Tìm vui khi tuổi 60: Đồng bệnh tương lân

Hoàng Ba Đình Thứ bảy, ngày 15/01/2022 07:38 AM (GMT+7)
Có một niềm vui, gọi cho đúng phải là "tìm niềm vui trong nỗi buồn", mà nhiều người không ngờ tới, đấy chính là niềm vui đi khám bệnh định kỳ.
Bình luận 0

Nếu như thanh thiếu niên có lắm niềm vui lành mạnh vào buổi sáng, như thể dục thể thao, đi cà phê sớm thì người có tuổi có niềm vui gì? Tính ra cũng có đấy nhé. Nào là đi dưỡng sinh, trồng bonsai, nuôi chim kiểng, đánh cờ tướng... 

Nhưng có một niềm vui, gọi cho đúng phải là "tìm niềm vui trong nỗi buồn", mà nhiều người không ngờ tới, đấy chính là niềm vui đi khám bệnh định kỳ.

Tìm vui khi tuổi 60: Đồng bệnh tương lân - Ảnh 1.

Bên ngoài bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: H.B.Đ

Người có tuổi, trong người không ít thì nhiều, cũng bệnh này bệnh kia. Không tiểu đường thì cũng mỡ trong máu, không mỡ trong máu thì cao huyết áp... Cơ thể hoạt động hàng 5-6 chục năm trời rồi, không hỏng hóc nhẹ nhẹ mới là lạ.

TP.HCM có hệ thống nhân lực có chuyên môn cao cũng như hệ thống khám chữa bệnh đồ sộ vào hàng nhất nhì cả nước. Điểm danh các bệnh viện lớn, bệnh viện chuyên khoa, trung tâm khám bệnh có rất nhiều: Chợ Rẫy, Đại học Y dược, Trung tâm Hòa Hảo, Bệnh viện Ung bướu...

Ngoài những nơi chuyên khám đa khoa tổng quát như Chợ Rẫy, Y dược... thì mặc nhiên đến Ung bướu là để khám ung bướu, đến bệnh viện Mắt là để khám mắt. Lớ ngớ đi bậy bạ khác nào đau Nam chữa Bắc. Chưa kể những bệnh viện tuy có tiếng là bệnh viện đa khoa, nhưng lại có những thế mạnh riêng, như bệnh viện Phạm Ngọc Thạch mạnh về phổi, bệnh viện Bình Dân mạnh về nam khoa.

Tìm vui khi tuổi 60: Đồng bệnh tương lân - Ảnh 2.

Một buổi sáng tại bệnh viện Gò Vấp. Ảnh: H.B.Đ

Thành thử, mỗi lần từ dưới quê lên khám bệnh là phải biết sắp xếp sao cho hợp lý. Bởi mỗi lần đi là mỗi lần cực, nên phải đi khám hẳn 2-3 bệnh viện luôn cho tiện. Chứ nay bệnh viện này, mai bệnh viện khác, lang thang, lêu bêu mãi ở các bệnh viện thì đuối lắm.

Có dịp đồng hành cùng cô Tám (quê Đồng Tháp) dưới quê lên Sài Gòn tái khám mới thấy cực thế nào. Khởi hành từ lúc 11-12h đêm ở dưới quê, 3-4h sáng lên đến bến xe, may là hãng xe có trung chuyển về các bệnh viện như Chợ Rẫy, Y dược. Tầm 5h vào bốc số, đợi đến sáng mới vào khám xương khớp ở Chợ Rẫy. Xong phần xương khớp lại ngồi xe buýt sang tái khám ở Ung bướu.

Có lần, trong lúc ngồi chờ khám ở Ung bướu, cô Tám thấy có người nhận kết quả xong bật khóc, cô Tám quay sang nói nhỏ "rồi, ác tính rồi", kèm tiếng thở dài. Cô Tám còn kể thêm: "Cũng tội mấy bác tài xế đường dài, đi giờ này là chuyên chở những người đi khám bệnh, được một thời gian mấy bác cũng mang bệnh luôn trong người. Thành thử được một thời gian, các bác tài đều xin chuyển đi hết".

Tìm vui khi tuổi 60: Đồng bệnh tương lân - Ảnh 3.

Mọi người chờ đến lượt vào kiểm tra sức khỏe. Ảnh: H.B.Đ

Vậy niềm vui ở đâu ra? Bởi vì đây là khám định kỳ, cho nên cứ đúng giờ đó, ngày đó hàng tháng là lại gặp những gương mặt cùng đi đến khám bệnh. Dù ở nhiều địa phương khác nhau, cũng không hề quen biết, nhưng gặp mãi cũng nảy sinh cái tình "đồng bệnh tương lân". 

Trong lúc ngồi chờ lại cùng nhau hỏi han trò chuyện, biết được hoàn cảnh gia đình, bệnh tình nặng nhẹ của lẫn nhau, nhận những lời động viên từ những người có bệnh tình như nhau. Đấy chẳng phải là niềm vui đặc biệt, "tìm được niềm vui trong nỗi buồn" hay sao?

Vui nhất phải kể là niềm vui bệnh tình được cải thiện. Thậm chí, khỏi cải thiện, chỉ cần không xấu đi đã là vui lắm rồi. Hoặc có lần, cô Tám thấy một bà nhận kết quả chẩn đoán ung bướu "lành tính", tự động ôm lấy nhau mà chung vui, còn kèm theo lời chúc mừng "lành tính là về nhà mở tiệc ăn mừng được rồi đó".

Không chỉ ở bệnh viện chuyên khoa và đầu ngành, ở tuyến quận huyện cũng có một lượng khám bệnh định kỳ đông đảo. Có ông anh nọ ở Gò Vấp, cứ 1 tháng là lại sắp xếp hết công việc, ra khỏi nhà từ 5h sáng để đi xếp hàng khám bệnh. Trong lúc chờ đến giờ khám, ông anh nọ mạnh dạn đi thể dục luôn ở trong khuôn viên bệnh viện.

Cô Phan Thị Nhàn (ngụ Phạm Văn Chiêu, Gò Vấp) nêu ý kiến: "Thực tế, tôi không tán thành cách gọi "đi khám bệnh". Tôi nghĩ nên gọi "kiểm tra sức khỏe" thì ổn hơn, mang tính tích cực hơn. Ngay từ cách gọi, nếu chúng ta gọi một cách tích cực, tinh thần sẽ tích cực. Tinh thần tích cực mới đẩy lùi bệnh tật được chứ.

Tôi vẫn cứ 4 tuần/lần đến đây để kiểm tra các vấn đề về sức khỏe. Nói chung cũng được nhìn thấy những người thường đến, thấy họ vẫn vui khỏe là mình vui rồi. Được gặp anh bác sĩ quen, hỏi han vài câu cũng thấy ấm lòng. 

Nói thiệt, bản thân có bệnh trong người, cứ ở nhà, mà có mỗi mình bị bệnh thì cũng buồn lắm. Có vô đây, thấy ai cũng như ai, lại thấy thông cảm cho nhau. Ngoài việc kiểm soát được cái bệnh đang mắc, đồng thời do kiểm tra sức khỏe thường xuyên, sẽ sớm phát hiện những bệnh khác đang tiềm ẩn".

Vâng, Sài Gòn đâu chỉ có những niềm vui hào nhoáng. Đó còn là niềm vui của những người đồng bệnh tương lân luôn động viên cổ vũ cho nhau khi sức khỏe sa sút. Nhưng cũng có câu "vui thôi, đừng vui quá". Cho nên vui ở mức gặp nhau ở phòng khám là đủ rồi, chứ đừng gặp nhau ở giường bệnh hay khoa cấp cứu... Tới lúc đó e là vui không nổi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem