Tình trạng cán bộ trong các cơ quan tố tụng vi phạm quy định về phòng chống tham nhũng còn nhiều
Tình trạng cán bộ trong các cơ quan tố tụng vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng bị xử lý còn nhiều
Tất Định
Thứ sáu, ngày 13/09/2024 11:27 AM (GMT+7)
Trong báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024, do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày cho biết, tình trạng cán bộ, công chức trong các cơ quan tiến hành tố tụng vi phạm các quy định về phòng chống tham nhũng, bị xử lý hình sự diễn ra còn nhiều.
Tiếp tục chương trình phiên họp 37, sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo , trong đó có báo cáo về phòng, chống tham nhũng năm 2024 của Chính phủ.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đột phá; tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn.
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Năm 2024, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh. Các cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã khởi tố mới 722 vụ án/1.571 bị can; kết luận điều tra, đề nghị truy tố 689 vụ án/2.235 bị can.
Viện KSND các cấp thụ lý giải quyết trong giai đoạn truy tố 985 vụ/3.269 bị can, đã giải quyết 852 vụ/2.785 bị can.
TAND các cấp đã giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 750 vụ/1.851 bị cáo (tăng 274 vụ/736 bị cáo so với cùng kỳ), trong đó xét xử 640 vụ/1.531 bị cáo. TAND các cấp đã tuyên phạt tử hình và tù chung thân 10 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm với 62 bị cáo; tù từ trên 7 năm đến 15 năm đối với 203 bị cáo…
Các cơ quan đã kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm, kể cả trong khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước, cả những vụ việc tồn đọng, kéo dài hoặc vụ việc mới phát sinh, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương.
Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số tài sản thiệt hại trong các vụ án đang thụ lý, điều tra tạm tính khoảng 4.586 tỷ đồng và 59.899m2 đất. Các cơ quan đã thu hồi, kê biên, tạm giữ khoảng 1.535 tỷ đồng và 45.303m2 đất, hơn 2,6 triệu USD, 97 miếng kim loại màu vàng, 534 cây vàng SJC, 9 bất động sản, 1.444 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các loại, 01 xe Mercedes Ben….
Cùng với đó, tạm dừng giao dịch, chuyển nhượng đối với 88 bất động sản; yêu cầu ngân hàng tạm dừng giao dịch đối với 13 sổ tiết kiệm (tổng giá trị khoảng 1.117 tỷ đồng).
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng còn có những hạn chế.
"Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ chưa chuyển biến, rất ít vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện qua tự kiểm tra", theo Ủy ban Tư pháp.
Chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu; còn có vụ án phải đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm; nhiều vụ án phải trả hồ sơ để điều tra lại.
Đáng chú ý, nhiều vụ án phải tạm đình chỉ do bị can bỏ trốn, do hết thời hạn điều tra chưa xác định được hành vi phạm tội, chưa xác định được bị can.
Ủy ban Tư pháp lưu ý, việc chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản phục vụ giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế chưa có nhiều chuyển biến.
Tài sản phải thu hồi trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn tồn đọng lớn, nhiều tài sản phải thu hồi nhưng chưa được làm rõ về tình trạng pháp lý khi tiến hành kê biên, gây khó khăn cho giai đoạn thi hành án.
"Tình trạng cán bộ, công chức trong các cơ quan tiến hành tố tụng vi phạm các quy định về phòng chống tham nhũng, bị xử lý hình sự diễn ra còn nhiều", báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Lê Thị Nga trình bày nêu rõ.
Những sai phạm về tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, theo cơ quan thẩm tra, cho thấy có sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của nhiều tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực.Công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, đấu thầu, quản lý tài sản công, quản lý tài nguyên, khoáng sản...
Công tác phát hiện, xử lý tội phạm về tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng cần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả.
Cần tiếp tục vận động đầu thú, truy bắt các đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài; tập trung chỉ đạo khắc phục những bất cập trong công tác giám định, định giá tài sản, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan tiến hành tố tụng.
"Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có kỷ cương, kỷ luật hành chính, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước", báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp trình bày nêu rõ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.