Thiếu kinh phí bảo trì khiến nhà tái định cư xuống cấp, Bộ Xây dựng lên tiếng?

Thái Nguyễn Thứ hai, ngày 20/11/2023 13:59 PM (GMT+7)
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, Bộ Xây dựng cho biết việc đóng kinh phí bảo trì nếu không đủ để thực hiện bảo trì thì trách nhiệm thuộc về phía chủ đầu tư.
Bình luận 0

Gửi văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) đặt câu hỏi: “Thưa Bộ trưởng, tôi được cử tri phản ánh hầu hết các chung cư, nhà tái định cư trên địa bàn thành phố Hà Nội nhiều thiết bị dùng chung, điển hình là thang máy, hệ thống phòng cháy chữa cháy…thường xuyên hỏng hóc, không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, thậm chí không có và không hoạt động. Đây là những mối hiểm họa luôn rình rập, đe dọa tính mạng và tài sản của cư dân. Nguyên nhân là do kinh phí bảo trì, sửa chữa thay thế… không có, hoặc không đủ để giải quyết những tồn tại hiện hữu này. Xin đồng chí Bộ trưởng cho biết thực trạng về vấn đề này? Giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài để bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân?”.

Trả lời đại biểu Tạ Văn Hạ, Bộ Xây dựng cho biết về quy định pháp luật liên quan đến kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư nói chung, nhà tái định cư nói riêng đã quy định trách nhiệm của chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân cung ứng thiết bị nhà ở trong việc bảo hành, sửa chữa, thay thế các thiết bị thuộc phần sở hữu chung: thang máy, phòng cháy, chữa cháy… trong thời hạn bảo hành.

Đối với việc đóng kinh phí bảo trì, bao gồm đóng góp lần đầu, đóng góp bổ sung trong trường hợp kinh phí bảo trì đã đóng không đủ để thực hiện bảo trì thì pháp luật nhà ở cũng quy định rõ trách nhiệm đóng góp này là thuộc trách nhiệm của các chủ sở hữu nhà chung cư trong đó có chủ sở hữu nhà tái định cư.

Thiếu kinh phí bảo trì nhà tái định cư, trách nhiệm thuộc về ai?- Ảnh 1.

Việc đóng kinh phí bảo trì nếu không đủ để thực hiện bảo trì nhà tái định cư thì trách nhiệm thuộc về phía chủ đầu tư (Ảnh: TN)

Liên quan đến quản lý vận hành nhà chung cư tái định cư, trường hợp xây dựng nhà chung cư để bố trí tái định cư thì chủ đầu tư phải dành tối thiểu 1/3 diện tích kinh doanh, dịch vụ của nhà chung cư đó cho các hộ gia đình, cá nhân được tái định cư thuê (nếu có nhu cầu) thông qua đấu giá theo nguyên tắc công khai, minh bạch nhằm tạo công ăn, việc làm cho các hộ gia đình, cá nhân này; kinh phí thu được từ hoạt động kinh doanh đối với toàn bộ phần diện tích kinh doanh dịch vụ sau khi trừ các chi phí kinh doanh hợp lý thì UBND cấp tỉnh được dùng kinh phí này để hỗ trợ cho kinh phí bảo trì phần sở hữu chung và hỗ trợ một phần kinh phí cho công tác quản lý vận hành nhà ở phục vụ tái định cư trên địa bàn.

Như vậy, pháp luật nhà ở cũng đã có quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, kinh phí cho công tác quản lý vận hành nhà ở phục vụ tái định cư tại các nhà chung cư tái định cư có dành diện tích để kinh doanh, dịch vụ như quy định nêu trên để bảo đảm cho nhà chung cư trong đó có nhà chung cư tái định cư được an toàn trong quá trình vận hành sử dụng.

Giải pháp trước mắt, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tiếp tục tích cực tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý sử dụng vận hành nhà chung cư đặc biệt là nâng cao nhận thức trong việc thực hiện các quy định về quyền, trách nhiệm của các chủ thể có liên quan: chủ đầu tư, Ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành, chủ sở hữu, người sử dụng.

"Bên cạnh đó, cần chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà chung cư để bảo đảm cho nhà chung cư nói chung, nhà chung cư tái định cư nói riêng được an toàn trong quá trình vận hành, sử dụng góp phần tạo lập bộ mặt văn minh đô thị, nâng cao chất lượng sống của người dân tại các nhà chung cư, khu chung cư", Bộ Xây dựng cho biết.

Hiện nay, trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét thông qua, Bộ Xây dựng cũng đã tham mưu để Chính phủ trình Quốc hội những quy định cụ thể về các nội dung có liên quan đến quản lý, sử dụng nhà ở phục vụ tái định cư, quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Cụ thể, quy định nhà ở phục vụ tái định cư phải bảo đảm thiết kế, tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng; quy định trách nhiệm của chủ đầu tư, các cơ quan có liên quan về quản lý chất lượng của nhà ở tái định cư; quy định việc đặt hàng hoặc mua nhà ở thương mại hoặc bố trí nhà ở xã hội phục vụ tái định cư; quy định việc quản lý, sử dụng nhà tái định cư; quy định về Hội nghị nhà chung cư, Ban quản trị; quy định về đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư, giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư; quy định về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì…để góp phần nâng cao đời sống của người dân tại nhà chung cư, khu chung cư theo hướng văn minh, hiện đại.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem