Trai làng Sài Gòn thử sức làm giàu với mô hình hợp tác xã
Trần Đáng
Thứ ba, ngày 16/08/2022 06:32 AM (GMT+7)
Sau dịch Covid-19 tạm lắng, bên cạnh những tác động nặng nề đến kinh doanh, sản xuất, lĩnh vực kinh tế tập thể vẫn có những tia sáng khi liên tiếp nhiều hợp tác xã xuất hiện trên địa bàn TP.HCM.
Phát hiện thị trường thịt thỏ rộng mở, anh Nguyễn Mạnh Hùng (xã An Nhơn Tây, Củ Chi, TP.HCM) đã thành lập Hợp tác xã Thỏ sạch An Nhơn Tây (Củ Chi) chuyên cung cấp thịt và giống thỏ cho thị trường.
Thử sức với hợp tác xã
Anh Hùng cho biết, sau thời gian tìm hiểu, anh phát hiện trong lĩnh vực chăn nuôi thỏ chưa ai tổ chức nuôi quy mô, bài bản. Các hộ nuôi thỏ chủ yếu nhỏ, lẻ, tự nuôi tự bán chưa phát triển hướng kinh doanh.
"Bà con quan niệm nuôi thỏ là làm thêm chứ không cho đó là đối tượng nuôi chủ lực để phát triển kinh tế", anh Hùng nhận định.
Thế là, anh Hùng mở trại nuôi thỏ sạch thử nghiệm. Vừa nuôi thỏ, anh vừa đi tìm đầu ra. Anh phát hiện thực tế thị trường có một phân khúc người tiêu dùng rất thích thịt thỏ.
Từ đây, anh tăng sản lượng đàn thỏ nuôi. Khi thấy nguồn cung không đủ, anh gầy dựng thêm những vệ tinh nuôi cung cấp thỏ cho hợp tác xã.
Hiện, hợp tác xã có 40 vệ tinh chuyên nuôi thỏ sạch với tổng đàn gần 15.000 con. Trong đó, hơn 3.000 thỏ nái.
"Hợp tác xã hỗ trợ vật tư, lồng chuồng, cám, giống cho các vệ tinh với giá cả hợp lý. Có nhóm chuyển giao kỹ thuật nuôi thỏ sạch cho các vệ tinh. Hợp tác xã bao tiêu đầu ra thỏ giống và thỏ thịt cho bà con nuôi thỏ", anh Hùng thổ lộ.
Cũng theo anh Hùng, việc liên kết nuôi thỏ là một cách hay để giúp giá thỏ trên thị trường ổn định. Lâu nay, khi thấy giá thỏ cao, bà con tăng đàn và ngược lại, điều này khiến giá thỏ trồi sụt thất thường, gây thiệt hại lớn cho nông dân nuôi thỏ.
Hiện, các vệ tinh nuôi thỏ cho Hợp tác Thỏ sạch An Nhơn Tây tập trung ở Củ Chi (TP.HCM), Gò Dầu, Dầu Tiếng, Trảng Bàng (Tây Ninh).
Sau 2 năm nuôi thỏ sạch, nhận thấy đầu ra khá lý tưởng, anh Hùng dừng việc nuôi và chuyển sang kinh doanh thỏ.
Hiện, thị trường tiêu thụ thỏ thịt của Hợp tác xã Thỏ sạch An Nhơn Tây tập trung ở TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu và TP.Phú Quốc. Hợp tác xã đang định mở rộng thị trường tiêu thụ ở miền Trung và miền Bắc.
"Mỗi ngày, hợp tác xã bán ra hơn 100 con thỏ móc hàm. Ngoài ra, hợp tác xã còn giao thỏ hơi cho một số quán ăn, nhà hàng. Bên cạnh đó, hợp tác xã còn có các điểm bán thỏ quay", anh Hùng thông tin.
Cũng như anh Hùng, vài tháng trước anh Lê Minh Hải (xã Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM) thành lập Hợp tác xã Chăn nuôi dê Đa Phước gồm 7 thành viên với 500 con dê chuyên cung cấp sữa, thịt và giống dê theo quy trình sạch.
Hiện, mỗi ngày hợp tác xã cung cấp 60-80 lít sữa dê tươi ra thị trường. Ngoài bán sữa dê tươi, hợp tác xã còn sản xuất 2 sản phẩm sữa dê thanh trùng và sữa chua, cũng như thịt dê ra thị trường TP.
Tăng cường hỗ trợ hợp tác xã hoạt động có hiệu quả
Theo Sở NNPTNT, tính đến cuối 6/2022, TP có 153 hợp tác xã nông nghiệp. Trong đó, có 108 hợp tác xã đang hoạt động với tổng số thành viên là 2.509 thành viên. Tổng vốn điều lệ hơn 339 tỷ đồng.
Hiện, Sở NNPTNT TP.HCM đang thực hiện đề án Phát triển hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả trên địa bàn TP giai đoạn 2021 – 2025 để hỗ trợ cho các hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Sở NNPTNT cho biết, nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác đã biết phát huy nội lực, tranh thủ các điều kiện để phát triển. Nhiều hợp tác xã chuyển dần từ hình thức chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sang cung cấp dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống của thành viên.
Thời gian tới, Sở NNPTNT sẽ triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm theo Quyết định số 1804 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 – 2025.
Hỗ trợ hợp tác xã xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn hiệu hàng hóa để đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.