Phía Nam thiếu thuốc điều trị sốt xuất huyết, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn "sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế"

Bạch Dương Thứ hai, ngày 27/06/2022 18:27 PM (GMT+7)
Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chiều 27/6, vấn đề căng thẳng thiếu thuốc điều trị sốt xuất huyết lại một lần nữa được đặt ra.
Bình luận 0
Giải pháp nào cho thực trạng thiếu thuốc điều trị sốt xuất huyết tại phía Nam? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm bệnh nhi sốt xuất huyết tại Bệnh viện quận 8. Ảnh: B.D

Thế giới ngừng sản xuất, phải tính phương án chủ động dung dịch Dextran

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, hiện nay dung dịch điều trị sốc sốt xuất huyết chủ lực là dung dịch cao phân tử Dextran và HES 200 đều thiếu. Các bệnh viện đang phải dùng dung dịch HES 130.000 để thay thế dù hiệu quả không bằng. Tuy nhiên có một khó khăn rất lớn là HES 130.000 không nằm trong danh mục được BHYT thanh toán.

Ngoài ra, thuốc vận mạch Dopamin cần cho hồi sức cũng thiếu. Các bệnh viện đều phải tìm phương án thay thế dù hiệu quả không bằng.

Theo BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, dung dịch để điều trị sốc sốt xuất huyết hiệu quả nhất vẫn là Dextran. Tuy nhiên hiện tại Tổ chức Y tế thế giới đã chống chỉ định thuốc này trong hồi sức nên các nước châu Âu, Mỹ đã ngừng sản xuất. Thuốc này được xác định tác hại trên rối loạn đông máu trong điều trị hồi sức cấp cứu, tuy nhiên lại rất có tác dụng trong điều trị sốc sốt xuất huyết vì có cơ chế thoát huyết tương. Thực tế, do các nước châu Âu, Mỹ không có dịch sốt xuất huyết nên họ không quan tâm và không sản xuất. Hiện Việt Nam chỉ còn một nguồn nhập duy nhất từ Thái Lan.

Vì thế, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị Cục Quản lý dược, Bộ Y tế hỗ trợ việc nhập thuốc Dextran, hướng đến sản xuất thuốc này trong nước để chủ động trong điều trị. Cùng với đó, nên có quỹ dự phòng mua sắm thuốc hiếm, dịch truyền đặc hiệu cho các tỉnh thành.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế, tìm phương án giải quyết sớm nhất về thuốc, kinh phí cho các bệnh viện và địa phương. "Những thuốc chống sốc hàng đầu như Dopamin hiện khan hiếm, việc thay thế bằng thuốc khác chưa chắc hiệu quả nên Bộ Y tế sẽ có phương án sớm. Bộ sẽ làm việc với Cục Quản lý dược, đảm bảo tối thiếu nguồn thuốc cho các bệnh viện. Thuốc như vũ khí mà không có thuốc thì làm sao đánh giặc được", Thứ trưởng chia sẻ.

Tại cuộc họp, đại diện Cục Quản lý dược cho biết, trong thời gian tới sẽ có nhà máy sản xuất Dextran tại Đồng Nai để chủ động cung cấp dịch truyền cho các bệnh viện. Đồng thời, Bộ Y tế cũng sẽ làm việc với BHXH để đưa thuốc HES 130.000 vào danh mục thanh toán BHYT.

Giải pháp nào cho thực trạng thiếu thuốc điều trị sốt xuất huyết tại phía Nam? - Ảnh 3.

Bệnh nhi sốt xuất huyết nặng tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Nguyễn Ly

Giải quyết thực trạng bệnh nhân chuyển viện tử vong

BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu đưa ra thực trạng thời gian vừa qua, Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi có 3 trường hợp sốc sốt xuất huyết nặng, chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy đều tử vong do quãng đường quá xa (di chuyển bằng xe cấp cứu mất gần 2 tiếng đồng hồ). Nhận thấy việc chuyển viện này không an toàn, Sở đã giao Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tập huấn cho Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi, nếu có ca nặng thì tổ chức hội chẩn, điều trị tại chỗ.Nếu cần sẽ tái khởi động cấp cứu liên viện, tránh trường hợp chuyển bệnh nhân quá nặng lên bệnh viện thành phố không an toàn.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng kiến nghị Bộ Y tế có nguồn kinh phí cho bệnh viện tuyến cuối trong chỉ đạo tuyến. Hiện 4 bệnh viện tuyến cuối của TP là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng TP phải thường xuyên đi tập huấn cho bệnh viện tuyến dưới nhưng lâu nay đã không còn kinh phí.

BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP cho biết, dự báo số ca mắc nhập viện sẽ tăng gấp đôi năm trước. Hiện bệnh viện đang có 5 ca thở máy, 8 ca sốc sốt xuất huyết. Đáng chú ý, 80% ca nặng chuyển đến từ các tỉnh. Lý do chủ yếu là các tỉnh không còn thuốc điều trị sốc sốt xuất huyết nên chuyển hết lên tuyến trên.

BS Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM nêu thực trạng, số ca sốt xuất huyết người lớn đang tăng rất nhanh. Trong khi bệnh nhi có 3 bệnh viện chuyên khoa nhi tuyến cuối của thành phố thì người lớn chỉ có duy nhất Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới nên hiện nay, bệnh viện đã rơi vào tình trạng quá tải. Các trường hợp tái sốc sốt xuất huyết ở các khoa nhiễm hiện nay chỉ có thể hội chẩn và điều trị tại khoa, trừ trường hợp phải thở máy vì khoa hồi sức cấp cứu đã không còn chỗ.

Giải pháp nào cho thực trạng thiếu thuốc điều trị sốt xuất huyết tại phía Nam? - Ảnh 4.

Một phòng điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: B.D

BS Dũng cho biết,  Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới sẽ hạn chế nhận hồi sức nhi, chuyển bệnh nhân qua các bệnh viện nhi của thành phố để tập trung giường bệnh điều trị cho hồi sức cho người lớn.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo Cục Quản lý dược khẩn trương tìm kiếm nguồn cung thuốc, vật tư y tế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục cấp phép, nhập khẩu, quy định giá… kịp thời cung ứng cho các cơ sở y tế. Trong bối cảnh thuốc điều trị khan hiếm, đứt nguồn cung, các cơ sở y tế cần linh động tìm kiếm nguồn thuốc thay thế, sử dụng phác đồ thay thế nhưng hiệu quả đảm bảo việc cứu chữa cho người bệnh.

Là trung tâm của khu vực phía Nam, TP.HCM có nhiều bệnh viện tuyến cuối, do đó để hạn chế quá tải, Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện tuyến cuối cần tăng cường tập huấn, hỗ trợ chuyên môn để nâng cao năng lực điều trị cho tuyến dưới, hạn chế tình trạng chuyển tuyến. Ngoài ra, cần tổ chức họp phân tích tất cả các ca tử vong do sốt xuất huyết, báo cáo Bộ Y tế để từ đó rút kinh nghiệm trong điều trị các ca bệnh nặng, giảm thiểu nguy cơ tử vong.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem