ĐBQH: Ông nhà giàu đi Mercedes, Bentley mà phạt 3 triệu đồng thì họ cười khẩy,
ĐBQH: Ông nhà giàu đi Mercedes, Bentley mà phạt 3 triệu đồng thì họ cười khẩy, nhưng...
PVCT
Thứ tư, ngày 10/06/2020 14:23 PM (GMT+7)
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng, đối với vi phạm luật giao thông, người nhà giàu đi Mercedes, Bentley mà phạt 3 triệu đồng thì họ cười khẩy. Nhưng bắt họ đi lao động, đi học luật họ mới sợ.
Sáng nay (10/6), Quốc hội thảo luận tại tổ cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính.
Không được dùng đồng tiền thay thế cho nhận thức pháp luật
Phát biểu tại tổ TP.HCM, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng: Xử phạt vi phạm hành chính không phải là để khai thác nguồn thu mà để điều chỉnh hành vi và nhận thức về luật pháp. "Nếu không như thế thì dù chúng ta có ra hàng "kho" luật nhưng các hình thức chế tài không đúng mức và không đi đúng mục tiêu là nâng cao nhận thức và tự điều chỉnh hành vi, tôn trọng pháp luật thì chúng ta sẽ luôn gặp khó khăn", ông nói.
Theo ĐB Như Khuê, thực tế có điều rất lạ, nhiều người hành xử rất bừa bãi nhưng ra nước ngoài lại ngoan ngoãn chấp hành quy định của nước sở tại, ví dụ không hút thuốc nơi công cộng, hành xử có văn hoá… tuy nhiên khi họ trở về trong nước lại cư xử khác.
"Ở nước ngoài, các hình thức chế tài rất nặng để uốn nắn nhận thức, chứ không phải anh có tiền, anh xem đồng tiền thay thế cho nhận thức pháp luật", ĐB Khuê cho hay.
Vị ĐBQH này nhắc lại vấn đề sim rác, đây là câu chuyện Quốc hội nói suốt 4 kỳ họp, Bộ trưởng cũng hứa sẽ ngăn chặn nhưng cũng chỉ được một giai đoạn.
"Tôi cũng là nạn nhân của sim rác, nửa đêm bị dựng dậy mời mua đất, bán nhà, mua sim… Tôi cũng không hiểu vì sao số điện thoại của khách hàng lại lộ ra ngoài, gắn với tên tuổi đàng hoàng… Cần thiết phải tăng mức hình phạt tối đa ở một số lĩnh vực, bởi nếu không cẩn thận thì người bị xử phạt coi đó là hình thức "phủi bụi", ĐB Khuê cho biết.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng: Nguyên tắc xử phạt là phải có hiệu lực mà để bảo đảm hiệu lực thì phải có biện pháp cưỡng chế. Xử phạt là làm cho người ta sợ, người ta ngại, người ta không dám vi phạm.
“Vi phạm luật giao thông, người nhà giàu đi Mercedes, Bentley mà phạt 3 triệu đồng thì họ cười khẩy. Nhưng bắt đi lao động, đi học luật họ mới sợ. Còn ai không có tiền thì đi lao động công ích… Xử phạt vi phạm hành chính mà chỉ như “gãi ngứa” thì còn khuyến khích người ta vi phạm nhều hơn”, ĐB Nghĩa nói.
Ở góc độ khác, ĐB Dương Ngọc Hải (TP.HCM) đặt vấn đề: Có coi cúp điện nước là biện pháp cưỡng chế không? Theo ông, việc này chỉ khả khi trong trường hợp công trình xây dựng trái phép ở gia đình, còn với những công trình có quy mô lớn sẽ khó áp dụng biện pháp này.
"Nếu coi cúp điện nước là biện pháp cưỡng chế thì chưa đúng. Cưỡng chế là cái của người khác, cơ quan chức năng thu giữ. Còn điện nước không phải của người vi phạm mà thông qua dịch vụ. Đây coi là biện pháp ngăn chặn thì hợp lý hơn, đúng hơn", ĐB Hải cho hay.
Đề xuất hình thức bổ sung là tăng mức xử phạt lên
Phát biểu tại tổ Sóc Trăng, Quảng Nam, Kon Tum, Yên Bái, ĐBQH Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng: Về việc bổ sung hình phạt cưỡng chế và đã đề xuất một số hình phạt, trong đó, có đề xuất ngừng cung cấp điện, nước tại địa điểm vi phạm, đây là giải pháp không cần thiết và giải pháp này cho đến cùng cũng chỉ là về kinh tế.
"Ngừng cung cấp điện nước thì hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của doanh nghiệp, cá nhân cũng bị ảnh hưởng. Một xí nghiệp có hàng ngàn công nhân mà ngừng cung cấp nước thì sẽ ảnh hưởng đến cả nghìn người này", ĐB Thể nói.
Theo ĐB Thể, chúng ta nói sẽ xử lý ở vị trí cá nhân, tổ chức vi phạm, có thể nói là nhẹ nhàng nhưng hậu quả phía sau có thể rất lớn. "Tôi đề nghị hình thức bổ sung nếu vi phạm có thể phạt tăng gấp 10 - 50 lần mức vi phạm hiện nay", ĐB Thể đề xuất.
Ông giải thích, đó cũng là phạt bổ sung nhưng đánh thẳng vào kinh tế. Nếu anh chậm xử lý việc đã vi phạm, lặp đi lặp lại hoặc có vấn đề thì tôi sẽ có biện pháp xử phạt rất cao. Đó là "đánh" thẳng vào kinh tế, cũng là kinh tế nhưng điều đó không gây ảnh hưởng đến xã hội, nó tác động lớn và những người vi phạm phải chấp hành.
"Còn anh không chấp hành đến giờ G thì mức xử phạt tăng lên rất cao, trách nhiệm sẽ rất lớn. Xử phạt vi phạm hành chính về kinh tế sẽ "đánh" trực tiếp vào cá nhân, tổ chức vi phạm nhưng ít ảnh hưởng đến cộng đồng. Việc này đảm bảo tính răn đe, ổn định xã hội. Còn việc cắt điện, cắt nước ở một nhà xưởng sẽ ảnh hưởng ghê gớm, lâu dài đến đơn đặt hàng, công nhân, nhiều thứ nữa", ĐB Nguyễn Văn Thể nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.