Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: Sẽ kiểm toán nước sông Mê Kông

PVCT Thứ năm, ngày 11/06/2020 13:44 PM (GMT+7)
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, hiện đang lấy ý kiến 47 cơ quan kiểm toán tối cao châu Á để đưa việc kiểm toán nước sông Mê Kông vào diễn đàn. Việc này đã xin ý kiến lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, Ủy ban sông Mê Kông và nhận được sự đồng thuận cao.
Bình luận 0

Sáng nay (11/6), Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Phát biểu tại tổ Nghệ An, Quảng Ninh, Hậu Giang, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước (ĐBQH Đoàn Nghệ An) cho biết: Vấn đề bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của mọi người dân và các cơ quan tổ chức. Chính vì thế cần bổ sung trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, HĐND, UBND các cấp và người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường; đặc biệt là các cơ quan Nhà nước như nhiệm vụ quyền hạn trong quản lý, giám sát, kiểm tra về môi trường. Bổ sung như vậy sẽ quản lý một cách toàn diện với công tác về môi trường.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: Sẽ kiểm toán nước sông Mê Kông - Ảnh 1.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc (Ảnh Ng.T).

Về kiểm toán môi trường, theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, dự thảo Luật chỉ quy định quản lý chất thải và kiểm soát chất thải ô nhiễm môi trường, quy định như vậy chưa đầy đủ, chưa toàn diện, vì vấn đề môi trường đến bảo vệ môi trường là nội dung rộng lớn…

"Trong quy định, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về môi trường, tôi đề nghị bổ sung thêm một điều là Kiểm toán Nhà nước thực hiện việc kiểm toán công tác quản lý và bảo vệ môi trường, như vậy sẽ rõ ràng hơn", Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nói.

Bổ sung thứ hai theo ĐBQH Hồ Đức Phớc là báo cáo công khai theo Luật Kiểm toán Nhà nước. Ông dẫn chứng, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có định nghĩa: Thành phần môi trường là yếu tố vật chất tạo thành môi trường gồm đất, nước, không khí, sinh vật và hình thành vật chất khác.

Còn Luật quản lý tài sản công có quy định: Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm đất đai và các tài nguyên khác. Theo Hiến pháp và Luật Kiểm toán Nhà nước thì đây là nội dung thuộc đối tượng của Kiểm toán.

Sau khi dẫn chiếu cơ sở pháp lý, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc dẫn thông lệ quốc tế. Hiện nay có 195 cơ quan Kiểm toán tối cao thuộc tổ chức kiểm toán INTOSAI đã thực hiện kiểm toán về môi trường và có một bộ phận chuyên kiểm toán về môi trường vì sự phát triển bền vững.

Hiện Kiểm toán Nhà nước cùng với cơ quan Kiểm toán của 5 nước đang thực hiện việc kiểm toán nước sông Mê Kông. 

"Tại diễn đàn của Ban Điều hành ở Hội nghị ASOSAI (Tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao châu Á) lần thứ 2 họp tại Bangladesh, chúng tôi đề nghị các cơ quan Kiểm toán tối cao của các nước khu vực sông Mê Kông cùng kiểm toán nước của dòng sông này, nguy cơ nước của sông Mê Kông có tác động đến Việt Nam, Camphuchia, Thái Lan rất lớn.

Chúng tôi đang lấy ý kiến 47 cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á để đưa vào diễn đàn. Việc này chúng tôi đã xin ý kiến lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, Ủy ban sông Mê Kông và nhận được sự đồng thuận cao", Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc cho biết.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem