Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung IRIS-T SLM.
Bộ Quốc phòng Đức ngày 1.6 nói không thể cung cấp thông tin cho biết về việc cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại như trong tuyên bố của Thủ tướng Scholz. Nguyên nhân là do quân đội Đức còn không có sẵn các hệ thống tên lửa này.
Vũ khí mà ông Scholz nhắc tới là tên lửa IRIS-T, trang bị trên các hệ thống phòng không tầm ngắn hoặc tầm trung.
Khi được các phóng viên hỏi rằng Đức sẽ cung cấp hệ thống nào cho Ukraine, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đức David Helmbold nói: “Vấn đề này thuộc về lĩnh vực của ngành công nghiệp quốc phòng, vì chúng tôi còn không sở hữu các hệ thống như vậy”.
Ông Helmbold không giải thích lý do vì sao quân đội Đức lại không sở hữu các hệ thống phòng không do nước này sản xuất.
Quân đội Đức hiện chỉ có sẵn tên lửa đối không IRIS-T trang bị trên các chiến đấu cơ Eurofighter và Tornado. Các đối tác châu Âu hợp tác sản xuất tên lửa IRIS-T và các hệ thống liên quan bao gồm Italia, Thụy Điển và Hy Lạp.
Ở Đức, IRIS-T do công ty quốc phòng Diehl sản xuất, dưới dạng tên lửa đối không hoặc các hệ thống phòng không.
Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đức, Thủ tướng Scholz nhắc tới “hệ thống phòng không hiện đại nhất không có nghĩa là quân đội đang sở hữu hệ thống này”.
“Đức không chỉ có quân đội”, ông Helmbold nói. “Vấn đề còn phụ thuộc vào năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng”.
Theo các chuyên gia, nhà sản xuất Diehl có thể hoãn kế hoạch giao hệ thống tên lửa phòng không tầm trung IRIS-T SLM cho Ai Cập để chuyển cho Ukraine trước.
Ở thời điểm hiện tại, Diehl chỉ có thể sản xuất hai hệ thống IRIS-T SLMmỗi năm. Thụy Điển đã tiếp nhận các hệ thống này trong khi quân đội Đức cũng rất quan tâm.
Hôm 1.6, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói việc cung cấp các hệ thống phòng không cho Ukraine có thể “mất nhiều tháng” vì Diehl đang sản xuất vũ khí cho các đối tác nước ngoài.
Theo báo Bild của Đức, các hệ thống IRIS-T SLM sớm nhất cũng chỉ có thể xuất hiện ở Ukraine vào tháng 11 năm nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.