TP.HCM: Bệnh viện đông kín bệnh nhi viêm đường hô hấp
TP.HCM: Bệnh viện đông kín bệnh nhi viêm đường hô hấp
Bạch Dương
Thứ ba, ngày 28/06/2022 15:35 PM (GMT+7)
Cùng các dịch bệnh thường niên đang lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, các bệnh viện nhi đồng tại TP.HCM đang tiếp nhận nhiều trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ dưới 1 tuổi đã phải nhập viện vì các bệnh về đường hô hấp.
Chị Lê Thị Hoa (quận Bình Tân, TP.HCM) đang chăm sóc con gái 2 tuổi thở khí dung tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, lúc đầu bé chỉ ho húng hắng. Chỉ sau 1 ngày, bé ho nặng, liên tục đến không ngủ được. Đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bé phải nhập viện ngay. Ngày đầu, bé được cho thở khí dung 6 cữ rồi giảm dần.
"Tôi cứ nghĩ do thời tiết thay đổi nên con bị ho, sổ mũi nhẹ nên có chút chủ quan, không nghĩ con phải nằm viện", chị Hoa lo lắng.
Hơn 1 tháng qua, trẻ đến khám vì bệnh hô hấp đã tăng cao. Với nhóm trẻ dưới 3 tháng tuổi, bác sĩ yêu cầu phải nhập viện để theo dõi. Một số trẻ khác có bệnh nền kèm theo, diễn tiến nặng, phải thở máy tại phòng cấp cứu.
Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 đang điều trị cho khoảng 250 trẻ nội trú. Trong đó, có những em bé chỉ mới 1-2 tháng tuổi phải nhập viện vì viêm tiểu phế quản.
Ôm cậu con trai nhỏ 4 tháng tuổi, chị Tiên (quê Tây Ninh) cho biết, con chị vừa phải điều trị Covid-19 gần 1 tháng trong khoa hồi sức, khỏi Covid-19 thì bé thở khò khè, có đờm đặc nên được chuyển lên khoa Hô hấp để điều trị tiếp.
Trong phòng cấp cứu, nơi điều trị những bệnh nhi mắc bệnh từ nặng đến rất nặng, nhiều y bác sĩ đang dồn sức cứu chữa một bệnh nhi vài tháng tuổi bị viêm phổi nặng, phải thở máy.
Có em bé mới 8 tháng tuổi đã nằm viện hơn 4 tháng vì mắc nhiều bệnh liên quan đến hô hấp như viêm phổi, bướu máu, nhão cơ hoành, mềm sụn thanh quản, có thời điểm bé phải thở oxy.
Các giường bệnh tại phòng bệnh điều trị trẻ mắc bệnh mức độ trung bình đã chật kín bệnh nhi và phụ huynh. Thời tiết oi bức vào buổi trưa khiến trẻ bức bối, khó chịu, phụ huynh vất vả chăm sóc, dỗ dành.
Tình hình cũng tương tự ở Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. Hiện có 280 trẻ nằm điều trị tại Khoa Hô hấp, so với tháng trước là 250 trường hợp. Trẻ chủ yếu bị viêm tiểu phế quản, hen phế quản, viêm phổi....
Mỗi ngày, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận trên 4.000 trẻ đến thăm khám, đỉnh điểm có ngày lên 6.000 lượt. Các bác sĩ cho biết, hầu hết các bệnh đều tăng, sốt xuất huyết vẫn là bệnh đáng ngại nhất, sau đó là tay chân miệng, bệnh hô hấp...
Tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố, từ đầu tháng 5, số lượt bệnh nhi dưới 5 tuổi đến khám và điều trị các bệnh hô hấp như nhiễm khuẩn hô hấp cấp, hen phế quản, viêm hô hấp trên, viêm phổi, hen suyễn... tăng khoảng 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này, có khoảng 5% trẻ phải nhập viện điều trị và có trẻ chuyển nặng.
Đề phòng các bệnh theo mùa
Theo bác sĩ Lê Đình Bảo Tịnh, Phó trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1, diễn tiến này là phù hợp so với mọi năm, không bất thường. TP.HCM đã bước vào mùa mưa, thời tiết thay đổi, trẻ dễ nhiễm bệnh. "Song song với sốt xuất huyết, tay chân miệng, trẻ mắc bệnh hô hấp cũng tăng. Đặc biệt là bệnh viêm tiểu phế quản do virus hô hấp hợp bào gây nên", bác sĩ Tịnh nói.
Để dự phòng, Bệnh viện Nhi đồng 1 sẽ tăng thêm phòng khám hô hấp, điều phối để trẻ không phải nằm ghép. Bệnh viện này vừa đưa vào hoạt động tòa nhà mới nên dự kiến đủ cơ số giường, phòng cho các bệnh nhi.
Bác sĩ Tịnh cho biết, trong số các bệnh hô hấp, viêm tiểu phế quản là bệnh rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Ở mức độ nhẹ và trung bình, trẻ cần được vệ sinh mũi, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Phụ huynh cần biết cách theo dõi các dấu hiệu như thở nhanh, thở rút lõm ngực, li bì, không ăn uống không bú được… để kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện.
Bác sĩ khuyến cáo, viêm tiểu phế quản mức độ nhẹ và trung bình hoàn toàn có thể điều trị ở y tế cơ sở. Cha mẹ không nhất thiết cho con lên bệnh viện lớn như Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 vì quá đông đúc, rất vất vả. Trẻ có sức kháng kém có thể bị lây nhiễm chéo các bệnh lây truyền khác.
Thời điểm này, TP.HCM cũng như các tỉnh phía Nam đang lưu hành nhiều mặt bệnh. Người dân cần chú ý thực hiện các biện pháp phòng ngừa như rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi đến môi trường đông đúc như bệnh viện, diệt muỗi và lăng quăng (phòng sốt xuất huyết), tiêm đủ các mũi vaccine phòng bệnh cho trẻ....
Vui lòng nhập nội dung bình luận.