Thể nghiệm mới kết hợp cải lương và xiếc có làm khó các nghệ sĩ?

Thanh Hà Thứ sáu, ngày 18/09/2020 15:20 PM (GMT+7)
Lần đầu tiên trong lịch sử, vở diễn "Cây gậy thần" được kết hợp với 100 nghệ sĩ, diễn viên xiếc và cải lương. Nhiều ý kiến cho rằng đây là bài toán khó cho các nghệ sĩ khi kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại.
Bình luận 0

Thử nghiệm để tạo sân khấu mới, nghệ thuật mới

Thể nghiệm mới kết hợp giữa cải lương và xiếc có làm khó các nghệ sĩ?  - Ảnh 1.

Đạo diễn, NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ tại buổi họp báo ngày 18/9. Ảnh: T.H

Ngày 18/9, Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam tổ chức họp báo công bố lễ khởi công vở diễn "Cây gậy thần" với sự tham gia của 100 nghệ sĩ, diễn viên cải lương và xiếc.

"Cây gậy thần" là tác phầm đầu tiên trong dự án nghệ thuật chung của Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam. Dự án "Huyền sử Việt" sẽ gồm 4 tác phẩm ca ngợi công đức của 4 vị thánh "Tứ bất tử" trong tín ngưỡng tâm linh nguyên thuỷ của người dân Việt Nam, là Chử Đồng Từ, Mẫu Liễu Hạnh, Tản Viên Sơn Thánh và Thánh Gióng. 

Vở diễn "Cậy gậy thần" là vở đầu tiên kết hợp của hai đơn vị nghệ thuật này. Vở diễn sẽ được kết hợp giữa các yếu tố truyền thuyết mang đậm màu sắc huyền ảo của cây gậy thần do các nghệ sĩ xiếc đảm nhận và yếu tố diễn xuất, hát được các diễn viên cải lương diễn. 

Sự kết hợp này hứa hẹn tạo nên một vở diễn độc đáo, thấm dẫn nhân văn nhưng lại đan xen tính giải trí cao bởi bàn tay dàn dựng và đạo diễn NSND Trung Kiên, NSND Tống Toàn Thắng, biên đạo múa - NSƯT Thành Nam, thiết kế mỹ thuật NSƯT Doãn Bằng, sáng tác âm nhạc NSND Đào Trung, các diễn viên tham gia có NSND Thanh Thanh Hiền cùng 100 nghệ sĩ, diễn viên của hai nhà hát.

Chia sẻ tại về sự kết hợp này, NSND Tống Toàn Thắng cho biết: "Tôi nghĩ, thông qua nội dung và chuyển tải ngôn ngữ cải lương, những nghệ sĩ xiếc chúng tôi sẽ minh họa cho những lời ca, nhân vật bằng những kỹ xảo, kỹ năng, sự liên kết cho khán giả. Chúng tôi muốn tạo ra một sân chơi mới cho nghệ sĩ của 2 nhà hát, có sự chia sẻ với nhau về kỹ năng, nghệ thuật, trau dồi riêng kỹ năng cho từng loại hình, và đặc biệt là đáp ứng yếu tố giải trí. Đây là cơ hội mang đến cho khán giả một hình thức nghệ thuật mới, một sân khấu mới".

Theo NSND Tống Toàn Thắng, đây là vở diễn được Bộ VHTTDL đặt hàng nên kinh phí đầu tư không nhiều, nhưng các nghệ sĩ vẫn cho khán giả thấy sự đầu chính đáng cho nghệ thuật, sự khác biệt của chất lượng nghệ thuật. 

"Chúng tôi tạo thành sân khấu lập thể, diễn viên diễn ngay trong phần khán giả, cùng hòa vào khán giả, diễn 4 chiều sân khấu, các chiều tạo ra tương tác cho nghệ sĩ. Chúng tôi sẽ không để vở diễn có những khoảng chết, mà chúng tôi sẽ chuyển cảnh, hướng khán giả, để xử lý các màn tiếp theo của vở diễn, tiết tấu liên tục. 

Ví dụ như có sân khấu trên cao, như màn thu phục cây gậy thần, tạo ra những ép phê của kỹ xảo ảo thuật, những biến hóa khi lạc tướng bị quỷ nhập, giết người dân, thân 2 người rời ra được nối lại sẽ được các nghệ sĩ xiếc xử lý bằng kỹ xảo. Đặc biệt, ngoài sự kết hợp giữa các nghệ sĩ xiếc và cải lương, lần đầu tiên trong vở cải lương những con vật nuôi như chó, trâu, lợn… sẽ xuất hiện một cách tự nhiên với nhân vật.

Tôi tin tưởng vở diễn sẽ tạo nên sự hấp dẫn, tính giải trí sẽ được hoà trộn với nhau rất hợp lý. Đặc biệt, những truyền thuyết, lịch sử Việt như câu chuyện Chử Đồng Tử - Tiên Dung, Mẫu Liễu Hạnh, Tản Viên Sơn Thánh, Thánh Gióng sẽ được các bạn trẻ biết đến nhiều hơn", NSND Tống Toàn Thắng nói.

Kết hợp nghệ thuật truyền thống - hiện đại có làm khó các nghệ sĩ?

Thể nghiệm mới kết hợp giữa cải lương và xiếc có làm khó các nghệ sĩ?  - Ảnh 2.

NSND Trung Kiên

Là vở diễn đầu tiên trong lịch sử kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống là cải lương và nghệ thuật hiện đại là xiếc, rất nhiều ý kiến trong giới chuyên môn và khán giả thắc mắc liệu sự kết hợp này có làm khó các nghệ sĩ của hai nhà hát. Và liệu vở diễn có thành công không khi mà vốn dĩ hai ngôn ngữ của hai loại hình khác nhau?

Giải đáp thắc mắc này, đạo diễn, NSND Trung Kiên cho hay: "Đây không phải là lần đầu tiên cải lương kết hợp với các loại hình nghệ thuật hiện đại khác. Trước đó, tôi đã kết hợp giữa cải lương và rối trong vở "Ngã quỷ", sau nữa là chèo, xẩm, hát văn Huế trong "Ngàn năm mây trắng". Những vở diễn kết hợp này khi ra mắt đều rất thành công và thu hút được khán giả đến thưởng thức. Còn giữa xiếc và cải lương thì tưởng như không liên quan nhưng thực tế lại rất gần gũi với nhau. 

Bản thân nghệ thuật cải lương, theo một số tài liệu, ngay từ những năm 1960 trong các phần trình diễn đã có nhiều "màu sắc" của nghệ thuật xiếc. Đó là việc pha trộn thêm những cảnh múa, đu bay, diễn võ... để thêm sinh động cho cảnh diễn. Hơn nữa, trong lịch sử hình thành và phát triển của sân khấu cải lương Việt Nam, đã từng có sự kết hợp giữa nghệ thuật cải lương và nghệ thuật xiếc. Những màn đua ngựa, đu bay, phóng dao, phun lửa… đã từng xuất hiện trên sân khấu cải lương từ những thập kỷ đầu của thế kỷ 20. Tuy nhiên, chỉ đến lần này xiếc và cải lương mới có sự kết hợp toàn diện nhất".

Theo NSND Trung Kiên, vở "Cây gậy thần" là câu chuyện mang tính dân gian, tâm linh, có bi ai số phận nên các nghệ sĩ cải lương sẽ bám theo số phận, tâm trạng của nhân vật để lột tả. Trong vở, yếu tố kịch và ngôn ngữ xiếc sẽ xuất hiện khi hành động kịch yêu cầu, khi trạng thái tâm lý tình cảm của nhân vật yêu cầu. Tất cả những điều đó sẽ được đưa vào phô diễn vẻ đẹp của xiếc. 

"Tôi ví dụ, trong vở, khi Chử Đồng Tử xuất hiện trên con thuyền độc mộc, nếu bình thường, chúng tôi chỉ có thể để con thuyền xuất hiện trên mặt sân khấu. Nhưng có sự kết hợp với xiếc thì con thuyền đó sẽ bay lên trời và bay xung quanh con thuyền là những con chim phượng hoàng, sẽ tạo nên những vẻ đẹp lung linh, huyền ảo. Tôi tin những yếu tố đó sẽ rất hấp dẫn khán giả và đấy cũng yếu tố mới, sáng tạo và là động lực để chúng tôi cảm thấy sự kết hợp này không làm khó các nghệ sĩ", NSND Trung Kiên cho biết.

Chia sẻ tại buổi họp báo, NSND Trịnh Thuý Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, cho hay: "Cải lương và xiếc phối kết hợp - đây là sự sáng tạo vô cùng táo bạo của hai đạo diễn - NSND Trung Kiên và NSND Tống Toàn Thắng. Ban đầu tôi cũng lăn tăn, nhưng khi nhìn vào một êkíp vô cùng hùng hậu tham gia, đặc biệt là NSND Trung Kiên, người luôn đi tiên phong và táo bạo trong thử nghiệm, tôi tin rằng các anh đạo diễn sẽ tạo được sự sáng tạo bất ngờ, thú vị, tạo nên điều mới mẻ cho sân khấu. Tôi tin tác phẩm sẽ thành công, đem đến sức hấp dẫn mới cho khán giả".

Vở diễn “Cây gậy thần” dự kiến ra mắt khán giả vào tháng 11/2020.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem