Trạng Quét - Học trò xuất sắc nhất của Chu Văn An là ai?

Thứ ba, ngày 14/05/2019 20:30 PM (GMT+7)
Lê Quát vượt qua hoàn cảnh khốn khó, trở thành học trò xuất sắc của thầy Chu Văn An, thi cử đỗ đạt, góp ích cho đời.
Bình luận 0

Lê Quát (1319-1386) tự là Bá Quát, hiệu Phong Mai, người huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá (cùng quê với Lê Văn Hưu). Tương truyền, ông chính là dòng dõi của thái sư Lê Văn Thịnh, bậc khai khoa trong nền khoa bảng nước ta.

Sách Tấm gương hiếu học xưa và nay kể rằng gia đình ông vốn rất nghèo khổ, không có ruộng nương, trâu bò. Hai mẹ con phải làm nghề quét rác ở chợ kiếm sống qua ngày.

img

Tượng danh nhân Lê Quát.

Tuy gia cảnh bần hàn, người mẹ vẫn quyết tâm cho con ăn học. Lê Quát học rất giỏi, đọc gì thuộc đấy. Cảm phục đức ham học của cậu bé, bà con hàng xóm cũng sẵn lòng giúp hai mẹ con.

Một hôm, Lê Quát vào xin nước của vị quan đã về hưu. Nghe xưng là học trò, vị quan hỏi về kinh sử để thử tài. Quát trả lời rất lưu loát. Từ đó, người này chu cấp tiền để chàng trai nghèo học tập.

Sau đó, Lê Quát được ông gả con gái, dù thiên hạ dị nghị “ông quan thông gia với nhà quét chợ”.

Ít lâu sau, Lê Quát được gửi lên kinh đô Thăng Long theo học thầy Chu Văn An (nhà giáo số một lúc bấy giờ). Đó là bước ngoặt để ông trở thành nhân tài của đất nước.

Dưới thời vua Trần Minh Tông, ông thi đỗ Thái học sinh (tiến sĩ), ra làm quan, thăng dần tới chức Thượng thư Hữu bật nhập nội hành khiển (quan đứng thứ hai trong triều).

Theo sách Việt Nam - các nhân vật lịch sử của hai nhà nghiên cứu Đinh Xuân Lâm và Trương Hữu Quýnh, nhờ làm việc giỏi, nhanh nhẹn, lại thanh liêm, ông và bạn đồng môn Phạm Sư Mạnh trở thành danh sĩ nổi tiếng thời Trần.

Nhân dân vẫn thường gọi ông là "Trạng Quét" để khen ngợi ý chí học hành hiếm có của cậu bé nghèo chuyên làm nghề quét rác ngày nào.

Ông là người cương trực, thẳng thắn, không ưa nịnh. Ngoài công việc triều chính, ông thích giao du với những bậc hiền nhân đương thời. Khi thầy Chu Văn An qua đời, được vua ban lệnh cho phối thờ ở Văn Miếu (bên cạnh Khổng Tử), ông đã mừng tới phát khóc suốt cả ngày.

Ông và Phạm Sư Mạnh là hai học trò xuất sắc của thầy Chu Văn An, được người đương thời đánh giá tài cao, đức trọng, sử sách lưu danh.

Ngoài những đóng góp cho xã tắc khi làm quan, Lê Quát còn là nhà văn, thơ nổi tiếng đương thời. Đáng tiếc là hiện nay, phần lớn những sáng tác của ông đều thất lạc, chỉ còn 7 bài thơ và 3 bài văn bằng chữ Hán.

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi nhận định những bài thơ còn lại phần nào cho thấy Lê Quát là người phóng khoáng. Cảm hứng chung toát ra từ văn thơ của ông là sự trong sáng, chứa đựng tinh thần yêu nước.

Sinh thời, Lê Quát luôn ôm ấp hoài bão đem tài năng giúp ích cho đời. Đáng tiếc giai đoạn ông làm quan, triều đình nhà Trần đã bước vào thời kỳ suy yếu. Vua Trần Dụ Tông chỉ lo ăn chơi, vận nước đi xuống.

Lê Quát đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm đổi mới thể chế, phê phán những tiêu cực của Phật giáo lúc bấy giờ (dung nạp kẻ ăn chơi, trốn tránh công việc xã hội…). Những ý kiến đó không được vua tiếp thu, thậm chí bản thân ông còn bị trách mắng.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư, nhà sử học Ngô Sĩ Liên nhận xét rằng: “Bấy giờ, nho thần Lê Quát cũng muốn làm sáng dạ cho thánh hiền, gạt bỏ dị đoan nhưng rốt cục vẫn không thực hiện được”.

Lê Quát có con trai là An phủ sứ Lê Giác. Trong trận chiến với Chiêm Thành năm 1378, người này bị bắt. Giặc bắt Lê Giác phải lạy, ông đã nói: “Ta là quan nước lớn sao lại phải lạy”, giặc tức giận giết chết ông.

Sau đó, Lê Giác được vua phong là Ma tặc trung Vũ Hầu, đồng thời phong cho con trưởng là Lê Nhuế làm Chánh trưởng bốn cục Cận thị chi hậu.

Nguyễn Thanh Điệp (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem