TP.Hải Phòng cưỡng chế trường hợp chây ỳ giao đất để làm nhà ở xã hội

Lê Quân Thứ sáu, ngày 16/08/2024 14:17 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng chia sẻ kinh nghiệm như vậy tại Hội thảo "Hải Phòng - Điểm sáng phát triển nhà ở xã hội" do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 16/8.
Bình luận 0

Cơ chế phát triển nhà ở xã hội đã thuận lợi hơn

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, cho biết cả nước có 619 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô gần 562 nghìn căn hộ. Trong đó, hoàn thành 79 dự án với quy mô hơn 40.600 căn. Số lượng dự án đã cấp phép, khởi công xây dựng là 128 dự án với quy mô hơn 111.600 căn; số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 412 dự án với quy mô gần 410.000 căn.

TP.Hải Phòng cưỡng chế trường hợp chây ỳ giao đất để làm nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, cơ chế phát triển nhà ở xã hội đã thoáng hơn - Ảnh: Lê Quân

Theo ông Sinh, hệ thống pháp luật liên quan đến nhà ở xã hội thời gian qua đã có nhiều điểm mới, cải thiện rõ rệt.

Thứ nhất, đã thể chế hóa được chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về nhà ở, nhất là nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp. Thứ hai, các bộ luật đã khắc phục được một số mâu thuẫn chồng chéo, không đồng bộ. Thứ ba là tăng cường phân cấp phân quyền trong thực hiện các dự án. Thứ tư là cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện, triển khai các dự án. Thứ năm là các quy định rõ ràng hơn, đặc biệt là có nhiều nội dung đổi mới về trình tự đầu tư dự án, tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện phê duyệt, các doanh nghiệp thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, chính sách linh hoạt trong việc dành quỹ đất tại các dự án thương mại để phát triển nhà ở xã hội, có thể hoán đổi, trả tiền. Trong đó, UBND các địa phương được chủ động căn cứ nhu cầu sẽ dành quỹ đất đảm bảo đủ cho việc phát triển nhà ở xã hội.

Cũng theo ông Sinh, chính sách về ưu đãi chủ đầu tư, tạo điều kiện hấp dẫn, ưu đãi rõ hơn. Việc đầu tư dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, không phải làm thủ tục xác định giá đất, giúp rút ngắn thủ tục 6 tháng - 1 năm.

Điều kiện với người mua nhà ở xã hội đã đơn giản hơn. Giá bán, giá cho thuê của nhà ở xã hội đã được tính theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí xây dựng của doanh nghiệp.

Ông Sinh cũng nhấn mạnh, thời gian qua, nhiều địa phương đã tích cực vào cuộc, thúc đẩy các dự án bất động sản, trong đó có các dự án nhà ở xã hội. "Hải Phòng là một điểm sáng, được đánh giá rất cao về công tác chỉ đạo, lãnh đạo, thực hiện. Theo đề án của Chính phủ, Hải Phòng sẽ thực hiện 33.400 căn nhà ở xã hội đến năm 2030. Thành phố báo cáo, đến năm 2025 sẽ đạt được mức 15.400 căn thì 2030 có thể sẽ vượt mục tiêu trên", ông Sinh nói.

Nhà ở xã hội tại Hải Phòng thường nằm ở vị trí đẹp trong nội đô

Ông Sinh cho rằng, Hải Phòng đã rất quan tâm dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; quan tâm vị trí rất đẹp trong nội đô thành phố. Các vị trí đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Thành phố cũng rất tích cực cải cách thủ tục hành chính, các sở, ngành. Nhiều dự án được phê duyệt, thẩm định, triển khai rất nhanh đảm bảo thủ tục pháp lý. Thành phố cũng lựa chọn được các chủ đầu tư triển khai dự án có năng lực, triển khai nhanh. Chất lượng một số dự án rất cao, ngang hoặc thậm chí cao hơn nhà ở thương mại.

TP.Hải Phòng cưỡng chế trường hợp chây ỳ giao đất để làm nhà ở xã hội - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng cho biết, nhiều dự án nhà ở xã hội trên địa bàn có vị trí trong nội đô - Ảnh: Lê Quân

Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng, chia sẻ theo Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội được Thủ tướng phê duyệt, địa phương này được giao chỉ tiêu hoàn thành 33.500 căn hộ trước năm 2030. Trong đó, giai đoạn 1, trước năm 2025 hoàn thành 15.400 căn; giai đoạn 2 trước năm 2030, hoàn thành 18.100 căn.

Từ 2022 đến nay, TP.Hải Phòng đã khởi công 9 dự án nhà ở xã hội với tổng số trên 15.000 căn. Dự kiến, trong năm 2025 sẽ hoàn thành xong phần thô, hướng đến hoàn thành chỉ tiêu giai đoạn 1. Bên cạnh đó, thành phố hiện có 21 dự án đã có chủ trương đầu tư hoặc nhà đầu tư đang chuẩn bị khởi công xây dựng với quy mô 20.400 căn, dự kiến hoàn thành hoặc có sản phẩm đưa ra thị trường từ nay đến năm 2030; hướng đến mục tiêu hoàn thành chỉ tiêu giai đoạn 2.

Ngoài ra, TP.Hải Phòng đã định hướng, quy hoạch, bố trí quỹ đất khoảng 42 địa điểm với diện tích gần 500 ha để thực hiện các dự án nhà ở xã hội.

TP.Hải Phòng cưỡng chế trường hợp chây ỳ giao đất để làm nhà ở xã hội - Ảnh 3.

Một dự án nhà ở xã hội tại TP.Hải Phòng - Ảnh: Lê Quân

Theo ông Thọ, kinh nghiệm của TP.Hải Phòng trong phát triển nhà ở xã hội là đẩy nhanh, rút gọn thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong quá trình xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.

Tập trung rà soát nguồn gốc đất đai khi thực hiện dự án. Quyết liệt thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng. Thành phố thực hiện cưỡng chế đối với các trường hợp chây ỳ làm ảnh hưởng tới tiến độ của dự án.

Chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Phòng, Ngân hàng Chính sách xã hội tích cực tham gia hỗ trợ trợ chủ đầu tư, người dân tiếp cận gói vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.

Chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể cho các cơ quan, đơn vị trong việc xác nhận cho người dân đăng ký mua nhà ở xã hội theo đúng quy định của pháp luật; nghiêm cấm phiền hà, sách nhiễu; đầu cơ, thổi giá, thu phí chênh lệch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận nhà ở xã hội và chủ đầu tư trong việc kinh doanh sản phẩm.

Ông Nguyễn Anh Tuân, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.Hải Phòng cho biết, tổng lực lượng lao động địa bàn hiện có khoảng 1,2 triệu người, nhu cầu về nhà ở xã hội hơn 50.000 căn hộ. Nhưng, giá bán của một số dự án nhà ở xã hội tại Hải Phòng hiện còn khá cao, không có ranh giới rõ ràng với nhà ở thương mại, khi giá bán dao động từ 16 - 19 triệu đồng/m2, thậm chí nếu tính thêm cả chi phí nội thất thì giá trị căn hộ sẽ lên đến hơn 20 triệu đồng/m2.

TP.Hải Phòng cưỡng chế trường hợp chây ỳ giao đất để làm nhà ở xã hội - Ảnh 4.

Đông đảo đại biểu dự hội thảo về nhà ở xã hội tại TP.Hải Phòng - Ảnh: Lê Quân

Ngoài ra, còn xuất hiện tình trạng đầu cơ, trục lợi nhà ở xã hội để hưởng chênh lệch với mức chênh trung bình từ 100 - 200 triệu đồng/căn. Điều này ảnh hưởng ít nhiều đến niềm tin của công nhân và người lao động muốn mua nhà ở xã hội. Ngoài ra, hiện tại các thủ tục để làm hồ sơ mua, thuê mua NƠXH còn quá rườm rà, chồng chéo khiến người có nhu cầu hoang mang.

Ông Tuân cũng cho rằng, cần nghiên cứu thêm các cơ chế ưu đãi cho người lao động thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp và nhà đầu tư để phát triển thị trường NƠXH trên địa bàn ổn định và bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem