Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Chính phủ đã xử lý nhiều vụ việc, thu hồi số lượng lớn tiền và tài sản"

Thành An Thứ tư, ngày 24/03/2021 13:34 PM (GMT+7)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nhiệm kỳ 2016-2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc, thu hồi số lượng lớn tiền và tài sản; thành lập Tổ công tác đặc biệt để giải quyết dứt điểm nhiều khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.
Bình luận 0

Sáng 23/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV.

Thực hiện 570 chuyến công tác "lên rừng, xuống biển"

Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng cho rằng, trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, "con tàu" Việt Nam đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố của biết bao khó khăn, thách thức lớn hơn, vượt xa hơn so với những dự tính ban đầu nhiệm kỳ. 

Đặc biệt, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ập đến tàn phá nặng nề nền kinh tế thế giới và các quốc gia. Trong khi đó, cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước, đối tác lớn ngày càng gay gắt…

"Như câu tục ngữ "lửa thử vàng, gian nan thử sức", trong 5 năm qua chúng ta đã đoàn kết cùng nhau khắc phục nhiều hạn chế, bất cập nội tại và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. 

Thiên tai, nhân tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu gây thiệt hại rất nặng nề, nhất là sự cố ô nhiễm môi trường ở ven biển miền Trung năm 2016, dịch tả lợn châu Phi năm 2019, hạn hán, xâm nhập mặn ở Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, bão lũ lịch sử ở miền Trung.

Đặc biệt là đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay đã tác động mạnh đến mọi mặt đời sống xã hội; sản xuất kinh doanh đình trệ; hàng triệu lao động thiếu, mất việc làm, giảm sâu thu nhập; hoạt động văn hóa, xã hội và đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Xử lý nhiều vụ việc, thu hồi số lượng lớn tiền và tài sản" - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV. (Ảnh: Quochoi)

Nhắc đến thành công trong phòng chống đại dịch Covid-19, Thủ tướng cho rằng, thời gian qua của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là yếu tố có ý nghĩa quyết định, tạo môi trường thuận lợi cho ổn định và phát triển đất nước...

"Một trong những điểm nổi bật của công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành vừa qua là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động, tích cực đổi mới, cải cách mạnh mẽ và quyết liệt hành động… Với tinh thần bám sát thực tiễn, giai đoạn 2016 - 2020, Lãnh đạo Chính phủ đã thực hiện 570 chuyến công tác "lên rừng, xuống biển" làm việc với địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở, chỉ đạo cụ thể, kịp thời tháo gỡ nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách", Thủ tướng nhấn mạnh.

Kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành.

Tập trung tín dụng cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, tăng cường phòng chống "tín dụng đen". Thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán, thị trường vốn, tài chính vi mô.

"Có thể tự tin cho rằng, nhờ có được tích lũy thu nhập cũng như những cải thiện đáng kể về không gian tài khóa, nhất là trong 4 năm tăng trưởng cao 2016 - 2019, chính là "của để dành" góp phần quan trọng giúp nền kinh tế và người dân chúng ta vượt qua khó khăn vừa qua của dịch Covid-19", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Xử lý nhiều vụ việc, thu hồi số lượng lớn tiền và tài sản" - Ảnh 3.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV. (Ản: Quochoi).

Theo lời Thủ tướng, trong nhiệm kỳ qua và trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh và trật tự an toàn xã hội, phục hồi kinh tế trong điều kiện "bình thường mới.

"Phát biểu trước Quốc hội thời điểm đầu nhiệm kỳ, Tôi đã nêu: Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới về dân số nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đứng thứ 48. Nhưng rất tự hào là đến nay xếp hạng của nước ta đã tăng 11 bậc (vượt qua 11 quốc gia) đứng thứ 37 thế giới. Dù con đường đi lên còn đầy khó khăn, thử thách, nhưng chúng ta hoàn toàn tin tưởng không lâu nữa Việt Nam sẽ bước sang ngưỡng thu nhập trung bình cao và gia nhập Nhóm nước phát triển có thu nhập cao vào 2045", Thủ tướng nhấn mạnh.

Phấn khởi báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng cho hay: Kinh tế Việt Nam đang phục hồi và để tiếp đà tăng tốc, vượt lên trong khu vực, đòi hỏi phải cơ cấu lại nền kinh tế năng động hơn, hiệu quả hơn trong từng lĩnh vực, ngành, doanh nghiệp gắn với vận hành hiệu quả các nguồn lực tín dụng, tài khóa, đầu tư công... đồng thời mở ra không gian phát triển kinh tế biển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Xử lý nhiều vụ việc, thu hồi số lượng lớn tiền và tài sản" - Ảnh 4.

Các đại biểu dự Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV. (Ảnh: Quochoi).

Nhắc đến vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng cho rằng, vấn đề này đang trở thành những chuẩn mực toàn cầu và tại mỗi quốc gia. 

"Chúng ta không thể xuất khẩu đồ gỗ nếu sử dụng gỗ do chặt phá rừng, không thể bán thủy sản nếu là đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo...", Thủ tướng nói và cho biết, thực hiện chủ trương "không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế"; "kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên"; nâng cao hiệu quả sử dụng đất, Chính phủ đã chỉ đạo khắc phục cơ bản sự cố môi trường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung. Từ đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã đề xuất sáng kiến trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 với thông điệp "Vì một Việt Nam xanh"…".

Mỗi "dặm biển" khơi xa của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng

Thủ tướng nhấn mạnh, cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên của Chính phủ nhằm giúp cho "cỗ máy hành chính" hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn và là tiền đề cho nâng cao sức cạnh tranh quốc gia trong hội nhập quốc tế. 

Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa 63% điều kiện kinh doanh, 68% danh mục hàng hóa chuyên ngành, thực hiện "cơ chế một cửa", "một cửa liên thông" giải quyết nhanh thủ tục, giảm tiêu cực.

"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tích cực chỉ đạo triển khai đồng bộ các kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. 

Xử lý nhiều vụ việc, thu hồi số lượng lớn tiền và tài sản; thành lập Tổ công tác đặc biệt để giải quyết dứt điểm nhiều khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Chỉ đạo phòng tránh và xử lý hiệu quả các tranh chấp quốc tế, giảm thiệt hại cho Nhà nước, cải thiện hình ảnh môi trường đầu tư của Việt Nam", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong phát biểu của mình, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, bảo vệ trật tự xã hội, cuộc sống bình yên của mọi người dân, giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia, sự toàn vẹn mỗi "tấc đất" biên cương, mỗi "dặm biển" khơi xa của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng, trách nhiệm cao cả được Chính phủ ưu tiên chỉ đạo các lực lượng vũ trang trong thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia và các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về quốc phòng, an ninh.

"Trong bối cảnh quốc tế mới, luôn chú trọng tăng cường tiềm lực, sức mạnh của các lực lượng vũ trang, bao gồm cả trên không gian mạng; nâng cao khả năng phối hợp, hiệp đồng giữa quân đội với công an; cảnh giác, chủ động bảo vệ tổ quốc "từ xa", "từ sớm"; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá; kiên quyết trấn áp tội phạm; tai nạn giao thông liên tục giảm sâu cả 3 tiêu chí; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, sự kiện quan trọng của đất nước", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng cho biết, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã triển khai đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp chính trị, ngoại giao, pháp lý, truyền thông nhằm kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982; đã ký hoàn thành phân giới cắm mốc 84% biên giới với Campuchia. Hoạt động ngoại giao văn hoá, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân được triển khai tích cực, dù trong diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

3 Dự án được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án yếu kém phải xử lý

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, khu vực Doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là tại các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước đã có sự chuyển biến tích cực về minh bạch, năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động, những doanh nghiệp, dự án thua lỗ lớn, kéo dài được đẩy mạnh tái cơ cấu, trong đó nhiều dự án hoạt động trở lại, giảm lỗ, ổn định và tiến tới có lãi;

Đã có 3 dự án được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án yếu kém phải xử lý. Việc tái cơ cấu DNNN đã tạo cơ hội cho các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem