Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện”
Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện”
Trần Hòe
Thứ bảy, ngày 06/04/2024 13:45 PM (GMT+7)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như các bộ, ngành và lãnh đạo các cấp tỉnh Thừa Thiên Huế đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất...
Ngày 6/4, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ngày 27/5/2020 Chính phủ thông qua Nghị quyết 83/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW; ngày 13/11/2021 Quốc hội thông qua Nghị quyết 38/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Những nội dung này đã tạo tiền đề, nền tảng vững chắc và động lực quan trọng để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Trong thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã tập trung triển khai lập các quy hoạch quan trọng mang tính trọng tâm với mục tiêu định hướng sự phát triển của tỉnh cho các giai đoạn tiếp theo. Tỉnh đã hoàn thành việc lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1745/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 và Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 tại Quyết định số 108/QĐ-TTg ngày 26/1/2024.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương, hai quy hoạch này có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, tạo hành lang pháp lý trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, toàn diện và bền vững, tạo không gian phát triển mới, khơi thông nguồn lực và khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh khác biệt của tỉnh. Qua đó giúp tỉnh từng bước tháo gỡ những "điểm nghẽn", giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, giữa bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản, giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc Trung ương.
Hai quy hoạch này đã xác định mục tiêu đến năm 2025 Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; là một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 11 dự án trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đăng ký 9.134 tỷ đồng.
Đó là các dự án: Trung tâm logistics Chân Mây (do Công ty Cổ phần Tập đoàn LEC thực hiện) có tổng vốn đăng ký 1.512 tỷ đồng; Nhà máy chế biến cát thạch anh công nghệ cao Creanza (Công ty Cổ phần Tập đoàn MIT Việt Nam thực hiện) có tổng vốn đăng ký 2.186 tỷ đồng; Cải tạo, xây dựng lại các dãy nhà A, B, C khu chung cư Đống Đa (Công ty Cổ phần Phát triển và đầu tư Đống Đa thực hiện) có tổng vốn đăng ký 1.299 tỷ đồng; Tổ hợp giáo dục (Công ty TNHH Giáo dục FPT thực hiện) với tổng vốn đăng ký 432,66 tỷ đồng;
Bệnh viện Quốc tế Huế (Công ty Cổ phần TTH Group thực hiện) với tổng vốn đăng ký 817,234 tỷ đồng; Trung tâm Dữ liệu số (Công ty Cổ phần Đầu tư Vietsoftpro Holdings thực hiện) với tổng vốn đăng ký 279,48 tỷ đồng; Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Điền Lộc (Công ty Cổ phần Đạt Phương Hội An thực hiện) với tổng vốn đăng ký 113 tỷ đồng; Cụm công nghiệp Điền Lộc 2 (Công ty TNHH An Viên thực hiện) với tổng mức đầu tư 93,59 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm EON Industry Việt Nam (Công ty EON Industry Limited thực hiện) với tổng vốn đăng ký 290,88 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất men frit (Công ty Cổ phần Frit Huế thực hiện) với tổng vốn đăng ký 610 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất kính siêu trắng Đạt Phương (Công ty Cổ phần kính Đạt Phương thực hiện) với tổng vốn đăng ký 1.500 tỷ đồng.
Dịp này lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế trao văn bản thống nhất chủ trương nghiên cứu đầu tư cho 10 dự án khác với tổng vốn đăng ký 113.500 tỷ đồng...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế được chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học, được xây dựng trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế của tỉnh.
Thủ tướng yêu cầu Thừa Thiên Huế phải đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch, tập trung phối hợp với các bộ, ngành hoàn thành thủ tục về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2024.
Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng được giao phải luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong, phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa. Bên cạnh đó đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị; phát huy hiệu quả 3 trung tâm động lực kinh tế của tỉnh; phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch, kinh tế di sản theo hướng xanh, số, tuần hoàn; quan tâm đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...
Thủ tướng cũng yêu cầu Thừa Thiên Huế phổ biến, quán triệt quy hoạch sâu rộng hơn bằng nhiều hình thức khác nhau để nhân dân hiểu, nắm rõ, từ đó ủng hộ quy hoạch, làm theo quy hoạch, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng với tinh thần "Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm - Dân thụ hưởng".
Thủ tướng hoan nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã chọn Thừa Thiên Huế để đầu tư và tin tưởng các dự án sẽ triển khai thành công, mang lại hiệu quả thiết thực. Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát huy sứ mệnh của doanh nghiệp trên tinh thần "ba cùng": "Cùng lắng nghe, thấu hiểu", "cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động", "cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển".
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như các bộ, ngành và lãnh đạo các cấp của tỉnh Thừa Thiên Huế đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm và lượng hóa được...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.