mỗi trường học cần ba chữ "an": Học trò đến trường phải được an toàn, thầy, cô giáo làm việc phải được an lành, phụ huynh đưa con đến trường cần được an tâm.

Nhưng thầy cô không thể an được khi họ phải một mình chống đỡ với những trò quậy phá của học sinh, với sự dửng dưng của “những người có trách nhiệm” hay những bình luận ác ý trên mạng xã hội. Đầu tháng 11, mạng xã hội cũng từng dậy sóng về một cô giáo quên tháo buộc tóc cho học sinh nên bị phụ huynh bóc phốt, khiếu nại lên nhà trường khiến cô mất việc. 

Thầy cô đang cô đơn trong sự nghiệp trồng người khi mà ngoài chửi tục, dép, ghế thì học trò còn được trợ giúp bằng những chiếc smartphone 5 inches. Chỉ một sự lỡ lời, một hành vi bột phát… là thầy cô “sáng nhất cõi mạng”. Không có bất cứ nghề nào như nghề giáo khi mỗi ngày đến lớp lại mang theo tâm trạng lo sợ, một giáo viên từng tâm sự với báo chí như vậy.

Trở lại câu chuyện quan hệ thầy trò. Hôm nay, nhiều người lên mạng có thể lên án hành vi của những đứa trẻ lớp 6, lớp 7 kia hay lên án cô giáo. Nhưng không ai trong chúng ta thấy rằng mình cũng có lỗi trong những sự việc đau lòng như vậy. Làm ngơ thậm chí thỏa hiệp với cái Ác. Im lặng trước bạo lực chống lại thầy cô giáo. 

Rồi chúng ta tự nhủ nền giáo dục này nát lắm rồi. Rồi tìm mọi cách kiếm tiền để đi "tị nạn giáo dục". Rồi lên mạng chửi nền giáo dục. Chúng ta, các bậc phụ huynh đang hành xử như người vô can.

Chúng ta đòi hỏi thầy cô phải hy sinh nhưng không yêu cầu học sinh vào khuôn khổ. Thầy có ra thầy không khi trò chẳng ra trò?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem