Thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế: Giám đốc Bệnh viện E "dốc lòng"

Diệu Linh Thứ năm, ngày 16/06/2022 15:36 PM (GMT+7)
Ngày 16/6, TS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E thừa nhận có tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế trong bệnh viện, trong đó 1 số thuốc được BHYT chi trả nhưng vì bệnh viện không có nên bệnh nhân buộc phải mua ngoài.
Bình luận 0

Thiếu thuốc, bệnh nhân mua thuốc ngoài

TS Nguyễn Công Hựu thừa nhận có tình trạng thiếu thuốc tại Bệnh viện. TS Hựu cho biết, gần đây có bệnh nhân đã thắc mắc, họ đến khám BHYT tại Bệnh viện E, được kê đơn 3 loại thuốc thì 2 loại thuốc là insulin và thuốc uống điều trị tiểu đường phải mua ngoài. Đáng nói 2 loại thuốc này đều nằm trong danh mục BHYT chi trả mà bệnh nhân được hưởng.

"Chúng tôi đã tìm hiểu và được biết, bệnh nhân đã mua 2 loại thuốc này hơn 450.000 đồng cho 1 tháng điều trị và đã phải mua ngoài trong vòng 3 tháng là hơn 1,3 triệu.

Thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế: Giám đốc Bệnh viện E "dốc lòng"  - Ảnh 1.

TS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E "dốc lòng" về tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế hiện nay ngày 16/6. Ảnh CTV

Hiện tại, chúng tôi đã đấu thầu xong và đã giải quyết được việc thiếu 2 loại thuốc này, bảo vệ quyền lợi BHYT cho bệnh nhân", TS Hựu cho biết.

Tuy nhiên, TS Hựu cũng thừa nhận, số tiền mua thuốc này của bệnh nhân không quá nhiều, nhưng nếu kéo dài thì đây không phải số tiền nhỏ. Hơn nữa, nếu nhiều người bệnh cùng phải mua thuốc BHYT ngoài hoặc thuốc đắt tiền thì sẽ là thiệt thòi lớn cho người bệnh.

Ngoài ra, nếu nhiều cơ sở y tế thiếu thuốc, hàng nghìn bệnh nhân mua thuốc ngoài thì sẽ là một số tiền lớn, nhiều người bệnh bị ảnh hưởng quyền lợi

Trả lời câu hỏi: "Bệnh viện làm thế nào để trả lại quyền lợi cho bệnh nhân BHYT phải mua thuốc ngoài?, TS Nguyễn Công Hựu "bất lực"": "Đây là câu hỏi khó vì chúng tôi cũng chưa biết làm thế nào. Tôi có nghe ở một số nơi có 1 số bệnh nhân đặc thù sau khi mua thuốc BHYT bên ngoài, mang hóa đơn về BHXH cơ sở thanh toán.

Tuy nhiên, nếu là việc phổ biến thì khó có thể có cơ chế như vậy hoặc nhiều bệnh nhân đều phải mua thuốc ngoài như vậy thì khó mà thực hiện được. Cho nên với câu hỏi như vậy, cho dù chúng tôi hết sức băn khoăn nhưng cũng chưa biết trả lời thế nào!".

Thiếu thuốc không chỉ do chậm đấu thầu thuốc

Về tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế hiện nay, TS Hựu khẳng định, việc thiếu thuốc cục bộ hàng năm vẫn xảy ra và xảy ra trong thời gian ngắn là chuyện bình thường. Việc thiếu thuốc nhỏ lẻ tại các bệnh viện là trách nhiệm của các bệnh viện.

Thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế: Giám đốc Bệnh viện E "dốc lòng"  - Ảnh 2.

Tủ thuốc BHYT "đáng thương" tại trạm y tế phường Hiệp Phước (TP.Thủ Đức, TP.HCM). Trong ảnh: Trạm trưởng trạm y tế Trần Văn Quý phát thuốc chữa thần kinh cho người dân. Các thuốc này được phân bổ theo chương trình quốc gia nên không bị thiếu, chỉ thiếu thuốc BHYT. Ảnh: Bạch Dương

TS Hựu phân tích, để mua được thuốc, các khoa phòng phải dựa trên tình hình khám chữa bệnh, sử dụng thuốc và vật tư y tế năm trước để dự trù số thuốc và vật tư y tế cần mua. Sau đó khoa Dược sẽ tập hợp, lên kế hoạch, báo cáo Ban Giam đốc. Sau khi được xem xét, đồng ý sẽ làm kế hoạch mua sắm, làm các thủ tục mời thầu, xét duyệt hồ sơ các nhà thầu, thẩm định, mua…

Việc này mất một thời gian không nhỏ. Nếu lên kế hoạch chậm, đấu thầu chậm là sẽ có thể xảy ra tình trạng thiếu thuốc trong 1 thời gian nhất định.

Ngoài ra, dịch bệnh biến động bất thường, nếu bất ngờ có dịch bệnh, tai nạn, bệnh nhân nhiều, tiêu hao thuốc và vật tư y tế nhiều thì có thể bị thiếu thuốc tạm thời.

"Tuy nhiên, việc thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế trên diện rộng ở nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc và lâu dài như hiện nay là chuyện không bình thường. Bên cạnh những yếu tố khách quan như tôi đã kể trên thì cũng có nguyên nhân hiện nay các bệnh viện thận trọng hơn trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế", TS Hựu nhận định.

TS Hựu phân tích, trước kia, khi thiếu thuốc, vật tư y tế tạm thời, các bệnh viện sẽ làm mọi cách để có thuốc, vật tư y tế sớm nhất để bảo đảm quyền lợi cho bệnh nhân. Các biện pháp trong đó có việc "đi vay" ở các bệnh viện bạn rồi trả sau, hoặc "vay" ở các đơn vị cung cấp thuốc và sau đó bổ sung hợp đồng mua bán sau.

Thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế: Giám đốc Bệnh viện E "dốc lòng"  - Ảnh 4.

Thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, bệnh nhân khổ, bác sĩ bất đắc dĩ nhưng chưa thể tìm được cách giải quyết dứt điểm (Khám chữa bệnh tại Bệnh viện E. Ảnh BVCC)

"Tuy nhiên, hiện nay, khi ngành y tế đang có nhiều biến động, công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ, các bệnh viện dù thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế sẽ không đi vay bằng mọi cách nữa mà chờ đấu thầu thuốc theo đúng quy trình. Mà việc đấu thấu cần thời gian như tôi đã phân tích ở trên. 

Hơn nữa, việc mua thuốc còn phụ thuộc vào bên bán thuốc, có lúc họ có thuốc giá cao thì không thể mua, giá rẻ họ không có, lại trì hoãn hoặc họ không có thuốc, nếu là dịch bệnh xảy ra, nhiều nơi cùng mua 1 loại thuốc, họ sản xuất không kịp…", TS Hựu chia sẻ "gan ruột".

Theo TS Hựu, hiện Bệnh viện E cũng đã làm xong thủ tục đấu thầu thuốc, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu thuốc, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh BHYT. Tuy nhiên, ông cũng không đảm bảo đủ thuốc 100%.

"Việc thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế là điều mà chúng tôi hoàn toàn không mong muốn. Quyền lợi người bệnh bị ảnh hưởng, phàn nàn, bất bình làm ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện. Nhiều người bệnh khi phải mua thuốc ngoài cũng có thái độ bực tức, nói những lời lẽ xúc phạm, khiến nhân viên y tế vô cùng ức chế.

Bản thân nhân viên y tế cũng bị bệnh hoặc có người nhà bị bệnh, thiếu thuốc thì họ cũng phải ra ngoài mua… Nhưng trong bối cảnh hiện tại chưa thể chấm dứt hoàn toàn tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế", TS Hựu cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem