Tình nguyện sang Lào dạy 3 năm, giáo viên nhận thông báo "đắng lòng" khi trở về
Tình nguyện sang Lào dạy 3 năm, giáo viên nhận thông báo "đắng lòng" khi trở về
Ngọc Vũ
Thứ năm, ngày 09/07/2020 06:12 AM (GMT+7)
Nhiều giáo viên tình nguyện sang Lào dạy 3 năm với mong muốn khi trở về sẽ được xét tuyển đặc cách theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Trị. Nhưng khi hoàn thành nghĩa vụ giảng dạy trở về, họ nhận thông báo không được xét tuyển đặc cách nữa!.
Tháng 8/2017, Phạm Minh Hạnh (SN 1992, trú thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị) cùng 9 người khác chấp nhận hy sinh tuổi thanh xuân, tình nguyện sang Lào dạy học. Họ lên đường với niềm tin, khi trở về sẽ được xét tuyển đặc cách theo quyết định số 10/2014/QĐ-UBND tỉnh Quảng Trị ký ngày 27/2/2014 (gọi là QĐ 10).
Tại khoản 1, điều 16, QĐ 10 quy định: Đối tượng được xét tuyển đặc cách là người được UBND tỉnh cử và đã hoàn thành nghĩa vụ giảng dạy ít nhất 3 năm ở nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về nước.
Hạnh cho biết, năm 2013, cô nhận tấm bằng Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, ngành Giáo dục tiểu học. Suốt 3 năm, Hạnh không tìm được việc làm nên khi nghe tin, tình nguyện sang Lào dạy 3 năm, khi trở về sẽ được xét tuyển đặc cách, cô đã hăng hái lên đường.
Qua Lào, Hạnh dạy lớp 2, trường phổ thông hữu nghị Lào-Việt, tỉnh Savannakhet. Mỗi tháng, Hội người Việt Nam tỉnh Savannakhet hỗ trợ cho Hạnh 2,8 triệu đồng để tự lo ăn uống, sinh hoạt… Lúc sức khoẻ bình thường, Hạnh chắt bóp, dè xẻng đủ chi tiêu. Còn lúc ốm đau, cô phải xin tiền bố mẹ.
Nếm trải biết bao vất vả, khó khăn nhưng Hạnh vẫn bám trụ dạy tình nguyện. Sau 3 năm (tháng 5/2020), Hạnh được trường phổ thông hữu nghị Lào-Việt xác nhận, đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, hết lòng giảng dạy, giáo dục học sinh bằng sự nhiệt tình của một nhà giáo, phục vụ tốt sự nghiệp giáo dục.
Cầm giấy chứng nhận về nước, Hạnh mới biết ngày 9/7/2019, UBND tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định số 31/2019/QĐ-UBND (gọi là QĐ 31) để bãi bỏ QĐ 10. Điều này đồng nghĩa Hạnh không được xét tuyển đặc cách!.
"Khi đi tình nguyện hồ hởi, hy vọng bao nhiêu thì khi trở về lại buồn, thất vọng bấy nhiêu" – Hạnh tâm sự.
Phan Thị Thùy Dung (SN 1990, trú thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) nhận tấm bằng cử nhân, Đại học Sư phạm Huế, ngành Ngữ văn vào năm 2012. Cô làm công tác văn phòng ở trường THCS và THPT Bến Quan 2 năm nhưng không có cơ hội vào biên chế.
Tháng 8/2018, Dung tình nguyện sang Lào giảng dạy tiếng Việt các lớp 6, 7, 9, 10 ở trường phổ thông hữu nghị Lào-Việt (Savannakhet) với hy vọng như Phạm Minh Hạnh. Lúc đi, Dung đã có chồng, 2 đứa con nhỏ, 3 tuổi và 1 tuổi.
"Đến nay em mới giảng dạy 2 năm ở Lào, chưa hoàn thành nghĩa vụ nhưng quyết định 31 khiến em hoang mang. Chồng em đã chấp nhận hy sinh, xa vợ, ở nhà nuôi con nhỏ đợi em về được xét tuyển đặc cách, có công việc ổn định. Nhưng bây giờ, em thấy tương lai mịt mờ quá" – Dung chia sẻ.
Kết nối với PV Dân Việt qua mạng xã hội, Nguyễn Thị Niềm (SN 1992, trú xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh) cho biết, cô đang ở Lào.
Cô Niềm tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị năm 2013, ngành Giáo dục tiểu học.
Tháng 8/2015, Niềm tình nguyện qua Lào giảng dạy đến cuối tháng 5/2018 trở về.
Tháng 1/2019, nghe tin huyện Vĩnh Linh có tuyển giáo viên, Niềm mang theo giấy xác nhận hoàn thành nghĩa vụ giảng dạy ở Lào lên phòng Nội vụ huyện hỏi thì được trả lời, không còn cơ chế xét tuyển đặc cách cho giáo viên dạy từ Lào về nữa.
Ôm nỗi thất vọng về nhà, đến tháng 11/2019, Niềm hợp đồng với Trung tâm Hợp tác đầu tư và Quản lý các dự án tại Lào của TP.Đà Nẵng, giảng dạy tại Trung tâm tiếng Việt tỉnh Sêkong, Lào.
Cần có cơ chế tháo gỡ
Theo Hạnh và Dung, có tổng cộng 13 giáo viên bị ảnh hưởng bởi QĐ 31. Các cô giáo mong cơ quan chức năng có giải pháp tháo gỡ, bảo vệ quyền lợi cho họ.
Bà Lê Thị Hương – Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, các cô giáo tình nguyện qua Lào giảng dạy dựa trên thoả thuận hợp tác giữa hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet.
Hàng năm, Sở GDĐT Quảng Trị căn cứ chỉ tiêu đề xuất của Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet, thông báo về các huyện thị để tuyển dụng giáo viên tình nguyện dạy học tại Lào. Môn dạy chủ yếu là tiếng Việt hai cấp tiểu học và THCS, ngoài ra có âm nhạc, thể dục.
Theo bà Hương, trước đây thực hiện QĐ 10 của UBND tỉnh, các giáo viên tình nguyện sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy 3 năm học tại Lào sẽ được ưu tiên tuyển dụng đặc cách khi có chỉ tiêu biên chế tại các địa phương.
Tuy nhiên, thực hiện Nghị định 161/2018 của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành QĐ 31 thay thế QĐ 10. Theo đó, các giáo viên hoàn thành nghĩa vụ giảng dạy tại Lào không nằm trong diện được xét tuyển đặc cách.
Khi QĐ 31 có hiệu lực, Sở GDĐT Quảng Trị đã có văn bản trình UBND tỉnh và Sở Nội vụ tham mưu phương án tháo gỡ, giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên tình nguyện tại Lào.
Hiện nay, UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Sở GDĐT tham mưu phương án trình UBND tỉnh quyết định.
Bà Hương mong UBND tỉnh sớm có quyết định tháo gỡ vướng mắc trên, đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên tình nguyện tại Lào. Đồng thời, tỉnh cần có cơ chế mới trong việc tuyển dụng những giáo viên tình nguyện cho những năm tiếp theo, để Sở GDĐT tỉnh thực hiện tốt thoả thuận hợp tác giữa hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.