“Thích báo trung ương vì nó... hay và thật hơn”
Trước khi trở thành người của Báo Nông Thôn Ngày Nay (NTNN), tức là gần 10 năm trước, tôi đã từng chứng kiến cảnh các cơ sở vùng cao háo hức đón đọc những tờ báo trung ương cấp như thế nào.
Bà con nông dân xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, Sơn La đọc báo NTNN. Ảnh: K.T
Những năm 2005 - 2007, khi còn đang công tác ở báo Sơn La, tôi vào các xã Mường Lầm, Nà Ngịu, Chiềng Khương, Huổi Một… của huyện Sông Mã (Sơn La) để khảo sát tình hình mua và đọc báo Đảng ở các chi, đảng bộ cơ sở. Đó là thời điểm báo Sơn La sụt giảm số lượng phát hành tới mức báo động, dù kinh phí mua báo đã được ngân sách cấp tới các chi bộ cơ sở. Lân la tới các xã, bản, trao đổi với những người trực tiếp là bạn đọc của những tờ báo này, tôi mới hiểu nguyên nhân sâu sa của việc sụt giảm lượng phát hành là do “chất lượng có vấn đề”.
Anh Cầm Pha Biêng, khi ấy là cán bộ UBND xã Mường Lầm, thật thà bảo: “Cả tuần chúng tôi chỉ được bưu điện đưa báo tới 1-2 lần, với khoảng chục đầu báo như: Nhân Dân, Dân tộc và Phát triển, Nông Thôn Ngày Nay, Tiền Phong,… Khi báo đến là văn phòng xã lại vui như hội, mỗi người giành lấy cho mình một tờ đọc luôn”. Được hỏi “Tại sao thích báo vậy mà không đặt mua báo Sơn La?”, anh Biêng và các cán bộ xã nói thẳng luôn: “Chúng tôi thích báo trung ương vì nó hay hơn và thật hơn. Những gì là nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước thì chúng tôi học tập cả rồi, đọc báo là để tìm cái hay, cái mới, kinh nghiệm sống và để giải trí. Đơn giản như cái gương nông dân giỏi trên báo trung ương thì họ cũng nói đầy đủ hơn, có cả thành công và thất bại, có cả cách để làm theo, chứ không chỉ có những con số thống kê như cái báo cáo ngắn của báo tỉnh.Vì thế, báo trung ương phù hợp hơn.
Giành nhau vì thiếu báo quá
" Chỉ tiếc là báo bây giờ cũng đắt mà người dân vùng cao thì còn nghèo nên chỉ dám đọc báo Nhà nước cấp thôi. Mà cũng đừng bảo là chúng tôi giành nhau báo; đấy là giành nhau tri thức đấy, ông ạ!”.
Ông Phí Văn Mạnh - Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Sơn
|
Những năm sau này, khi đã về công tác ở Báo NTNN, đi đâu tôi cũng hay để ý tờ báo của mình xem nó có vai trò như thế nào ở cơ sở và tôi còn mang theo những tờ báo cũ để tặng lại cho bà con. Tại nhiều bản làng ở Sơn La, tôi thấy cán bộ và người dân rất trân trọng tờ NTNN cũng như một số tờ báo được trung ương cấp, dù khi tới tay họ đã quá đến 3-5 ngày.
Ông Sồng A Chư - Bí thư Đảng ủy xã Suối Tọ (huyện Phù Yên), bảo: “Cán bộ và người dân ở đây thích báo trung ương lắm đấy. Như báo NTNN của anh không chỉ làm từ thiện cho Phù Yên chúng tôi mà còn mang tới những nhận thức mới về bảo vệ rừng, về xóa đói nghèo, về trách nhiệm và quyền lợi của người dân trong xây dựng nông thôn mới…”
Ngay tại trụ sở UBND xã Chiềng Sơn (huyện Mộc Châu), tôi cũng đã chứng kiến các cán bộ xã ùa đến đón tập báo cao ngất ngưởng trên tay anh nhân viên văn phòng vừa bê vào. Mỗi người tìm cho mình những tờ báo ưa thích và ngồi đọc nghiến ngấu. Anh Lê Trường Sinh - Chủ tịch Hội Nông dân xã, bảo: “Kể cả bí thư, chủ tịch hay các đoàn thể trong xã cũng vậy, ai cũng thích báo NTNN, nên nhiều chi hội bị thiếu báo đọc vì người mượn chưa trả. Chúng tôi cũng không dám trách vì họ quý tờ báo là tờ báo đã hoàn thành nhiệm vụ rồi”.
Mong có báo bằng tiếng dân tộc
Người Hà Nhì mình ở xa trung ương thế này thì thiệt thòi nhiều thứ lắm, nhất là thông tin, văn hóa. Các tờ báo của Nhà nước cấp phát về đến đây thường là muộn hàng tuần, có khi khá lâu không có.
Nói thế nhưng bà con quý cái báo lắm, nếu có báo bằng tiếng dân tộc thì tốt hơn đỡ phải bỏ thời gian ra dịch rồi mới phổ biến. Báo Điện Biên, báo Nông Thôn Ngày Nay, báo Biên Phòng đã trở thành người bạn đáng tin cậy của bản, hướng dẫn bà con làm ăn theo cách mới, giúp xoá đói giảm nghèo. Chỉ mong báo được chuyển đến nhiều hơn, đều hơn để mang cái chính sách của Đảng đến gần dân hơn...”
Ông Mạ Gió Tư - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sín Thầu, (Mường Nhé, Điện Biên)
Cấp phát nhiều khi chưa kịp thời
Việc cấp phát báo hoàn toàn thông qua bưu điện, bưu điện thì chỉ đưa đến trụ sở xã, khi cán bộ các ấp đến họp thì mới chuyển báo đó về từng ấp, việc làm đó nhiều khi khiến việc cấp phát không kịp thời đến dân. Bên cạnh đó, một số địa phương có cán bộ chuyên trách thường luân chuyển, thay đổi vị trí công tác nên việc cấp phát báo cho đồng bào nhiêu khi bị gián đoạn.
Về trang Dân tộc và Miền núi của Báo NTNN, tôi thấy trang này luôn có nhiều thông tin hay tại các vùng miền trên đất nước, tuy nhiên nếu ở một số chuyên mục có song ngữ Việt – Khmer thì sẽ phong phú hơn, tạo thuận lợi cho một số bà con lớn tuổi tìm đọc”.
Ông Lý Sóc Kha – Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng
Hương Huyền - Huỳnh Xây (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.